Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 21/10/2015 11:33
Hồ Chí Minh với Đại hội Đảng

Đảng ta đã trải qua nhiều Đại hội. Không kể Hội nghị thành lập Đảng (3/2/1930) thì Hồ Chí Minh đã chủ trì hai Đại hội (Đại hội II năm 1951 và Đại hội III năm 1960). Có thể nói đó là hai Đại hội in dậm dấu ấn của một nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất, đã để lại cho hậu thế nhiều bài học sâu sắc, mẫu mực, tới nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

 
Hướng tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, góp phần tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội, chúng ta hãy cùng ôn lại một số chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về công tác chỉ đạo Đại hội Đảng.

Trước hết, cần chuẩn bị nghiêm túc, cẩn trọng để thảo luận các văn kiện dự thảo. Mỗi đại biểu có trách nhiệm đọc kỹ các văn bản, nghiên cứu, xác định vấn đề trọng tâm, chính yếu rồi đối chiếu với Nghị quyết của Đại hội đương nhiệm, liên hệ với thực trạng của Đảng và đất nước để so sánh, cân nhắc kỹ những nội dung các vấn đề trước khi vào thảo luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn “ta nên nghiên cứu thật sâu, thảo luận kỹ những vấn đề chính, thì các vấn đề phụ sẽ giải quyết dễ dàng”.

Thứ hai, phải có tinh thần thực tế, nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ hiện tình của Đảng và của đất nước, cần tránh bệnh thành tích và bệnh giáo điều, sách vở một cách hủ lậu, phải nhìn mọi việc dưới quan điểm toàn diện, phải thấy sự quan hệ lẫn nhau giữa các vấn đề: kinh tế với chính trị, với quốc phòng và an ninh; kinh tế với nội trị và ngoại giao; ý Đảng và lòng dân; tầm nhìn của lãnh đạo và tầm nhìn của dân chúng… trong tiến trình phát triển của đất nước. Chính vì thế Bác Hồ đã dặn: “Không nên “tầm chương trích cú” như lối ông đồ nho. Nên tìm hiểu rõ nội dung, sự phát triển và sự quan hệ giữa vấn đề này với vấn đề khác”.

Thứ ba, Đảng ta tiến hành Đại hội theo nhiệm kỳ theo như Điều lệ Đảng đã quy định với mục đích kiểm điểm những việc đã làm trong một nhiệm kỳ, đánh giá đúng thành tích, ưu điểm và cả những sai lầm, khuyết điểm nếu đã phạm phải trong phạm vi 5 năm đã qua, để từ đó đề ra được nhiệm vụ và giải pháp thiết thực có tính khả thi. Hồ Chí Minh đã nêu ra một chỉ dẫn ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu như một châm ngôn: Nên đưa các vấn đề vào hiện tại và tương lai hơn là quá khứ.Thứ tư, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh có bốn nội dung chính cần bàn kỹ ở tầm Đại hội toàn quốc của Đảng, đó là: Bàn kỹ, xét kỹ về tư tưởng, về chính sách, về phương châm, về tổ chức.

Người yêu cầu Đại hội phải xét kỹ về tư tưởng trước tiên. Chỉ dẫn này không hề cũ mà nó còn nóng hổi tính cấp bách. Toàn Đảng, toàn dân ta đều thấy từ khi thống nhất đất nước tới nay, Đảng ta đã qua 5 kỳ đại hội, kỳ nào cũng đề cập hiện tượng quan liêu, tham nhũng; nghị quyết đại hội sau bao giờ cũng phê phán gay gắt hơn đại hội trước tới mức liệt tham nhũng là quốc nạn… Nhưng tại sao tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí lại ngày càng trầm trọng? Do đâu? Câu trả lời có phải đúng là từ nhỏ đến to, từ gần đến xa… tất cả đều do người làm ra cả không? Nhưng người nào? Cấp nào? Vì sao? Do đâu?... đã đến lúc những câu hỏi ấy cần được giải đáp nghiêm túc ở cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng ở Đại hội Đảng bộ toàn quốc.

Bàn kỹ, xét kỹ về chính sách theo Hồ Chí Minh có nghĩa là những quyết sách chính trị, là đường lối, chủ trương lớn liên quan đến đường đi, nước bước của cả quốc gia, là lo hôm nay và lo cho tương lai. Đại hội thì có nhiệm kỳ nhưng mục tiêu chiến lược thì phải lâu dài với những bước đi thích hợp, và tinh thần trách nhiệm với dân, với nước thì phải liên tục, tuyệt nhiên không ai được phép có tư tưởng nhiệm kỳ. Do vậy, Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu xét kỹ về chính sách với một căn cứ duy nhất là lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Người khẳng định: “Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó đúng hay không”.

Bàn kỹ, xét kỹ về phương châm có nghĩa là hướng đi, bước đi, cách thức hoạt động để thực hiện mục tiêu. Đại hội XII rất cần các đại biểu xét kỹ, kiểm điểm nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân và mức độ kết quả thực hiện mục tiêu mà Đại hội XI đã xác định.

Bàn kỹ, xét kỹ về tổ chức chính có tính chất quyết định. Đại hội cần xét kỹ tổ chức chính cần sửa đổi, bổ sung những gì để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện mục tiêu đã xác định. Đại hội XI của Đảng đã quyết định những vấn đề tổ chức chính là kiên quyết chỉnh đốn Đảng, chống mọi biểu hiện tham ô, lãng phí, quan liêu, vô trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, đưa ra khỏi Đảng những người đã tha hóa biến chất… Đây là vấn đề tổ chức chính như Hồ Chí Minh đã nêu và là vấn đề then chốt mà từ nhiều Nghị quyết các Đại hội trước đã ghi rõ. Ở Đại hội XII sắp tới, các đại biểu phải tập trung bàn kỹ, xét kỹ như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Chỉ nên bàn kỹ, xét kỹ tư tưởng, chính sách, phương châm và tổ chức chính”.

Nếu bàn kỹ, xét kỹ những nội dung đó thì chắc chắn Đại hội XII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp và Nghị quyết của Đảng sẽ làm nức lòng cả dân tộc, sẽ mau chóng đi vào cuộc sống, trở thành một sức mạnh vật chất để đất nước ta “muôn thuở vững âu vàng” như tổ tiên người Việt đã kỳ vọng ở thế hệ con cháu hôm nay.
 
 
Trần Duy (tổng hợp)

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)