Cần đánh giá thực trạng nguồn lực lao động của Hà Nội trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa
Đối với một quốc gia hay địa phương, xu thế hội nhập toàn cầu hóa sẽ tạo ra cơ hội lớn hơn cho các quốc gia, địa phương có nguồn nhân lực chất lượng cao hơn. Và xu thế này cũng tạo ra cơ hội lớn hơn cho những lao động có tay nghề cao, có trình độ ngoại ngữ và các phẩm chất cần thiết khác. Ngược lại, thách thức sẽ lớn hơn đối với những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng thấp và những người lao động phổ thông, có trình độ hạn chế.
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, để phát huy cơ hội, hạn chế thách thức, những vấn đề đặt ra đối với Thủ đô Hà Nội hiện nay là: cần phải phân tích kỹ thực trạng nguồn lực lao động của Hà Nội hiện nay, để từ đó định hướng các giải pháp nhằm nhanh chóng cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô trong bối cảnh nước ta đang muốn tiến nhanh, tiến sâu trong quá trình giao lưu và hội nhập toàn cầu.
Từ khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008 đến nay, thành phố Hà Nội có quy mô dân số đứng thứ hai toàn quốc. Theo số liệu thống kê, tính đến 31/12/2013 dân số Hà Nội có trên 7,2 triệu người (đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh là 7,98 triệu người). Với tốc độ tăng dân số nhanh, lực lượng lao động của Hà Nội không ngừng dồi dào hơn. Theo thống kê gần đây, Hà Nội là một trong 5 thành phố có lượng cung ứng lao động lớn nhất cả nước.
Mặt khác, Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, do đó nhu cầu lao động tại Hà Nội giữ vị trí cao so với các địa phương khác. Lượng cầu lao động tại Hà Nội nhìn chung tăng đều hàng năm, ngoài lao động tại chỗ còn có một lượng lao động từ các địa phương khác. Để đáp ứng nhu cầu này, trong vài năm trở lại đây, Chính quyền Thành phố đã thực hiện kế hoạch phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn cả về số lượng lẫn quy mô, nên phần nào đã đáp ứng được nhu cầu việc làm cho người lao động. Theo thống kê, năm 2014 số người có việc làm chính thức trong các loại hình doanh nghiệp chiếm khoảng 52,8% tổng dân số trên địa bàn.
Bên cạnh đó, với vị trí là trung tâm đô thị của đồng bằng sông Hồng, hiện nay dân số thành thị ở Hà Nội chiếm gần nửa dân số thành thị vùng đồng bằng sông Hồng và chiếm 10,37% dân số thành thị cả nước. Nhìn tổng thể, tỉ lệ dân số đô thị của Hà Nội cao hơn tỉ lệ chung của cả nước lại là thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương (chỉ bằng nửa so với Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng).
Xét về đặc điểm ngành nghề của nguồn lao động tại Hà Nội, thì lao động có kĩ năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm một tỉ lệ nhỏ trong khi đó lao động giản đơn và lao động phổ thông chiếm tỉ lệ lớn hớn. Có thể thấy hiện nay Thành phố đang còn tình trạng thiếu hụt hay “khát” lao động phổ thông khá cao. Đa phần lao động phổ thông đều là người ngoại tỉnh, trong khi đó lao động tại Hà Nội không mặn mà với công việc nặng nhọc, lương thấp…
Về chất lượng nguồn lao động, Hà Nội được xem là một trong những thành phố có tỉ lệ lao động qua đào tạo cao nhất cả nước; bởi nhiều năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động luôn được Chính quyền Thành phố đặc biệt quan tâm. Theo thống kê, đến nay, toàn Thành phố có gần 300 cơ sở dạy nghề, trong đó cơ sở tư nhân chiếm khoảng 70%. Trung bình hàng năm Thành phố đào tạo mới hơn 140.000 lao động. Hà Nội được đánh giá là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, với gần 37% lao động có trình độ và tay nghề, trong đó, lượng lao động trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm đa số. Nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội chiếm 30% nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.
Điểm lại những lợi thế về nguồn nhân lực Hà Nội, song chúng ta cũng cần thẳng thắn thừa nhận nhiều hạn chế, tồn tại của công tác đào tạo nguồn nhân lực Thủ đô. Đó là, năng suất lao động của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn rất thấp. Lao động qua đào tạo của Thành phố phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, các quận nội thành, trong khi ở khu vực nông thôn đa phần lao động chưa qua đào tạo. Cơ cấu này cho thấy Hà Nội cũng như cả nước đang trong tình trạng thiếu đội ngũ công nhân kĩ thuật lành nghề đã qua đào tạo bài bản.
Ngoài ra, Hà Nội hiện nay vẫn còn tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", do tâm lí của nhiều thanh niên hiện nay là thích học đại học hơn học nghề, nên nhiều trường dạy nghề đã không thu hút được đủ số lượng học sinh. Việc đăng kí các nghề để học dường như vẫn theo phong trào, theo tâm lý chủ quan chứ không dựa vào nhu cầu thực sự của thị trường lao động. Mặt khác, chất lượng dạy nghề còn thấp, nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy chưa thật phù hợp, chưa sát thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động đang biến động từng ngày…
Một trong những chìa khóa của sự phát triển bền vững đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc chính là chất lượng nguồn nhân lực. Bởi vậy, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực của Hà Nội một cách đầy đủ, khách quan và toàn diện sẽ là cơ sở quan trọng giúp Chính quyền Thành phố định hướng đúng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng, của cả nước nói chung, nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước thời kỳ mới.
An An (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội