Thị trường lao động của Hà Nội - Cần nhận thức rõ cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới
Thứ nhất, về cơ hội, Hà Nội được đánh giá là địa phương có chất lượng nguồn nhân lực cao so với cả nước, vì vậy việc tham gia các cộng đồng quốc tế sẽ tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm cho người lao động, nhất là những lao động có trình độ và năng lực chuyên môn cao. Sự hình thành các thị trường lao động khu vực sẽ thúc đẩy khả năng tạo việc làm cho từng quốc gia. Bên cạnh đó, việc thị trường lao động được mở rộng sẽ tạo cơ hội để Hà Nội cải thiện cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng gắn với thị trường lao động.
Về cơ cấu nguồn lực lao động, hiện nay ở Hà Nội còn nhiều bất cập, tỉ lệ đào tạo nghề so với đào tạo ở bậc đại học còn bất hợp lí, tỉ lệ tìm được việc làm, nhất là việc làm đúng với ngành nghề đào tạo thấp… Điều này sẽ được giải quyết khá ổn thỏa khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào các khối liên minh liên kết đa phương hóa, đa dạng hóa về kinh tế - văn hóa của khu vực và quốc tế… Bởi sự tham gia sâu vào nền kinh tế thế giới sẽ giúp Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng được mở rộng phạm vi thị trường lao động, có sự đa dạng về việc làm, nên người lao động có rất nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp với chuyên ngành của mình. Thị trường lao động - việc làm rộng lớn là định hướng thiết thực nhất, giúp cho giới trẻ lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng cá nhân. Giới trẻ sẵn sàng tham gia vào khối trường dạy nghề và tập trung học tập với hy vọng chắc chắn rằng sau khi ra trường sẽ có việc làm phù hợp và thu nhập bảo đảm. Điều đó góp phần khắc phục tình trạng hiện nay là tâm lý giới trẻ phải vào đại học bằng mọi giá, mặc dù nhiều người không biết rằng, sau khi học xong sẽ làm gì, không đúng chuyên môn, thậm chí học xong đại học lại ra làm thợ… Việc thị trường lao động - việc làm được mở rộng chính là yếu tố góp phần khắc phục tình trạng bất cập phổ biến trong cơ cấu nguồn nhân lực “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay.
Thị trường việc làm quyết định nhu cầu đào tạo. Căn cứ vào thị trường, không chỉ là thị trường trong nước mà thị trường nước ngoài, các cơ sở đào tạo nghề của Hà Nội sẽ tiến hành chuyển đổi cơ cấu và phương thức đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường. Đối với mỗi người lao động, trên cơ sở thị trường được mở rộng, họ tin tưởng rằng, nếu mình có khả năng thì chắc chắn sẽ tìm được việc làm, hay cơ hội tìm việc làm sẽ cao hơn. Do đó, họ sẽ tập trung đầu tư cho việc học tập, nâng cao trình độ và kĩ năng chuyên môn. Thị trường lao động được mở rộng sẽ tạo ra cơ hội cho việc xác định mục tiêu định hướng và động lực thúc đẩy sự vươn lên của người học. Sự gặp nhau về mục tiêu của người học và người dạy hay cơ sở đào tạo sẽ là điều kiện thuận lợi để cải thiện cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà Việt Nam ngày càng tham gia vào nhiều tổ chức, cộng đồng quốc tế có cùng lợi ích về kinh tế, thì đồng nghĩa với việc thị trường lao động giữa các quốc gia thành viên sẽ có sự công nhận lẫn nhau về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đây là điều kiện để các cơ sở đào tạo của Hà Nội nâng cao chất lượng, gắn kết đào tạo với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời buộc người học phải cố gắng vươn lên, phải học thực, khắc phục hiện tượng đối phó và tiêu cực trong giáo dục đào tạo. Thị trường lao động - việc làm được mở rộng là điều kiện thuận lợi để gắn kết công tác đào tạo với thị trường, các cơ sở đào tạo với các với cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước.
Thứ hai, về thách thức, Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi bước vào giai đoạn mới trong xu thế giao lưu và hội nhập toàn cầu hiện nay. Một là, người lao động, kể cả lao động chất lượng cao cũng phải chịu sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà. Việc tham gia vào các cộng đồng kinh tế chung của khu vực và thế giới sẽ cho phép luân chuyển lao động giữa các nước thành viên. Do đó, người lao động phải chịu sức ép lớn từ những yêu cầu khắt khe của việc tuyển dụng, nếu chính người lao động không ý thức rõ “mối nguy” này thì sẽ tự đánh mất cơ hội việc làm của mình ngay trên địa bàn của mình, quốc gia mình. Thực tế là nguồn lực lao động của Hà Nội hiện nay khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Thách thức của thị trường lao động sẽ rất lớn, sự cần cù, chăm chỉ chưa đủ để đứng vững trên thị trường này mà nhất thiết là phải có trình độ chuyên môn, đạo đức, kĩ năng nghề nghiệp và vốn ngoại ngữ. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong xin việc mà sự đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng mới là yếu tố chính đưa người lao động đến thành công. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực của Hà Nội còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với nhiều nước trong khu vực. Hiện tại Hà Nội vẫn đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kĩ thuật bậc cao, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.
Bên cạnh đó, đối với Hà Nội, tỉ trọng nguồn nhân lực làm việc trong các ngành có năng suất lao động thấp còn lớn, chưa ý thức được cơ hội và thách thức khi hội nhập kinh tế quốc tế. Số lao động đã qua đào tạo tại các trường khối ngành kĩ thuật, công nghệ… còn chiếm tỉ trọng nhỏ, hơn nữa trong số đó có nhiều người thiếu kĩ năng thực hành, cọ sát thực tế, kĩ năng mềm… để thích ứng với đòi hỏi của công việc.
Có thể nói, thị trường lao động của Hà Nội luôn biến động và chịu sự chi phối từ tình hình chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, nhất là trong xu thế giao lưu và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay... Bởi vậy, Thành phố cần nhận thức đúng và nắm bắt những cơ hội đồng thời xác định rõ thách thức của tiến trình hội nhập, từ đó định hướng xây dựng thị trường lao động, xây dựng nguồn nhân lực của Thủ đô đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Minh Minh (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội