Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 21/10/2015 12:02
Nhìn lại thành tích của Giáo dục Thủ đô những năm qua trong sự phát triển chung của đất nước

Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản góp phần quyết định thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Điều đó đã đặt ra cho ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô một nhiệm vụ nặng nề, vì giáo dục luôn được coi là “quốc sách hàng đầu” với mục tiêu đào tạo ra những công dân tương lai có đầy đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, nhiệt huyết để cống hiến, xây dựng Thủ đô và đất nước trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

 
Nền giáo dục Việt Nam có truyền thống từ lâu đời dựa trên tư tưởng “Tiên học lễ, hậu học văn”, đó là tư tưởng đề cao những giá trị đạo đức, đề cao việc “dạy người”. Những giá trị truyền thống quý báu này là một di sản cần được gìn giữ, phát huy và bảo tồn, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay. Nếu không biết giữ gìn và phát huy, chúng ta sẽ bị làn sóng toàn cầu nhấn chìm. Nhiệm vụ của giáo dục ngoài chức năng “dạy người” còn có một chức năng quan trọng không kém, đó là “dạy chữ”. Truyền thụ tri thức cho các thế hệ trong môi trường giáo dục nhằm trang bị cho người học những kiến thức toàn diện về mọi vấn đề trong thế giới khách quan. Có nền tảng vững chắc về tri thức, có phẩm chất đạo đức tiến bộ là yếu tố cần thiết, quan trọng để người học hôm nay - nguồn nhân lực mai sau, có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, nhất là trong thời kỳ mới.
 
Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể nói, từ sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Mục tiêu của Đảng ta là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, phải phát huy đến mức cao nhất nguồn lực con người vì con người là nhân tố quyết định.
 
Hiện nay, nền giáo dục - đào tạo của chúng ta đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Tại bậc học phổ thông, ngành giáo dục - đào tạo đã phổ cập xong bậc tiểu học và trung học cơ sở; trong phát triển giáo dục - đào tạo bậc đại học, nhiều trường đại học được thành lập đã tạo cơ hội cho đông đảo sinh viên được học tập. Số lượng học sinh, sinh viên, đội ngũ trí thức trẻ ngày càng tăng lên, đóng góp vai trò quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thành tích đạt được của học sinh Việt Nam tại những kì thi học sinh giỏi quốc tế rất cao và ổn định, điều này chứng tỏ học sinh Việt Nam không thua kém so với học sinh các nước trên thế giới. Đó là một kết quả rất đáng khích lệ về giáo dục - đào tạo khi Việt Nam vẫn đang là nước đang phát triển. Những thành tựu, kết quả quan trọng của ngành Giáo dục bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của mỗi gia đình và toàn xã hội; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sự ổn định về chính trị cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
 
Đóng góp vào thành tựu chung về lĩnh vực giáo dục - đào tạo của cả nước là những kết quả đáng ghi nhận của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Theo thống kê, đến năm học 2014-2015, ngành Giáo dục Thủ đô đã phát triển về quy mô với tổng số có 2.574 cơ sở giáo dục, 48.788 nhóm lớp, 1.664.195 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 126.472 người (trong đó có 93.801 giáo viên các cấp học). Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã triển khai tốt nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện. Các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời. Công tác chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã tập trung lựa chọn những nhiệm vụ then chốt, bám sát thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể quyết tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn của các cấp học đều có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá trong giáo dục của Thành phố không ngừng được đổi mới, nâng cao. Công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục.
 
Bước vào năm học mới 2015-2016, ngành Giáo dục & Đào tạo Hà Nội tiếp tục thực hiện phương châm “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” và triển khai cuộc vận động “Kỷ cương nghiêm - Chất lượng thực - Hiệu quả cao” trong mọi hoạt động. Cụ thể, Hà Nội sẽ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính (tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa); đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích phát triển mô hình trường chất lượng cao.
 
Với những tiền đề và nội lực sẵn có của ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô, chúng ta tin tưởng rằng Hà Nội sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là một trung tâm văn hóa - giáo dục lớn nhất cả nước; xứng đáng là một Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại trong thế kỷ XXI.
 
 
Gia Linh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)