Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 29/10/2015 10:17
Triều Lê sơ với một số nhà hoạt động ngoại giao tiêu biểu

Như hầu hết các triều đại phong kiến, triều Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, ra đời là sự kế thừa, chuyển giao quyền lực từ tập đoàn dòng họ này sang tập đoàn dòng họ khác mà ở đó ít nhiều có đổ máu xương bởi những cuộc thanh toán nội bộ tàn bạo, quyết liệt để tranh quyền đoạt vị. Nhưng triều Lê sơ được thành lập lại hoàn toàn khác. Đó là kết quả của công cuộc kháng chiến cứu quốc lâu dài, gian khổ suốt 10 năm (1418 - 1427) và có tính nhân dân sâu rộng nhất từ năm 938 đến thời đó. Gọi là nhà nước mới, triều đại mới bắt đầu nhưng triều Lê sơ năm 1428 là thành quả của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sâu rộng 20 năm mà trực tiếp là khởi nghĩa Lam Sơn, là sự tiếp tục tự nhiên, là bước phát triển mới của bộ chỉ huy khởi nghĩa Lam Sơn. Để tạo dựng, duy trì và phát triển triều đại Lê sơ, phải kể đến công sức đóng góp của một số nhà hoạt động ngoại giao tiêu biểu như anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Đào Công Soạn, Nguyễn Biểu...

 
Nguyễn Trãi nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc Việt Nam, là nhà văn hoá kiệt xuất có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học tư tưởng Việt Nam. Với triều Lê sơ, ông là bậc khai quốc công thần một lòng xây đắp vương triều Lê trong buổi ban đầu. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh, trên cương vị Tuyên phụng đại phu, Hàn lâm thừa chỉ. Trong hoạt động ngoại giao, ngay khi xây dựng được lực lượng lớn mạnh, Nguyễn Trãi đã tiến tới khẳng định bờ cõi nước Nam có quyền đứng riêng với phương Bắc và ông coi đó là chân lý và mục đích tối thượng của người Nam. Với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Nguyễn Trãi không chỉ khẳng định chính nghĩa và sức mạnh dân tộc mà còn triệt để tận dụng mọi cơ hội để vừa đánh vừa đàm, lấy đánh làm cơ sở để thuyết phục, lấy kế “tâm công” để thuyết hàng, bức hàng, hoà hoãn, mở đường đến thắng lợi. Sự uyên thâm trong kế sách, lại là người có tầm nhìn xa trông rộng nên Nguyễn Trãi biết cách đạt kết quả cao nhất mà lại ít bị tổn thất nhất. Với tầm nhìn chiến lược, Nguyễn Trãi đã thể hiện năng lực quan hệ ngoại giao khôn khéo, uyển chuyển, kiên định trong nguyên tắc nhưng luôn tỏ ý khiêm nhường, đề cao đối phương, vỗ về cái đạo của nước lớn, nước biết lễ nghĩa sách vở thánh hiền.
 
Với sự tài ba của một nhà chính trị, nhà quân sự và ngoại giao kiệt xuất, trong mọi tình thế, Nguyễn Trãi biết cách lập luận để khẳng định sự chính nghĩa cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của nghĩa quân Lam Sơn; tính chất phi nghĩa, trái đạo lý của quân xâm lược. Sự xuất sắc trong hoạt động đối ngoại của Nguyễn Trãi ở chỗ lập luận chặt chẽ, sắc bén buộc kẻ thù phải chấp thuận và cái tài của ông còn ở việc khéo léo vận dụng “gậy ông đập lưng ông” với kẻ địch.
 
Đối sách của Nguyễn Trãi không hoàn toàn là võ chiến mà đấu tranh trên tư tưởng nhân nghĩa cao cả và vốn kiến thức sâu sắc nắm bắt cục diện cuộc chiến và định hướng được những quan hệ lâu dài, lường trước được những khả năng diễn biến phức tạp có thể xảy ra và chủ trương xây đắp tinh thần hoà nghị lâu dài giữa hai quốc gia phong kiến.
 
Lấy dân làm gốc, luôn đặt lợi ích nhân dân là hàng đầu, tư tưởng này đã đồng hành suốt cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đi xa hơn là định hướng xây dựng một xã hội nhân bản, tiến bộ Văn trị chung tu trí thái bình, tên tuổi người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi đã thực sự vượt ra ngoài biên giới quốc gia, hoà nhập vào tinh hoa giá trị văn hoá của nhân loại.
 
Làm nên hào quang của cuộc kháng chiến chống quân Minh lâu dài, anh dũng vẻ vang của dân tộc mà ý nghĩa của nó luôn bao trùm, lấp lánh trên triều Lê sơ ngoài những võ tướng hay các anh hùng dân tộc như Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ), danh nhân Nguyễn Trãi thì còn phải kể đến Đào Công Soạn - một nhân vật ngoại giao tiêu biểu. Ông là một trong những người được cử đi sứ nhà Minh đầu tiên của triều Lê và đã hoàn thành sứ mạng quốc gia giao cho. Năm 1436, ông giữ chức Thẩm hình viện sự kiêm Lễ bộ Thượng thư, nhận nhiệm vụ đi sứ lần hai. Tiếp đó, ông lĩnh nhiều trọng trách của triều đình như: Nhập nội hành khiển, Tri tam quán sự, Nhập thị Kinh diên. Năm 1444, ông đi sứ nhà Minh lần thứ 3. Ở tuổi gần 70 ông vẫn còn minh mẫn và hoàn thành nhiệm vụ trở về. Là người am hiểu kinh sách, phong tục của người Trung Quốc, lại 3 lần đi sứ nhà Minh nên Đào Công Soạn được triều đình giao theo dõi giải quyết các vấn đề biên giới. Với tài năng và nhiệt huyết của mình ông đã góp phần tích cực trong những thắng lợi của nhà Lê trong đấu tranh ngoại giao.
Cũng triều Lê sơ, một trong những nhà hoạt động ngoại giao được các sử thần triều Nguyễn xếp vào danh sách “bề tôi trung nghĩa” đó là Nguyễn Biểu, tinh thần, ý chí của người khiến cho quân thù khiếp sợ. Ông là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm của quân dân Đại Việt trước quân thù trong tình cảnh đất nước bị xâm lược.
 
Một trong những nhà hoạt động đối ngoại tiêu biểu thời Lê sơ còn phải kể đến Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực. Với sự uyên bác và tài năng văn chương, Nguyễn Trực đã tham gia và có đóng góp tích cực vào hoạt động ngoại giao của Đại Việt giai đoạn giữa thế kỷ XV.
 
Trong suốt 100 năm tồn tại (1428-1527) thời Lê sơ, ngoài một số nhà hoạt động đối ngoại kể trên còn phải kể đến những danh nhân tiêu biểu có công trên lĩnh vực ngoại giao như: Trạng lường Lương Thế Vinh (1441-1496); hay như nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà giáo dục Nguyễn Như Đổ (1424-1526); còn là sự góp sức của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) - vị vua trong 38 năm trị vì đã đưa nước Đại Việt phát triển về mọi mặt, trở thành một cường quốc có tầm ảnh hưởng đến toàn khu vực... Để duy trì một nền độc lập của đất nước, ngoài những chính sách ổn định chính trị trong nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân thì những hoạt động đối ngoại với các nước lân bang luôn thiết yếu và những nhà hoạt động đối ngoại tiêu biểu cũng luôn đóng vai trò quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển bền vững đất nước.
 
 
Ly Đàm

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)