Từ hội thề Lũng Nhai đến hội thề Đông Quan
Nổi bật với tài thao lược và nghệ thuật quân sự làm nên chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống Minh đó là đường lối đấu tranh chính trị, ngoại giao kết hợp với đấu tranh vũ trang được Nguyễn Trãi trực tiếp chỉ đạo, vận dụng trở thành một mũi tiến công sắc bén, đạt đến kết quả cao nhất so với các thời đại trước. Đường lối đó thường được gọi là “tâm công” mà Nguyễn Trãi đã tổng kết trong Bình Ngô đại cáo bằng câu “Ta mưu đánh vào lòng, không chiến mà thắng”.
Ngược dòng thời gian, tìm về bối cảnh dẫn đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng. Như hầu hết các quốc gia trong thời kỳ phong kiến, sự hưng thịnh hay suy tàn thường gắn liền với vai trò của những vị vua đầy quyền lực. Triều Trần được đánh giá là một trong hai triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhưng rồi cũng rơi vào khủng hoảng, suy yếu và chuyển giao quyền lực sang tay nhà Hồ. Nhà Hồ chỉ tồn tại trong mấy năm đầu thế kỷ XV rồi đất nước rơi vào sự thống trị của ngoại bang nhà Minh, dân rơi vào cảnh lầm than, tang tóc đau thương.
Đầu năm Bính Thân (1416) Lê Lợi cùng 18 người bạn thân tín nhất, cùng tâm huyết và chí hướng, trong đó có Nguyễn Trãi, làm lễ thề kết nghĩa anh em, nguyện sống chết “chung sức đồng lòng chống giữ địa phương để trong cõi được ở yên”. Đó là hội thề Lũng Nhai lịch sử đặt cơ sở cho sự hình thành một tổ chức lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và một bước chuẩn bị lực lượng tiến tới phát động khởi nghĩa. Từ hội thề Lũng Nhai đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ (1416-1418) có thể nói là giai đoạn chuẩn bị về tổ chức và lực lượng cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và chủ trì tại địa bàn thuộc miền núi phía tây Thanh Hoá.
Từ ngày đầu cho đến chiến thắng vẻ vang, đất nước được giải phóng, khởi nghĩa Lam Sơn có ba giai đoạn: đầu tiên là hoạt động ở vùng núi Thanh Hoá (1418-1423), tiếp đó là tiến vào phía nam (1424-1425) và kết thúc là giải phóng Đông Quan (1426-1427).
Ngay từ thời kỳ đầu những năm 1418-1423, ngoại giao đã góp phần duy trì và củng cố lực lượng nghĩa quân, sang những năm tiếp theo ngoại giao tiếp tục hướng tới mục tiêu phục vụ chủ trương chuyển hướng chiến lược - tiến quân vào Nam để mở rộng địa bàn hoạt động, cho tới cuối năm 1425, khởi nghĩa Lam Sơn đã có những bước tiến nhảy vọt. Cả vùng nông thôn rộng lớn từ Thanh Hoá đến Thuận Hoá được giải phóng. Thế và lực của nghĩa quân ngày càng mạnh, tạo điều kiện và thời cơ tiến quân ra giải phóng miền Bắc, giải phóng Đông Quan.
Kế sách “tâm công” nổi bật và phát huy hiệu quả cao nhất là ở thời kỳ giải phóng thành Đông Quan đi đến thắng lợi cuối cùng giải phóng đất nước. Tháng 9/1426, Lê Lợi và bộ tham mưu nghĩa quân quyết định đưa hơn 1 vạn quân tiến ra bắc mà trung tâm là thành Đông Quan. Nghĩa quân đi tới đâu cũng đều được nhân dân hưởng ứng giúp đỡ, nguyện vọng tha thiết của người dân là sớm thấy nghĩa quân thu phục thành Đông Quan cũng như nhiều thành trì khác, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của nhà Minh. Vậy nên, cuộc tiến công ra Bắc của nghĩa quân Lam Sơn đã thực sự trở thành cuộc nổi dậy và tiến công của toàn dân.
Với tham vọng của mình, tháng 11/1426, Vương Thông quyết định mở một cuộc phản công lớn, huy động tới 10 vạn quân, chia ba mũi tiến công nhằm vây quét một vùng rộng lớn mà mục tiêu chủ yếu là căn cứ Ninh Kiều. Nhưng thế trận ba mũi tiến công của Vương Thông đã bị nghĩa quân Lam Sơn làm cho phá sản “Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm”. Đặc biệt, chiến thắng Tốt Động, Chúc Động đã đánh bại cuộc phản công của gần 10 vạn quân Minh, đánh sập ý đồ xoay chuyển cục diện trận chiến của Vương Thông, buộc địch phải cố thủ ở thành Đông Quan cầu hoà để chờ cứu viện. Bộ tham mưu nghĩa quân Lam Sơn không hề ngạc nhiên và cũng không hề có ảo tưởng trước đề nghị cầu hoà của địch. Bộ tham mưu của nghĩa quân Lam Sơn biết chấp thuận nghị hoà chỉ là giải pháp tình thế khi bản chất hiếu chiến, ngoan cố của Vương Thông chưa bị đè bẹp thì chắc chắn sẽ có sự trí trá, lật lọng. Ở thời điểm đó, nghĩa quân Lam Sơn chưa phát triển đến mức độ đập tan được hoàn toàn quyết tâm của kẻ thù, tuy quân Minh bị suy yếu, nhưng lực lượng ở thành Đông Quan vẫn còn mạnh, một số thành luỹ quan trọng vẫn bị quân địch kiểm soát. Trên cơ sở những thắng lợi của đấu tranh quân sự, thông qua mặt trận ngoại giao, nghĩa quân tiếp tục dồn quân Minh vào bước đường cùng và diệt viện binh, đồng thời vận dụng một sách lược khôn khéo và kiên nhẫn nhằm triệt để phân hoá nội bộ địch.
Bền bỉ trong đấu tranh cho đến khi nắm bắt được thế giặc đã cùng, lực giặc đã kiệt, trước việc tăng cường vây hãm thành của nghĩa quân buộc địch phải liều chết đánh ra ngoài để tìm đường thoát chạy về nước. Chủ tướng Vương Thông đích thân cầm quân mở cửa thành. Quân Minh bị nghĩa quân truy kích quyết liệt tới cửa Nam thành Đông Quan. Trước bước đường cùng, Vương Thông đành gửi thư cầu hoà. Nhân cơ hội này, với tầm nhìn chiến lược của một nhà ngoại giao xuất chúng, Nguyễn Trãi đã bàn với Lê Lợi về khả năng kết thúc chiến tranh nhanh nhất mà mang lại hiệu quả lâu dài nhất. Trước tiên, địch phải cùng với các lãnh tụ nghĩa quân dự hội thề, sau đó kế hoạch rút quân mới được ấn định, hội thề Đông Quan ra đời.
Mở đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là hội thề Lũng Nhai lịch sử, kết thúc cuộc khởi nghĩa đó cũng là một hội thề đầy ý nghĩa - hội thề Đông Quan. Hội thề Đông Quan thực chất là một hình thức công khai đầu hàng của tướng tá nhà Minh theo chủ ý của bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn là để “thiên triều” đỡ bẽ mặt. Với bài văn thề, lần đầu tiên “thiên triều” ký với Đại Việt một hiệp ước đình chiến, vua Minh chấm dứt vĩnh viễn mọi hành động chiến tranh với Đại Việt còn bên thắng đảm bảo cho bên bại được rút lui an toàn. Đây chính là thái độ khoan hồng, nhân đạo của quân ta, các lãnh tụ nghĩa quân cấp đủ số lương ăn đường cùng các phương tiện thuỷ, bộ cho quân Minh rút về nước.
Để đi đến ngày quân thần, chủ tướng ca khúc khải hoàn chiến thắng giặc Minh, không chỉ là quá trình chuẩn bị quân đội, vũ khí... của người khởi xướng, những người đứng đầu nghĩa quân Lam Sơn mà còn là sự đóng góp của người dân, của toàn xã hội, mỗi lĩnh vực là một mặt trận. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngoài nhân tố người cầm binh, lực lượng chiến đấu... thì các kế sách đưa ra cho mỗi trận chiến, mỗi tình huống và đặc biệt là đối sách “tâm công” - đường lối đấu tranh ngoại giao - địch vận được xem là nhân tố hàng đầu có tính quyết định thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn chống ách đô hộ nhà Minh giành độc lập cho đất nước.
Ngọc Khánh
Nhà xuất bản Hà Nội