Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 29/10/2015 11:44
Hà Nội cần tập trung phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá và hội nhập

Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô từ ngày 01/8/2008 đã đem đến nhiều lợi thế và cơ hội cho nông nghiệp Hà Nội phát triển. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, thì cần sự tập trung đầu tư của chính quyền Thành phố đối với việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đặc biệt là theo hướng sản xuất công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn Thủ đô.

 
Theo dự báo của các nhà nghiên cứu, kinh tế tư nhân trong nông nghiệp Hà Nội có xu hướng vẫn là lực lượng sản xuất chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm nông nghiệp của Thành phố. Hướng kinh doanh trong các cơ sở sản xuất sẽ có sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ; từ sản xuất tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hoá theo hướng chuyên môn hoá kết hợp với kinh doanh tổng hợp. Kinh tế tư nhân trong nông nghiệp Hà Nội sẽ phát triển trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau và quan hệ chặt chẽ với các hình thức tổ chức sản xuất khác, trước hết là với các hợp tác xã kiểu mới và các doanh nghiệp có vốn đầu tư với nước ngoài, các cơ sở kinh tế nhà nước làm dịch vụ khoa học và công nghệ, tạo lập các môi trường xuất khẩu. Do đó, trong giai đoạn trước mắt, Thành phố cần thực hiện một loạt giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của thành phần kinh tế tư nhân so với các thành phần kinh tế khác trong nông nghiệp của Thủ đô.
 
Thứ nhất, Thành phố cần nghiên cứu và thực hiện giải pháp về phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Để nâng cao tính tự chủ của kinh tế tư nhân, tạo lập mối quan hệ của kinh tế tư nhân trong nông nghiệp với các thành phần kinh tế khác, trước hết là tư cách pháp nhân của hộ nông dân và các trang trại cần xử lý theo hai hướng, đó là nâng cao năng lực thực sự của các cơ sở này trong sản xuất kinh doanh và điều chỉnh các văn bản quy định của pháp luật cho phù hợp. Bên cạnh đó, nhu cầu hợp tác giữa các cơ sở kinh tế tư nhân trong nông nghiệp với nhau là khách quan bắt nguồn từ thực tế sản xuất của chính các cơ sở này, trong đó có nhu cầu hợp tác dưới hình thức các hợp tác xã. Do đó, việc đổi mới các hợp tác xã là cần thiết và cần chú trọng vào ba nội dung chính: Rà soát lại hướng kinh doanh, đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng cán bộ.
 
Thứ hai, Thành phố cần tiến hành các giải pháp về quy hoạch và bố trí sản xuất trong nông nghiệp trên địa bàn. Những bức xúc về quy hoạch và bố trí sản xuất nông nghiệp đòi hỏi cần có bước triển khai nhanh về việc xây dựng các đề án, việc điều chỉnh lại quy hoạch sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ở cấp độ Thành phố; tiếp tục hoàn thiện các đề án quy hoạch phát triển các vùng chuyên môn hoá (vùng rau, hoa, vùng cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản...). Tiếp theo đó, Thành phố cần chỉ đạo các cấp quận huyện trên địa bàn tổ chức tốt việc quy hoạch, bố trí sản xuất đã được phê duyệt theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và dứt điểm. Các cấp có thẩm quyền phải thường xuyên theo dõi các biến động và các điều kiện thực hiện quy hoạch để chủ động điều chỉnh cho phù hợp.
 
Thứ ba, Thành phố cũng cần tiến hành các giải pháp về quản lý đất đai trong nông nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch, Thành phố cần tiếp tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở kinh tế trong nông nghiệp tích tụ ruộng đất, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nâng cao sức cạnh tranh; tạo thuận lợi trước hết là cho các hộ nông dân có thể chuyển đổi sang các ngành nghề khác, không găm đất chờ đền bù. Song song với đó cũng cần kiên quyết xử lý các tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích; hạn chế các tác động của đô thị hoá làm thu hẹp quỹ đất nông nghiệp; cân nhắc trong việc mở rộng đô thị và khu công nghiệp ở những vùng đất tốt, đất lúa, tiết kiệm đất, nhất là đất nông nghiệp.
 
Thứ tư, Thành phố cần chú ý đến các giải pháp về lao động, việc làm trong nông nghiệp, nông thôn. Giải quyết vấn đề việc làm trong nội bộ ngành nông nghiệp cần tập trung vào các vấn đề như: thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyển sang kinh doanh các loại sản phẩm có giá trị kinh tế và độ an toàn cao; đẩy mạnh khai hoang, nâng cao hệ số sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp như giao thông, thuỷ lợi, các công trình phục vụ sản xuất các sản phẩm an toàn...
 
Thứ năm, Thành phố cũng cần quan tâm đến giải pháp về đầu tư khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp. Các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cần kết hợp ở các ngành sản xuất mũi nhọn, ngành có hiệu quả cao với các ngành đã được quy hoạch, đảm bảo cho khoa học và công nghệ đến được với mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là các hoạt động làm chức năng bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sống của cư dân nông thôn. Bên cạnh đó cần dự báo và xử lý tốt các tác động tiêu cực của việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp như: giải quyết vấn đề dư thừa lao động chân tay do ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại thay sức lao động trực tiếp của con người; vấn đề ô nhiễm môi trường do sử dụng công nghệ mới...
 
Có thể nói, với việc nghiên cứu và triển khai đồng bộ các giải pháp trên, ngành nông nghiệp Thủ đô chắc chắn sẽ có nhiều tín hiệu khả quan trong thời gian tới. Bởi khi kinh tế tư nhân trong nông nghiệp được đầu tư đúng mức và nâng cao được sức cạnh tranh sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp Thành phố chuyển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn sang sản xuất hàng hoá theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chúng ta tin tưởng rằng, nông nghiệp Thủ đô sẽ trở thành một ngành kinh tế mở, năng động và đóng góp hiệu quả trong tiến trình giao lưu và hội nhập toàn cầu của Thủ đô và đất nước.
 
 
 Trang An
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)