Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 29/10/2015 11:49
Mô hình tăng trưởng mới của kinh tế Thủ đô cần gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mớ

Theo quy hoạch thành phố Hà Nội, đến năm 2020 nông thôn của Thủ đô vẫn chiếm 46%, đến năm 2030 nông thôn chiếm 30%. Do đó, tái cấu trúc tăng trưởng Thủ đô Hà Nội cần gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới có kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nông thôn được bảo đảm, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

 
Theo mục tiêu Đề án xây dựng nông thôn mới của Hà Nội, đến hết năm 2020 toàn Thành phố có 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; định hướng đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới ở 100% xã trên địa bàn. Để bảo đảm các yêu cầu về phát triển bền vững, dưới góc nhìn các khía cạnh về kinh tế, chính quyền Thành phố cần thực hiện tốt các chính sách tái cấu trúc theo không gian nông thôn nhằm thực hiện tốt quá trình xây dựng nông thôn mới Thủ đô Hà Nội.
 
Một là, chính sách khuyến khích thực hiện dồn điền đổi thửa: Đây không phải là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của Thành phố, song đó lại là khâu quan trọng để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ổn định, lâu dài, là yếu tố quyết định thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, là tiền đề, là cơ sở triển khai các nội dung tiếp theo trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, với những địa phương có diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, bình quân mỗi hộ dân sở hữu nhiều ô, thửa ruộng phân tán trên nhiều cánh đồng như hầu hết các xã của Hà Nội thì việc làm này rất cần thiết. Tuy nhiên, đây là một việc làm rất khó, bởi nó đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ dân, phải tiến hành một khối lượng công việc rất lớn từ xây dựng phương án, kế hoạch triển khai, đến tổ chức tuyên truyền, họp ở nhiều cấp, đo đạc, lên bản đồ, gắp thăm, chia đất, cấp hồ sơ giấy tờ... Do đó, Thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, nhân dân hiểu rõ và tổ chức thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa; Ban chỉ đạo các huyện, thị xã cần tích cực giúp đỡ các xã tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình tổ chức thực hiện dồn điển đổi thửa...
 
Hai là, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn: Hà Nội có rất nhiều thế mạnh sẵn có. Trước hết, Hà Nội có số lượng sản phẩm làng nghề lớn nhất cả nước, sản phẩm đa dạng, thị trường rộng mở, giá trị xuất khẩu cao. Cùng với đó, ở khu vực ngoại thành có nhiều vùng sản xuất nông sản có thể xây dựng thành vùng nông nghiệp hàng hóa như chè, cây ăn quả, hoa, cây cảnh… Đây là những thế mạnh mà Hà Nội cần tận dụng để phát triển nghề cho nông dân; tạo nguồn việc làm ổn định, dần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.
 
Ba là, chính sách cơ giới hóa nông nghiệp: Cơ giới hóa là xu hướng tất yếu để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội. Việc đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp và tổ chức liên kết dịch vụ góp phần giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp để chuyển bớt sang các ngành nghề, dịch vụ khác, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tăng thu nhập cho người dân theo đúng chủ trương của chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở cho việc hình thành tập quán sản xuất mới năng động, hiện đại ở các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, dần xóa bỏ tình trạng ruộng đất manh mún mà vẫn không thay đổi quyền sử dụng đất giữa các hộ dân.
 
Bốn là, chính sách khuyến khích xây dựng, kiên cố hóa cơ sở hạ tầng. Trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn Hà Nội đã được Thành phố quan tâm đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hệ thống đường giao thông nông thôn đã được tập trung đầu tư kiên cố nhưng chủ yếu trong nội khu dân cư, chưa chú trọng đầu tư giao thông nội đồng; hệ thống điện chưa ổn định, hệ thống hạ tầng điện chưa được cải tạo, nâng cấp và đầu tư không đều… Do đó, yêu cầu đặt ra đối với Thành phố trong giai đoạn hiện nay là phải phát triển toàn diện, bền vững hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, giao lưu thương mại, và thuận lợi cho việc đi lại cho nhân dân, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
 
Năm là, chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường: Môi trường đất, môi trường nước và không khí ở nhiều huyện ngoại thành Thủ đô đang bị ô nhiễm do các hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến như nước thải ô nhiễm từ làng nghề, cụm điểm công nghiệp chưa được xử lý, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, các cấp chính quyền, các sở, ngành Thành phố và bản thân người dân ở các huyện ngoại thành của Thủ đô cần nhận thức rõ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
 
Xuất phát từ những đặc điểm nội tại của nền kinh tế Thủ đô, chúng ta cần nhận thức rõ mô hình tăng trưởng kinh tế Thủ đô giai đoạn hiện nay phải đảm bảo các yêu cầu về tính bền vững, tính hiệu quả và vì con người; được thực hiện trên cở sở kết hợp các yếu tố tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, giữa nhà nước và tư nhân cùng với sự vận hành thông suốt cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Đây chính là động lực quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
 
Minh Hà
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)