Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 30/10/2015 11:40
Một số nguyên tắc xây dựng Đảng từ nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Những nguyên tắc xây dựng Đảng mà Người xác định và thực hiện là một biểu hiện đặc sắc của văn hóa chính trị. Sự thăng trầm của lịch sử Đảng, của lịch sử dân tộc do Đảng lãnh đạo từ đầu thế kỷ XX tới nay đã chứng minh hào hùng hệ giá trị văn hóa chính trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng.

 
Nguyên tắc xây dựng Đảng là yếu tố quan trọng hàng đầu, nó đảm bảo cho Đảng tồn tại và phát triển với tư cách là đội tiên phong chính trị của giai cấp và dân tộc, là “biểu tượng của trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc”. Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh từ các tác phẩm của Người, các nhà nghiên cứu đã hệ thống 5 nguyên tắc sau đây:
 
1. Nguyên tắc tập trung dân chủ
 
Theo Hồ Chí Minh thì nguyên tắc tập trung dân chủ vừa đảm bảo quyền chủ động, sáng tạo của mỗi thành viên trong tổ chức vừa đảm bảo thống nhất giữa ý chí và hành động vì sự nghiệp chung. Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định nguyên tắc tập trung dân chủ là cơ bản và quan trọng nhất để xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước. Không thể thủ tiêu hoặc làm biến dạng, vận dụng lệch lạc nguyên tắc này vì như vậy nó sẽ làm cho tổ chức đảng bị phá hoại ngay từ bên trong, bị rời rạc phân tán như “đũa mỗi chiếc một nơi” dẫn tới Đảng không còn sức mạnh, mất vị trí của Đảng cầm quyền.
 
2. Nguyên tắc giữ gìn đoàn kết, nhất trí trong Đảng
 
Tuy Hồ Chí Minh không gọi đây là nguyên tắc nhưng gần như cả cuộc đời mình Hồ Chí Minh đã thường xuyên nhắc nhở và tự mình nêu gương sáng về giữ gìn đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Người coi đó là nguyên nhân và điều kiện thắng lợi cách mạng. Do đó phải “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công… Đảng ta là một Đảng lãnh đạo. Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau cũng đều phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho”. Đoàn kết phải được xây dựng trên một nền tảng chung, một lý tưởng cách mạng chân chính, một đường lối cách mạng đúng, vì một mục đích duy nhất là hạnh phúc của nhân dân.
 
3. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình
 
Theo Hồ Chí Minh, xã hội không ngừng vận động, phát triển và tiến lên. Vì vậy, Đảng càng phải phát triển và tiến bộ để lãnh đạo phong trào. Sự phát triển của Đảng bao hàm sự tự chỉnh đốn, tự đổi mới để Đảng bao giờ cũng là người đại biểu cho trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc. Tự phê bình và phê bình được Hồ Chí Minh gọi là “luật” phát triển của Đảng. Có nghĩa là điều bắt buộc phải thực hành trong toàn Đảng như là một yếu tố nội sinh trong một kết cấu hoàn chỉnh của hệ thống tổ chức chặt chẽ, là một công cụ để giáo dục và tự giáo dục của mỗi đảng viên, của bản thân Đảng, là điều kiện của sự tồn tại trong mối quan hệ với nhân dân, lãnh đạo và phục vụ nhân dân. Do vậy “luật” tự phê bình và phê bình phải được xác định là một nguyên tắc xây dựng Đảng.
 
4. Nguyên tắc kiểm tra và kỷ luật Đảng
 
Đảng ta là đảng lãnh đạo, đảng hành động vì lợi ích của nhân dân. Lãnh đạo mà không có kiểm tra coi như không lãnh đạo. Hồ Chí Minh đã xác định công việc của Đảng là việc chung chứ không phải của riêng ai. Trong điều kiện của Đảng cầm quyền “nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những khó khăn, trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to…”. Nếu lơ là, coi nhẹ công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng thì sẽ làm cho đảng viên sống và làm việc tùy tiện, quan liêu, chủ nghĩa cá nhân phát triển, chủ trương và hành động dễ sai lầm, làm cho dân oán. Duy trì nguyên tắc kiểm tra và kỷ luật Đảng là sự tự bảo vệ của Đảng trước mọi thử thách ngặt nghèo trong mọi thời kỳ cách mạng, là giữ cho Đảng trong sạch, vững mạnh.
 
5. Nguyên tắc gắn bó máu thịt với nhân dân
 
Đây là nguyên tắc bảo đảm cho Đảng tồn tại và phát triển. Gắn bó máu thịt với nhân dân là tiêu chí để xem xét đánh giá tư cách của người cách mạng và “tư cách của một đảng cách mạng chân chính”. Xa rời nguyên tắc này, Đảng sẽ không còn sức mạnh, sẽ có nguy cơ tha hóa, biến chất, thậm chí thành cực đối lập với nhân dân. Nếu Đảng không tạo lập được sự gắn bó máu thịt với nhân dân thì sẽ không được nhân dân tin yêu, kính trọng. Từ bài học lịch sử, Đảng ta cần khẳng định một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong công tác xây dựng Đảng là phải làm sao cho tổ chức đảng luôn luôn và ngày càng gắn bó máu thịt với nhân dân, phải chú ý quán triệt tư tưởng “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên” của Hồ Chí Minh.
 
Thực tiễn của Đảng ta khi đã trở thành đảng cầm quyền đã minh chứng hùng hồn những nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng do Hồ Chí Minh đề ra và thực hành là đúng đắn. Sự đúng đắn ấy đã trở thành một phần trong hệ giá trị văn hóa chính trị Hồ Chí Minh.
 
 
Trần Duy tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)