Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 30/10/2015 11:42
Giáo dục & Đào tạo Thủ đô - Nhìn lại 7 năm thực hiện Nghị quyết 15 về mở rộng địa giới hành chính

Thực  hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội đã gặp nhiều khó khăn trong công tác giáo dục - đào tạo, đặc biệt là sự chênh lệch về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục giữa các khu vực của Thành phố. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm và vào cuộc của Đảng bộ, các cấp chính quyền và sự nỗ lực của ngành Giáo dục, Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh, là địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện.

 
Sau 7 năm thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã có được một diện mạo mới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa, giáo dục...  Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song chúng ta vẫn lạc quan nhận định về những kết quả tích cực mà Giáo dục Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua.

Thứ nhất, đánh giá về quy mô của cấp học mầm non trên địa bàn Thành phố có thể thấy, giai đoạn 2008 - 2015 quy mô trẻ mầm non tăng nhanh. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển quy mô, chất lượng giáo dục mầm non của Hà Nội đều cao hơn toàn quốc. Điều đáng chú ý là tỷ lệ trẻ mầm non ngoài công lập của Thành phố tăng mạnh, tăng từ 12,2% năm 2008-2009 lên 21,6% năm học 2014-2015.  Bên cạnh đó, những năm qua ngành Giáo dục Thành phố cũng đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Đến nay, 100% trẻ 5 tuổi của Thành phố được học 2 buổi/ngày, không có lớp ghép; 92% số trường thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục mầm non đạt hiệu quả, phát huy được tính tích cực, chủ động ở trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn chỉ ra sự chênh lệch về mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn dẫn đến tình trạng trẻ ở các trường vùng sâu, vùng xa của Thủ đô còn nhiều thiệt thòi.

Thứ hai, về giáo dục phổ thông của Hà Nội, có thể thấy quy mô học sinh phổ thông toàn Thành phố tương đối ổn định trong giai đoạn 2008-2015, tuy nhiên cũng có sự phân hóa giữa các khu vực. Ở bốn quận nội thành, quy mô học sinh khá ổn định ở tất cả các cấp, trong khi các địa bàn phát triển khu đô thị mới như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy... xu thế học sinh tăng mạnh ở tất cả các cấp học do áp lực tăng dân số cơ học.

Về chất lượng của cấp học phổ thông cho thấy việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định. Ngành giáo dục - đào tạo Hà Nội chú trọng tới giáo dục toàn diện: Đức - Trí - Thể - Mỹ. Chất lượng giáo dục toàn diện ổn định, đã chú trọng bồi dưỡng mũi nhọn và nâng cao chất lượng đại trà, giảm tỷ lệ học sinh yếu, kém về văn hoá và đạo đức, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Giáo dục đạo đức được đẩy mạnh, đại đa số học sinh ngoan, có ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện đạo đức. Chất lượng giáo dục văn hoá đã được nâng cao, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng cao. Phong trào văn, thể, mỹ trong các nhà trường diễn ra sôi nổi, góp phần giáo dục đạo đức, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và nâng cao khả năng giao tiếp của học sinh. Công tác giáo dục thể chất, giáo dục an ninh - quốc phòng, giáo dục pháp luật luôn được quan tâm chỉ đạo, tăng cường giáo dục cho học sinh một cách hiệu quả, chất lượng cao.

Không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, ngành Giáo dục Thành phố đã tích cực đổi mới nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các phong trào thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp, đặc biệt là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Hà Nội luôn là đơn vị dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải trong kỳ thi học sinh giỏi THPT các môn văn hóa cấp quốc gia.

Thứ ba, về giáo dục chuyên nghiệp, theo thống kê năm 2014 trên địa bàn Hà Nội có 90 trường đại học, cao đẳng, quy mô lớn nhất cả nước (tăng 13 trường so với năm 2008). Ngoài ra Hà Nội hiện có khoảng 60 trường trung cấp chuyên nghiệp (tăng 15 trường so với năm 2008). Giáo dục chuyên nghiệp của Thành phố được tập trung về phát triển quy mô học sinh, về đổi mới chương trình đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo, chú trọng việc tổ chức đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp xu thế hội nhập khu vực và thế giới.

Có thể khẳng định, từ sau khi mở rộng địa giới hành chính, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển mạnh mẽ của Thủ đô. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, bất cập mà ngành Giáo dục Thủ đô còn gặp phải. Đó là: chất lượng giáo dục - đào tạo nhìn chung còn chuyển biến chậm, chất lượng dạy và học chưa đồng đều; đội ngũ giáo viên chưa thật đồng bộ về cơ cấu, trình độ; cơ chế tổ chức giáo dục mầm non, phổ thông ở nông thôn còn chưa hoàn thiện; công tác quản lý nhà nước về giáo dục ngoài công lập và cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài còn nhiều hạn chế; việc thực hiện xã hội hoá giáo dục còn chưa hiệu quả...

Nhìn lại những thành tựu và hạn chế của chặng đường đã qua để tìm ra hướng đi đúng trong giai đoạn mới - đó là việc cần làm hiện nay đối với ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Bước vào giai đoạn 2015-2020, để nhanh chóng giúp Thủ đô tiến kịp với trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, chúng ta cần tiếp tục dành ưu tiên hàng đầu cho giáo dục - đào tạo, bởi đó sẽ là con đường ngắn nhất giúp Hà Nội đạt được tốc độ phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với vị thế của một Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
 
 
Quý Châu (tổng hợp)

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)