Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 30/10/2015 11:46
Hà Nội: Giáo dục cần được nâng tầm, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện

Theo quy hoạch, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao hàng đầu trong cả nước, có uy tín trong khu vực và quốc tế. Trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục Thủ đô cần được nâng tầm, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện: Tri thức - Thể chất - Nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh cho mọi công dân Thủ đô.

 
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế trong bối cảnh chung những năm đầu thế kỷ XXI chính là cơ hội, là xu thế tất yếu của mọi quốc gia, và bối cảnh đó đã mang đến cho Việt Nam những kinh nghiệm, những luồng gió mới, thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục nước ta. Chính vì vậy, định hướng “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” cũng nhằm đưa nền giáo dục Việt Nam vươn lên ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Đó cũng là yêu cầu đòi hỏi Hà Nội phải luôn phấn đấu không ngừng trong giáo dục - đào tạo để giữ vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục - đào tạo. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết lựa chọn những kinh nghiệm hay, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và Hà Nội, chủ động trong việc giữ gìn những giá trị đặc sắc của nền giáo dục dân tộc đã hình thành và phát triển qua mấy ngàn năm lịch sử, để từ đó hướng vào giáo dục phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ. Để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đồng thời đạt được mục tiêu chung của ngành Giáo dục - Đào tạo đến năm 2020, trong những năm tới, Hà Nội cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
 
Một là, cần tập trung tham gia hoàn thiện chương trình giảng dạy cấp học, ngành học, môn học theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và đào tạo đang triển khai. Vấn đề về chương trình học hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, việc xây dựng các chương trình giảng dạy phải có sự giảm tải, chọn lựa, có chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra ở đây là phải lấy thực tế khách quan và yêu cầu của xã hội làm căn cứ, như vậy chuẩn đầu ra là kết quả giáo dục tạo ra được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội đang cần. Sự đa dạng yêu cầu về chủng loại và chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng sẽ định hướng cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, đào tạo đại học… để có thể hội nhập sâu rộng. Bên cạnh đó, chúng ta phải có chính sách phân phối nguồn lực cho giáo dục hợp lý hơn, cần đầu tư có trọng điểm, sớm chấm dứt tình trạng đầu tư còn dàn trải và kém hiệu quả ở một số nơi hiện nay.
 
Hai là, cần cấu trúc lại chương trình đào tạo theo các tiêu chí của thị trường lao động mới mang tính khu vực và quốc tế. Giáo dục Thủ đô cần có những biện pháp đồng bộ và khả thi để cấu trúc lại chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực cho người học, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục theo các tiêu chí đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động nước ngoài, căn cứ vào đó mô hình đào tạo theo một chu trình khép kín từ đầu vào đến quá trình đào tạo và sau cùng là đầu ra được xây dựng và vận hành một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Song hành cùng mô hình đào tạo mới này sẽ là bộ công cụ đánh giá xác thực những kiến thức và năng lực người học đạt được thông qua quá trình đào tạo có đạt chuẩn khu vực hay không.
 
Ba là, cần tăng cường số tiết học ngoại ngữ tại các cấp học, nhằm phá vỡ rào cản về ngôn ngữ với các quốc gia. Cần điều chỉnh và bổ sung số tiết học ngoại ngữ ngay tại các cấp học cũng như đổi mới phương pháp dạy - học ngoại ngữ sao cho phù hợp với đặc điểm đối tượng người học một cách hiệu quả để tăng cường khả năng sử dụng ngoại ngữ cho nguồn nhân lực trong tương lai, đồng thời có những công cụ kiểm tra đánh giá xác thực năng lực này cho người học.
 
Bốn là, cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu hội nhập thông qua việc lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cũng như khả năng sử dụng ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, để có thể phối hợp tham gia giảng dạy chương trình đào tạo cùng với đội ngũ giáo viên nước ngoài, tạo điều kiện tăng cường khả năng hội nhập cho người dạy và người học.
 
Năm là, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để triển khai có hiệu quả quy hoạch mạng lưới giáo dục - đào tạo trên địa bàn, ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới trường học tại các huyện ngoại thành; chú trọng phát triển hệ thống trường học chất lượng cao trên địa bàn. Ngoài ra, cần tăng cường bổ sung, đổi mới cơ sở vật chất nhà trường và phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện năng lực người học để đón đầu nguồn nhân lực khi hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Có thể nói, việc ưu tiên cho phát triển giáo dục - đào tạo vẫn phải đưa lên hàng đầu bởi đây là yếu tố cơ bản, quyết định cho sự phát triển của một đất nước. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn hiện nay Hà Nội phải phấn đấu không ngừng trong công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo”, để giữ vững vị thế là trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước, từng bước tiến ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
 
 
Linh Linh

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)