Hà Nội cần tạo sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài
Trong những năm qua, lĩnh vực đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thông tin truyền thông, công nghiệp chế biến - chế tạo, dự án vui chơi giải trí... Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2014 đã có 63 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Hà Nội với 3.169 dự án có tổng vốn đăng ký là 26,3 tỷ USD, đứng thứ ba sau TP. Hồ Chí Minh (37,9 tỷ USD) và Bà Rịa - Vũng Tàu (26,7 tỷ USD), trong đó số vốn đăng ký còn có hiệu lực là 21,7 tỷ USD, vốn thực hiện là 11,3 tỷ USD. FDI chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư xã hội, đóng góp 12,6% thu ngân sách, 16,5% GDP của Thủ đô. Có thể nói, khu vực FDI đã góp phần làm thay đổi diện mạo của Thành phố. Do vậy để thu hút có hiệu quả FDI trong giai đoạn mới 2015-2020 thì trước hết và quan trọng nhất là năng lực nội sinh của Thủ đô phải được phát triển theo hướng đổi mới toàn diện.
Trên địa bàn Thành phố hiện có các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, tư nhân và hàng chục vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động và ngày càng phát triển. Hà Nội cũng là nơi làm việc của hàng vạn nhà khoa học tại hàng chục viện nghiên cứu đầu ngành với phương tiện ngày càng hiện đại, có sự hợp tác với các tổ chức khoa học nhiều nước. Do vậy Hà Nội cần sớm hình thành thị trường khoa học và công nghệ được trang bị hiện đại và được vận hành với phương thức giao dịch tiên tiến để các sáng chế, phát minh của các nhà khoa học được vận dụng trong thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Chúng ta cần đưa nhanh những tiến bộ, thành tựu mới của khoa học và công nghệ vào thực tế đời sống nhằm tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng hiện đại và hiệu quả hơn.
Hà Nội có nhiều trường đại học, cao đẳng với thâm niên trên 50 năm như Đại học Bách khoa, Nông nghiệp, Kinh tế quốc dân, Y, Dược, Thương mại, Ngoại thương… với đội ngũ giáo viên trình độ cao, trong đó có nhiều cán bộ khoa học đầu ngành, do đó cần khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có và đang được đào tạo tại các cơ sở giáo dục để chuyển hướng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp đòi hỏi kỹ năng cao, thay thế dần đầu tư thâm dụng lao động và vốn.
Hà Nội có điều kiện tốt hơn nhiều địa phương trong việc xây dựng “chính quyền điện tử”, do đó có đủ điều kiện để vươn lên dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; công khai, minh bạch chính sách, quy định đối với doanh nghiệp và người dân, thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.
Thu hút FDI vào Hà Nội đặt trong điều kiện phát huy tối đa nội lực mới có thể đề ra được định hướng và chính sách thích hợp, không chỉ để huy động vốn đầu tư, mà quan trọng hơn là để thực hiện mô hình tăng trưởng mới, lấy công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao làm chổ dựa vững chắc. Trên cơ sở khai thác tối đa nội lực, Hà Nội cần chuyển nhanh và có hiệu quả hơn theo hướng nâng cao chất lượng FDI, kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong quá trình thực hiện, chúng ta cần chủ động cân nhắc việc lựa chọn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với dự án đầu tư trên địa bàn Thủ đô theo hướng ưu tiên doanh nghiệp trong nước nếu có điều kiện thực hiện dự án và bảo đảm chất lượng và hiệu quả của dự án; khuyến khích hình thức liên doanh đối với một số dự án FDI cần có sự tham gia của doanh nghiệp trong nước để thực hiện chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp và tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần phấn đấu để trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách nền hành chính quốc gia, cấu trúc lại bộ máy nhà nước theo hướng nâng cao hiệu năng quản lý với đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, thì Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng, vẫn luôn được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là có môi trường chính trị ổn định, là điểm đến an toàn cho kinh doanh và sinh sống. Để giữ vững vị thế là một trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả nước, Hà Nội cần tiếp tục khai thác hiệu quả các nguồn lực trong nước, tạo sức hút mạnh với dòng vốn FDI chảy vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Thành phố… bởi đó sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Linh An
Nhà xuất bản Hà Nội