Bàn về phẩm chất cao quý và những cống hiến của hai nữ quý tộc đất Thăng Long
Chọn con đường giữ nước và mở mang bờ cõi không có chiến tranh, công chúa Huyền Trân - công chúa duy nhất của Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hy sinh hạnh phúc của bản thân, chấp thuận lời cầu hôn của vua Chămpa là Chế Mân sau 5 năm (từ 1301-1306). Như vậy với chính sách của nhà Trần về mở rộng đất đai bờ cõi, với sự hy sinh cao cả của bản thân công chúa Huyền Trân, Đại Việt đã có thêm đất Thuận Hóa. Đây là sự kiện đặc sắc trong lịch sử mở nước và lịch sử ngoại giao của Việt Nam. Muôn đời hậu thế ghi nhớ thành quả to lớn này là do vua Trần Nhân Tông và con gái của ông - công chúa Huyền Trân là người trực tiếp chịu đựng hy sinh. Tiếc rằng, công chúa chỉ sống với vua Chăm ở kinh thành Vijaya - Bình Định chưa đầy 1 năm. Tháng 6 năm 1307, Chế Mân chết. Theo tập quán người Chămpa, công chúa Huyền Trân phải lên dàn hỏa để chết theo nhà vua. Đó là một diễm phúc cho bất cứ phụ nữ Chămpa nào, nhưng đối với Thượng hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân thì đây lại là một bất hạnh nghiệt ngã. Triều Trần cử một sứ đoàn do Trần Khắc Trung dẫn đầu vào kinh đô Chămpa để dự lễ tang nhưng với mục đích đưa công chúa về nước. Sử cũ chép sự việc như sau: Trần Khắc Trung nói rằng: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn ở ven trời đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào đàn thiêu”. Người Chiêm nghe theo. Khắc Trung dùng thuyền nhẹ cướp công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, loanh quanh mãi ở đường biển lâu ngày mới về đến kinh sư. Sau sự việc này, Trần khắc Trung và công chúa Huyền Trân bị triều thần và hoàng tộc lên án. Sự nghiệp của hai người đối với nhà Trần từ đó cũng tiêu tan thì đó cũng là một bất hạnh khác, nỗi oan nghiệt cho công chúa Huyền Trân đến nay vẫn chưa được giãi bày. Mặc dù không được triều Trần ghi nhận và bị người Chăm oán trách, nhưng công chúa Huyền Trân được nhân dân Thuận Hóa lập đền thờ ở nhiều nơi để ghi nhớ công đức về người đã có công tạo nên xứ sở trong nhiều thế kỷ qua, được thành phố Huế đặt tên đường và tên trường học.
Công chúa Ngọc Hân là công chúa có tài sắc hơn cả trong số các cô con gái của vua Lê Hiển Tông. Mùa hè năm 1786, Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra Thăng Long phù Lê diệt Trịnh, lập lại nền thống nhất đất nước. Để đền đáp công lao này và cũng nhằm thắt chặt mối quan hệ với Tây Sơn, vua Lê đã gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Sau khi được vua Lê hứa gả công chúa thứ 9 có tài sắc nhất trong 6 cô chưa chồng, Nguyễn Huệ khôi hài, dí dỏm nói: “Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về, bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng thử một chuyến xem có tốt không?”. Thực ra, việc lấy công chúa Ngọc Hân làm vợ và sau này lập làm Bắc cung Hoàng hậu là thể hiện một tầm nhìn về chiến lược sử dụng nhân tài của Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ thực sự quý trọng đối với các Tiến sĩ thực tài của nhà Lê mà ông đang khao khát xây dựng đội ngũ nho sĩ quan văn, mặc dù ông biết rằng việc thuyết phục nhân sĩ Bắc Hà ra cộng tác với lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn cũng không phải là đơn giản, cho dù ông có đủ quyền lực và mưu kế. Vì vậy, con đường ngắn nhất để tiếp cận với nhân sĩ Bắc Hà là chiếc cầu hôn nhân mà Ngọc Hân nữ sĩ sẽ là người có ưu thế bắc nhịp cầu đầu tiên cho trí thức, nhân sĩ Bắc Hà đến với Tây Sơn. Trong cung điện Tây Sơn, hoàng hậu Ngọc Hân sẽ tạo nên một niềm tin, một chỗ đứng chính trị cho đội ngũ quan lại mới từ Bắc Hà theo về Tây Sơn. Ngọc Hân trở thành biểu tượng đoàn kết, thống nhất lòng người trong chiến lược dùng nhân tài của Nguyễn Huệ sau khi đất nước đã lập lại sự thống nhất vào năm 1786. Ngọc Hân đã làm hết sức mình cho sự nghiệp áo vải cờ đào của Nguyễn Huệ trong đó có nhiều trí thức tâm huyết tiêu biểu cho trí tuệ Bắc Hà về với Phú Xuân như Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Ninh Tốn,… Công lao và sự nghiệp của Ngọc Hân trong việc triều chính ở Phú Xuân lúc vua Quang Trung còn sống được ghi lại qua một số biểu văn đương thời. Riêng Ngọc Hân đã để lại cho hậu thế bài Ai tư vãn là một áng văn tuyệt tác và bài Văn tế vua Quang Trung quen thuộc.
Phụ nữ Việt Nam thời quân chủ bị tước mất vai trò xã hội, phụ nữ quý tộc phải rút lui vào hậu trường để nâng khăn sửa túi cho đấng mày râu. Thế nhưng, lịch sử Việt Nam chứng kiến có hai nữ quý tộc thời Trần là công chúa Huyền Trân và thời Lê là công chúa Ngọc Hân - hai người phụ nữ tài hoa tuyệt vời, phẩm chất cao đẹp và có những cống hiến to lớn cho dân tộc mang tính mở đường đáp ứng xu thế phát triển của lịch sử.
Linh Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội