Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 30/10/2015 04:34
Phẩm chất sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội qua tư liệu khảo cổ học

Nghệ thuật cổ xưa của Việt Nam nói chung và của Thăng Long - Hà Nội nói riêng là tài khéo léo, tinh xảo, thể hiện rõ một bản sắc riêng. Đó cũng chính là phẩm chất truyền thống - là khả năng sáng tạo to lớn của người Thăng Long - Hà Nội. Phẩm chất sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội được thể hiện trên các di tích, di vật lịch sử của Thăng Long Hà Nội.

 
Kinh đô bao giờ cũng là bộ mặt và là nơi tập trung trí tuệ và nhân tài của cả nước. Khi nghiên cứu, phân tích sâu sắc các thành tựu xây dựng kinh đô của người Thăng Long, khảo cổ học đã xác định được các dấu vết thành lũy Thăng Long - Hà Nội ở Đoài Môn, Bắc Môn, 62 - 64 Trần Phú. Khảo hổ học đã tìm lại được dấu vết kiến trúc cổ ở Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu Lâu, Văn Miếu, 18 Hoàng Diệu, 11 Lê Hồng Phong. Nhiều di tích khác ở Cổ Loa và khu vực ngoại thành cũng bắt đầu được chú ý đi sâu. Khảo cổ học cũng đã xác định ngay ở khu vực kinh thành dấu tích sản xuất tại chỗ các loại vật liệu kiến trúc, có sản phẩm gốm sứ cao cấp… với hàng trăm kiểu loại phong phú, đa dạng. Phân tích kỹ lưỡng khối lượng di tích, di vật này ta sẽ hiểu thêm về lịch sử Thăng Long - Hà Nội, các phẩm chất khoa học và sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên chỉ dừng ở một ví dụ, nghiên cứu sự sáng tạo ra hình tượng con rồng để thử nhìn nhận về phẩm chất sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội.

Hình tượng con rồng đã được tìm thấy phổ biến trong mọi địa điểm khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội. Tại khu vực Quần Ngựa, các học giả Pháp đã ngẫu nhiên tìm được hàng trăm di vật có chạm hình con rồng. Rồng trên lá đề lệch, rồng trên lá đề cân xứng, rồng trên các bộ phận trang trí tráng men xanh, rồng trên các mô hình tháp bằng sứ tráng men trắng. Đặc biệt ở Bách Thảo còn tìm thấy rồng thời Lý cuộc quan cột đá… Các di vật chạm rồng tương tự đều đã tìm thấy ở nhiều địa điểm khác và mỗi nơi lại có nhiều kiểu mới, bổ sung vào sưu tập có hình rồng ngày càng phong phú. Ở Bắc Môn có hình rồng trên “yếm” ngói tráng men xanh. Ở Hậu Lâu có hình rồng “yên ngựa” trên đầu ngói hình bán viên. Ở địa điểm 18 Hoàng Diệu, sưu tập di vật có hình rồng thật là nhiều. Rồng được trạm trên đất nung, trên đồ đá, trên lá vàng. Rồng được vẽ nhiều kiểu trên đồ sứ tráng men… Đặc biệt ở 18 Hoàng Diệu và khu vực Quần Ngựa còn tìm thấy các khuôn đúc các hình tượng trang trí đầu rồng bằng đất nung, bằng đá… chứng tỏ rằng các hiện vật này chủ yếu được sản xuất tại Thăng Long để phục vụ cho việc xây dựng và sinh hoạt của Thăng Long.

Thực ra rồng Việt Nam không chỉ tìm thấy duy nhất ở Thăng Long. Trái lại rồng là một hình tượng biểu trưng cho vương quyền và thần quyền với sức mạnh và quyền năng to lớn, là hình ảnh trang trí phổ biến nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam đã xuất hiện trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên qua nghiên cứu khảo cổ học các nhà nghiên cứu đã chỉ ra hình ảnh con rồng hoàn chỉnh, đầy đủ có niên đại sớm nhất hiện nay đều được xây dựng dưới triều Lý Thánh Tông. Sử cũ chép, năm 1010, vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ở hai nơi: quê hương phủ Thiên Đức (Bắc Ninh) và ở Thăng Long. Ngày nay khảo cổ học chưa tìm lại được dấu tích những ngôi chùa đầu tiên của nhà Lý ở Thiên Đức. Trong khi đó, chúng ta lại tìm thấy dấu tích của kiến trúc Lý và trang trí Lý ở Thăng Long rất nhiều. Các di tích Lý ở các nơi khác về cơ bản đều có niên đại xây dựng sau các di tích Lý ở Thăng Long cho nên càng tăng giả thuyết con rồng Lý đã được sáng tạo trước tiên ở Thăng Long.

Điều đó cũng là hợp lý khi mà rồng thời xưa là biểu trưng cho nhà vua và chỉ có nhà vua mới có quyền được sử dụng hình tượng con rồng. Sử cũ đã ghi lại, trong thời Lý, rồng thường xuất hiện theo nhiều sự kiện lớn của vua Lý. Sự kiện lớn nhất là sự kiện rồng hiện khi vua Lý dời đô và vua quyết định đổi tên thành Đại La là Thăng Long để biểu hiện cho một thời kỳ hưng thịnh, phồn vinh mới của đất nước. Như vậy, có thể coi việc sáng tạo ra con rồng là thuộc về người Thăng Long thời Lý.

Rồng thời Lý nổi bật từng chi tiết cấu trúc đều mang tính cách điệu rất cao với một phần thân dạng rắn với những khúc cuộn thể hiện sự chuyển động đặc thù của loài rắn cùng bộ đầu cực kỳ hoa mỹ. Nó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố thần thoại Việt truyền thống về giao long, rắn thần phổ biến khắp vùng châu thổ Bắc bộ gắn liền với tập tục nghìn đời của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ truyền, luôn luôn mong muốn mưa thuận, gió hòa. Cao hơn nữa, rồng Việt còn biểu trưng cho cội nguồn của dân tộc Việt Nam để rồi đến thời Đại Việt, rồng luôn luôn là biểu trưng cho điềm lành quốc gia, cho các vị vua anh minh sáng suốt, cho đức Phật và Phật pháp từ bi.

Điều đó chỉ có được khi mà người thợ Việt thời Lý xuất phát từ cơ tầng văn hóa Việt, trí thông minh sáng tạo và thẩm mỹ đạt trình độ rất cao. Người Đại Việt thời Lý ở Thăng Long nói riêng và cả Đại Việt nói chung đã tạo nên nền văn hóa, văn minh Đại Việt vừa có tầm vóc thời đại vừa có nét đặc sắc Việt Nam trong bối cảnh chung của văn hóa châu lục.
 
 
Linh Duy tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)