Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 30/10/2015 04:38
Vài nét về nông nghiệp và thương nghiệp ở Thăng Long thời Mạc

Nhà Mạc đã cho thi hành trên toàn quốc nói chung và ở Thăng Long nói riêng một chính sách kinh tế “không đề ra chính sách”, không can thiệp vào đời sống dân chúng, mang tính chất khoan nhượng và thoáng mở nhưng đồng thời cũng thả nổi. Tư hữu hoá - chấp chiếm ruộng đất và nền kinh tế hàng hoá thị trường, nếu trước đây đã từng bị kìm hãm thì ở thời này được giải phóng tự do, đã kích thích nền kinh tế phát triển nhưng lại kèm theo những tệ nạn mới, tiềm ẩn những nhân tố khủng hoảng.

 
Tình hình nông nghiệp
 
Nhà Mạc lên thay nhà Lê, nhưng thường áp dụng một chính sách “giữ nguyên hiện trạng” đối với các thiết chế kinh tế - xã hội, tuân theo lệ cũ, tuy có phần nào đỡ nghiêm khắc hơn.
 
Năm 1534, Mạc Phúc Hải ban hành lệnh phân cấp ruộng đất, tương tự như phép quân điền thời Lê sơ. Theo đó: “Xã nào ngoài số ruộng đất tư mà có ruộng quan và ruộng chùa thì tuỳ theo số ruộng đó, chiếu cấp: hạng nhất trung hiệu mỗi người 2 phần rưỡi, hạng nhất trung sĩ mỗi người 2 phần rưỡi. Xã nào không có ruộng thì mỗi người một phần, như xã nào tuy số ruộng nhiều đáng được hai phần, thì hai phần ấy cũng không được quá hai mẫu, rồi tuỳ theo cấp bậc giảm dần, còn bao nhiêu ruộng sẽ theo nhân số trong xã mà chia đồng đều”.
 
Mạc Ninh Bang đề nghị bổ sung thêm đối với quân sĩ (trung hiệu, trung sĩ) có kẻ hăng hái, có kẻ lười biếng. Vậy không nên cấp ruộng đồng đều, mà nên ưu tiên khuyến khích, cấp nhiều hơn cho những “lính tráng khoẻ mạnh và thiện chiến”.
 
Chính sách ưu tiên cấp ruộng cho binh lính (binh điền) của nhà Mạc có cơ sở của nó. Thời Mạc, chiến tranh loạn lạc liên miên, triều đình đã tăng cường bộ máy quân sự với một số lượng binh lính đông đảo. Riêng đội quân ở Kinh đô và các trấn chung quanh thuộc Ngũ phủ đã ước đến hơn 100.000 người (Đại Việt sử ký toàn thư, Q. XVII-23b, bản dịch Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, T.III, tr. 168). Vậy phải cấp ruộng đất cho gia đình họ ở quê nhà để họ yên tâm chiến đấu.
 
Trong điều kiện Phật giáo được phục hưng dưới thời Mạc, loại ruộng Tam bảo của nhà chùa ở vùng kinh thành Thăng Long đã phát triển. Trong đó, một số là ruộng của các quý tộc Mạc cống hiến cho nhà chùa, như trường hợp quận chúa Mạc Thị Ngọc Ý đã cúng vào chùa Bối Am (Quảng Oai) ba mẫu ruộng. Theo thống kê trên các bi ký thời Mạc, ta thấy loại ruộng Tam bảo của các chùa vùng kinh thành Thăng Long như chùa Pháp Vũ có 70 mẫu, chùa Hoàng Đô có 15 mẫu 3 sào ruộng đất ao, chùa Hưng Khánh (Hà Tây (cũ)) có 12 mẫu, quán Linh Tiên (Đan Phượng) có 10 mẫu, chùa Tam Giáo (Đan Phượng) có dăm mẫu (theo Đinh Khắc Thuân, Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, tr.190).
 
Phép chia ruộng thời Mạc không nói đến việc phân phối lại ruộng đất theo định kỳ như ở thời Lê sơ, có thể người được chia ruộng được hưởng suốt đời. Loại miễn hoàn điền cấp cho một số quan liêu được quyền thừa kế. Nó cũng không đụng chạm gì đến bộ phận ruộng tư, có thể chuyển nhượng mua bán. Ở kinh đô Thăng Long và phụ cận, số quân sĩ đông đảo, do vậy số ruộng tư có nguồn gốc binh điền hẳn phải nhiều. Giới quan liêu cũng tìm cách kiêm tính ruộng đất. Năm 1577, Giáp Trừng dâng sớ nêu rõ: “Các quan cấp trên cũng như cấp dưới… 7, 8 phần mười đều chăm chăm mưu lợi, quan chức nhũng lạm, ruộng đất bị chấp chiếm” (Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông sử, trong Lê Quý Đôn toàn tập, T. III, tr.325).
 
Có thể thấy, chính sách ruộng đất thời Mạc không ngăn cản được và có lẽ nhà nước cũng không có ý định ngăn cản những quan hệ hàng hoá – tư hữu trong nông nghiệp như việc mua bán ruộng đất, mua bán nông sản…
 
Mấy nét về thương nghiệp
 
Có thể nói, cũng như nông nghiệp, nhà Mạc khi thành lập vẫn muốn giữ nguyên trạng các chính sách của đời Lê sơ về thương nghiệp. Đó là “trọng nông ức thương”, kiểm soát, hạn chế nghề buôn, nhất là những hoạt động buôn bán lớn. Tuy vậy, nền buôn bán nhỏ của dân gian thể hiện trong mạng lưới chợ nông thôn làng xã và phố phường đô thị vẫn được dung dưỡng, thậm chí khuyến khích.
 
Thể lệ lập chợ luân phiên đã có từ thời Lê sơ, được duy trì dưới thời Mạc. Có thể thấy ở vùng kinh đô Thăng Long – Đông Kinh, theo Hồng Đức thiện chính thư ghi: “Trong dân gian đã có dân thì có chợ. Chợ là để giao thông hàng hoá trong thiên hạ, phát triển mậu dịch để thoả lòng người. Xã nào đã có chợ lập ra trước rồi, không được cấm đi rồi lại mở cái khác, để bế tắc đường thương mại một cách vô lý. Như làng nào mãi sau mới có lối buôn bán, khi đó mới mở chợ, thì không được đối với chợ làng xung quanh lập trùng ngày phiên lớn; hay là đón trước ngày phiên ấy mà chặn mối hàng của lái buôn. Nếu muốn mở chợ mới, phải xem các chợ cũ rồi lập sau ngày phiên thì được. Nếu chợ mở trước chợ mở sau, còn rõ sinh ra mối tranh giành không theo lệ cổ, mà muốn cấm đoán chiếm lợi riêng thì sẽ luận tội, tuỳ theo trường hợp nặng nhẹ để trừng phạt cái thói phạm cấm lệ”.
 
Tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi cho giao thương, dân chúng đã tạo lập mới, tu sửa lại nhiều cầu đường giữa kinh thành Thăng Long với các địa phương khác thuộc tứ trấn. Dựa trên tư liệu văn bia, chúng ta thấy có tới 15 cây cầu trong mạng lưới giao thông trong vùng, trong đó có những cây cầu cận kề kinh thành như cầu Giao Tất (Gia Lâm) hay cầu La Phù (Thường Tín). Chính những cây cầu và đường sá này đã kích thích nền thương nghiệp của Thăng Long và tứ trấn.
 
Dưới thời Mạc, trong vùng kinh tế Thăng Long – Đông Kinh đã có hàng chục ngôi chợ được xây dựng, trong đó có những chợ ven đô: Chợ Bộc Động (La Phù, Thường Tín) nằm bên bờ sông Tô, chợ Phù Ninh (Ninh Hiệp, Gia Lâm) nằm sát kinh đô về mạn đông bắc, thuận đường giao thông từ bắc xuống nam, nối miền ngược với miền xuôi… Ngoài ra, chợ Đặng Xá “hàng hoá sầm uất”, chợ Đào Xá (Phú Xuyên) “hàng quán trải ra la liệt”. Một số phường buôn bán ở Thăng Long thời này cũng đã tấp nập. Thế kỷ XVI, đã bước đầu xuất hiện những tuyến buôn bán đường dài từ kinh đô Thăng Long tới các địa phương, như Phố Hiến (Hưng Yên), vùng biên giới Việt Trung phía đông bắc như Kỳ Lừa (Lạng Sơn), Vạn Ninh (Móng Cái, Quảng Ninh)…
 
Với đà phát triển lúc đó của nền kinh tế hàng hoá Đại Việt mà kinh đô Thăng Long là một tiêu điểm hội tụ, chắc hẳn tiền tệ đã được lưu thông, phố biến rộng rãi. Ở Thăng Long thời Mạc, có bốn loại tiền đồng được lưu hành, tương ứng với 4 đợt đúc tiền:
 
- Minh Đức thông bảo (đúc thời Mạc Đăng Dung)
 
- Đại Chính thông bảo (đúc thời Mạc Đăng Doanh)
 
- Quảng Hoà thông bảo (đúc thời Mạc Phúc Hải)
 
- Vĩnh Định thông bảo (đúc thời Mạc Phúc Nguyên).
 
Tiền Mạc đúc bằng đồng, sau đúc bằng các thứ tiền pha lẫn kẽm và sắt, ban hành các xứ trong nước để thông dụng.  Tuy nhiên dưới thời Mạc Mậu Hợp, triều vua dài nhất (30 năm) và đóng đô lâu nhất ở kinh thành Thăng Long chưa tìm thấy loại tiền đúc.
 
Ở Thăng Long thời Mạc, ngoài tiền, còn lưu hành trong buôn bán giao dịch những loại bạc và vàng, với đơn vị mệnh giá chính là lạng. Không có nhiều tư liệu về giá cả ở  Thăng Long thời Mạc, ngoài văn bia có thể cung cấp một số chỉ dẫn. Theo đó, giá để tu sửa một tấm bia đá (năm 1583) là 10 quan. Giá một bình hoa gốm là 3 quan. Trong khi đó giá một mẫu ruộng đương thời là 30 quan. Điều đó nói lên hoặc là giá một số mặt hàng thủ công nghiệp và tiền công dịch vụ khá đắt trong khi đó hoặc có thể giá ruộng đất thời kỳ này rất rẻ.

Lâm Bích

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)