Tái hiện những ngày tháng hào hùng của quân dân Hà Nội cùng quân dân cả nước chiến đấu giành độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cách đây hơn 40 năm
Lần dầu tiên trong lịch sử gần 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng Tổ quốc, quân dân ta đã tiến hành một chiến dịch phòng không quy mô lớn chống lại một cuộc tập kích chiến lực bàng B52. Đây cũng là một chiến dịch đầu tiên trên thế giới tiêu diệt lớn máy bay chiến lược B52 của Mỹ, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử xâm lược của chúng. Thất bại này của Mỹ là thất bại chiến lược toàn diện cả quân sự và chính trị. 40 năm đã qua đi nhưng âm hưởng hào hùng của chiến tháng ấy vẫn là mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến của dân tộc.
Bản thảo cuốn sách “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” do PGS.TS. Trịnh Vương Hồng chủ biên sau hơn một năm triển khai giờ đã được hoàn thành. Đây là một đề tài thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội làm chủ đầu tư. Cuốn sách nhằm khôi phục lịch sử trận Điện Biên Phủ trên không - 12 ngày đêm khói lửa tháng 12/1972, trong đó nêu bật vai trò của quân và dân Hà Nội, lực lượng phòng không quốc gia và các tỉnh miền Bắc. Qua cuốn sách này, tác giả muốn làm sáng tỏ thêm những bài học, vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân về sự chuẩn bị chủ động và chu đáo, về cách đánh sáng tạo, về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân ba thứ quân liên hoàn, vững chắc; đồng thời khẳng định ý nghĩa thắng lợi - một nhân tố quyết định buộc đối phương ký Hiệp định Pari, Mỹ rút quân về nước. Qua đó góp phần trao đổi khoa học với nhận thức của tác giả nước ngoài rằng có thể tránh được cuộc ném bom bằng B.52 của Hoa Kỳ.
Với hơn 200 trang, cuốn sách có kết cấu gồm 4 chương nội dung:
Chương I. Con đường dẫn đến cuộc đối đầu lịch sử trên bầu trời Hà Nội tháng 12 năm 1972.
Đã đề cập khá toàn diện cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và những tác động đến chính trường Hoa Kỳ, nhất là tác động đến vị thế lãnh đạo thế giới phương Tây; ảnh hưởng của Hoa Kỳ giảm sút trên thế giới, phong trào phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam ngay trong lòng thế giới tư bản, nội bộ nước Mỹ, kể cả chính giới Mỹ…, cho thấy nhu cầu của Hoa Kỳ muốn rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Tác giả đã phân tích rõ các tính toán của Mỹ mỗi khi họ sử dụng các biện pháp leo thang (khái quát rõ 3 âm mưu).
Việc đề cập công khai các thoả hiệp, nhượng bộ Mỹ - Xô, Mỹ - Trung qua các chuyến thăm năm 1972 có giá trị thời sự hiện nay. Cần khai thác sâu hơn các tư liệu để làm rõ Mỹ nhượng bộ để Trung Quốc thế chân Đài Loan làm Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an, cũng là cách để hạn chế vai trò của Liên Xô, dùng con bài Đài Loan (nước nhỏ) để phục vụ lợi ích nước lớn Mỹ - Trung, phân chia phạm vi ảnh hưởng giữa hai nước lớn Mỹ - Trung ở châu Á.
Chương II. Quân và dân ta chuẩn bị chiến đấu.
Chương này khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ động tổ chức lực lượng phòng không, nhận định đúng tình hình, dự báo sát khả năng Mỹ sẽ tiến hành chiến tranh đánh phá huỷ diệt và chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội, từ đó chú trọng xây dựng lực lượng (nhất là lực lượng phòng không), nâng cao ý chí quyết đánh, quyết thắng cho bộ đội và nhân dân, tăng cường trang bị kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân.
Cuốn sách cũng nêu bật tâm thế sẵn sàng của quân dân Hà Nội, Hải Phòng, cán bộ chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân cùng bộ đội và nhân dân cả nước kiên quyết chiến đấu, vượt qua gian khổ, hy sinh, đập tan cuộc tập kích quy mô lớn của không quân chiến lược Mỹ.
Chương III. Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, đánh bại cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của Hoa Kỳ (tháng 2/1972)
Ở chương này, các tác giả làm sâu sắc hơn việc chúng ta giáng trả thủ đoạn chiến tranh mới của Mỹ, tái tạo diễn biến cuộc chiến đấu 12 ngày đêm, không chỉ trên bầu trời Hà Nội mà còn ở các địa phương lân cận (Thái Nguyên, Hà Bắc…); đồng thời vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa đảm bảo sản xuất, khắc phục hậu quả bom đạn, tiếp tục động viên chi viện cho chiến trường miền Nam. Điều này khẳng định rõ ràng hơn ý chí quyết tâm chiến đấu của đồng bào, đồng chí cả nước.
Chương IV. Thắng lợi của “Điện Biên Phủ trên không” và việc ký kết Hiệp định Pari: Nhận xét và kinh nghiệm
Trong chương này, cuốn sách khẳng định quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân Mỹ, buộc đối phương họp lại Hội nghị để ký kết Hiệp định Pari. Các tác giả đưa ra 5 nhận xét, 4 kinh nghiệm là những vấn đề còn nguyên giá trị, là những bài học hữu ích cho xây dựng lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng trong thời kỳ mới.
Phần Phụ lục phong phú, tái hiện số liệu về lực lượng địch, ta; những tổn thất của hai bên, hình ảnh và tư liệu thế giới ủng hộ Việt Nam…
Cuốn sách “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã tái hiện một giai đoạn hào hùng của quân và dân Thủ đô và cả nước chiến thắng cuộc tập kích chiến lược trên bầu trời Hà Nội một cách đa chiều, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện nhất. Cuốn sách chuyển tải ý nghĩa khoa học qua những bài học rút ra từ các tư liệu, tài liệu được đánh giá dưới góc nhìn hiện nay về một sự kiện đã diễn ra hơn 40 năm qua chứa đựng nhiều đóng góp mới về khoa học. Sau khi được Hội đồng nghiệm thu thông qua ngày 15/10/2015, chủ biên và nhóm biên soạn sẽ hoàn thiện bản thảo để cuốn sách được biên tập, xuất bản và sớm ra mắt bạn đọc trong thời gian sớm nhất.
Khánh Lâm
Nhà xuất bản Hà Nội