Nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống
Hàng Trống xưa kia thuộc đất của thôn Tự Pháp, tổng Tiêu Túc (sau đổi thành Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cũng như các dòng tranh dân gian khác, tranh Hàng Trống gồm hai loại chính là tranh thờ và tranh tết. Tranh thờ thì có tranh Phật, Tam tòa Thánh mẫu, Tứ phủ, Ngũ hổ... Tranh chơi tết thì có Chúc phúc, Tứ quý, Tố nữ, chim công múa, chợ quê... và phỏng theo các tích Nhị độ mai, Truyện Kiều. Nhưng có lẽ tranh Hàng Trống nổi tiếng hơn về thể loại tranh thờ và mẫu tranh được biết đến nhiều nhất qua các thế hệ là tranh Ngũ Hổ.
Cùng dòng tranh dân gian, ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và in trên giấy điệp (người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ), tranh Hàng Trống lại có khổ to, nhỏ tùy người đặt và được in trên giấy dó bồi hay giấy báo khổ rộng. Tranh Ngũ Hổ của tranh dân gian Hàng Trống thường có kích thước 0,55 x 0,75m. Tranh vẽ 5 con hổ được bố cục cân đối trên mặt giấy. Mỗi con một dáng, một vẻ: con thì đứng, con thì ngồi, con cưỡi mây, lướt gió... nhưng đều toát lên vẻ oai phong, lẫm liệt.
Khác với tranh Đông Hồ hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian, bức tranh thường được tạo ra bằng cách in chồng các ván màu lên nhau, sau đó bản nét được in cuối cùng để tạo nên thần thái của tác phẩm thì tranh Hàng Trống của Hà Nội lại sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Tranh Hàng Trống là thể loại tranh được in một lần bản nét, để làm xương sống cho tác phẩm sau đó người nghệ nhân phải gia công bằng việc tô phẩm màu lên. Do đó, tuy cùng một bản in như nhau nhưng tuỳ cảm hứng của người tô mà các tác phẩm tranh dân gian Hàng Trống của Hà Nội vẫn có sự khác biệt nhau rõ rệt.
Chính cách thức làm tranh khác biệt này đã tạo nên dấu ấn riêng của tranh Hàng Trống và cũng là nét tài hoa đặc sắc của người Kinh kỳ. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân dân gian Hàng Trống đã vờn chuyển mầu, tạo độ đậm, nhạt, sáng, tối, chuyển sắc tinh tế nên các nhân vật trong tranh không còn là mảng bẹt như cách thể hiện của các dòng tranh đương thời. Với bút pháp diễn tả ấy, các nhân vật đã "nổi khối". Đồng thời với việc vờn chuyển diễn tả khối này, các nghệ nhân còn đi sâu vào việc phát huy khả năng diễn tả của nét. Cùng với những nét được khắc in qua bản gỗ, khi cần nhấn, đẩy các chi tiết, các nghệ nhân tranh Hàng Trống không ngần ngại dùng bút để nẩy, tỉa. Với cách thức sáng tạo của riêng mình, các nghệ nhân dòng tranh dân gian Hàng Trống của Hà Nội không chỉ tạo nên nét riêng cho dòng tranh, mà đã làm bật lên sức sống nội tại của nhân vật. Điều này người xem rất dễ dàng nhận thấy thông qua các nhân vật hổ: những khối thân chắc khỏe, những dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong đặc biệt những chiếc đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn vồng lên để đập xuống đất mà bật chồm lên. Và những con mắt hổ hừng hực nội lực của loài mãnh chúa.
Màu sắc trong tranh Ngũ hổ là một thế giới hòa sắc, lộng lẫy, uy linh. Cái đậm đà của những nét đen được làm từ tro rơm nếp hay tro lá tre được đốt và ủ kỹ, cái rực vàng của hoa hòe, thẫm của màu lục từ lá chàm, trắng từ vỏ điệp, đỏ của sỏi đồi tán nhuyễn được tô vẽ thật khéo léo như một bản hòa tấu của màu sắc. Những gam màu mạnh khi kết hợp với nhau không hề có cảm giác chói mà đầm ấm, vui tươi như cái không khí của Tết vậy. Tuy có sự phối hợp của màu trên toàn bộ bức tranh, nhưng mỗi màu lại được khu biệt riêng trên 5 nhân vật hổ. Lối dùng màu này ngoài giá trị tạo ra những sắc thái hòa hợp, tươi mới mà thể hiện rõ một hàm ý, mang triết lý sâu xa của quan niệm dân gian truyền thống: quan niệm ngũ hành tương sinh.
Hoàng hổ: Con hổ ngồi chỉnh trện giữa tranh được vẽ vờn bằng màu vàng, tượng trưng cho hành thổ - ứng với trung ương chính điện.
Thanh hổ: Con hổ được vẽ bằng màu xanh là tượng trưng cho hành Mộc, ứng với phương Đông.
Bạch hổ: Con hổ được vẽ bằng màu trắng là hành Kim ứng với phương Tây.
Xích hổ: Con hổ được vẽ bằng màu đỏ là hành Hỏa ứng với phương Nam.
Hắc hổ: Con hổ được vẽ bằng màu đen là hành Thủy ứng với phương Bắc.
Cũng như tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống là sự kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật đã được cha truyền con nối. Mỗi sản phẩm là kết tinh của cả một quy trình công nghệ cổ truyền, qua nhiều công đoạn tỷ mẩn, uyển chuyển, khó khăn. Bằng đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ, ánh mắt tựa thôi miên, nét cọ như có thần, bức “Ngũ hổ”, dưới đôi tay của những nghệ nhân sáng tạo tranh dân gian Hàng Trống như thoắt hiện hình trên trang giấy trắng và như bước ra thế giới thực.
Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào cho biết đích xác thời điểm ra đời cũng như điều kiện ra đời của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Nhưng những tác phẩm để lại thực sự là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo, Nho giáo; giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá hằng ngày. Nó là sản phẩm của tài nghệ, của lòng yêu nghệ thuật, sự thành tín của những người con đất Kinh kỳ - những người đã tạo nên một dòng tranh dân gian đậm nét Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Lê Xuân
Nhà xuất bản Hà Nội