Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 05/11/2015 04:24
Hình ảnh “Con trâu” - từ đời vào tranh dân gian

Với Việt Nam, con trâu đã trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước: Con trâu là đầu cơ nghiệp. Con trâu không chỉ gắn với đời sống thường nhật của người dân mà còn đi vào chiến trận. Từ đời sống thực tại, hình ảnh con trâu đã đi vào đời sống tinh thần của người dân đất Việt, hóa thân trong những câu ca dao, tục ngữ, trong các truyện ngụ ngôn, truyền thuyết và cả trong vẻ đẹp mộc mạc, dung dị của làng tranh Đông Hồ.

 
Hầu như mỗi nước đều chọn cho mình một linh vật. Ví như Pháp (Gà trống Pano), Anh (Sư tử), Thụy Điển (Thỏ), Thái Lan (Voi), Trung Quốc (Gấu trúc)… và không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam chọn con trâu là linh vật cho Seagames 22 (được tổ chức tại Việt Nam). Trong văn hoá phương Đông, trâu là một trong 12 con giáp gọi là Sửu ở vị trí thứ hai, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn). Trâu còn là con vật dùng vào việc lễ tế thần thánh. Tượng trâu bằng đất nung được giới khảo cổ học tìm thấy trong di chỉ Đồng Đậu cách đây hơn ba ngàn năm. Hay như trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hoà - Bắc Giang) còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ, ở buổi đầu dựng nước có nhiều tượng trâu ở di chỉ Đình Chàng. Truyền thuyết của thời kỳ thần thoại ở Việt Nam có sự tích hồ Trâu vàng – hồ Tây (Hà Nội). Với Việt Nam, con trâu đã trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước: Con trâu là đầu cơ nghiệp.
 
Hình ảnh con trâu thong dong gặm cỏ, hay siêng năng, cần mẫn kéo cày dưới ruộng, kéo gỗ trên ngàn… thật gần gũi và gắn bó với làng quê, người nông dân Việt Nam xưa. Con trâu không chỉ gắn với đời sống thường nhật của người dân mà còn đi vào chiến trận. Xưa Đinh Bộ Lĩnh trong thung lũng Hoa Lư cưỡi trâu, rước cờ lau tập trận thuở nào. Lê Đại Hành lùa trâu cùng quân sĩ đứng dày đặc trên hai bờ sông Hoàng Long để đón chào và dọa dẫm sứ thần nhà Tống. Trâu được cho uống rượu say, xô vào húc phá đội hình quân địch. Và trâu còn được buộc mồi lửa sau đuôi, lùa sang trại giặc trong nhiều trận hỏa công... Trong kháng chiến chống Mỹ, con trâu còn gắn với những đoàn xe trâu trên đường Trường Sơn vận tải khí lược, quân lương.
 
Từ đời sống thực tại, hình ảnh con trâu đã đi vào đời sống tinh thần của người dân đất Việt, hóa thân trong những câu ca dao, tục ngữ, trong các truyện ngụ ngôn, truyền thuyết và cả trong vẻ đẹp mộc mạc, dung dị của làng tranh Đông Hồ.
 
Làng Đông Hồ xưa có tên là làng Mái, thuộc xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Làng Mái xưa có 17 dòng họ thì cả 17 họ đều làm tranh. Tiêu biểu cho dòng tranh Đông Hồ là loại tranh khắc gỗ in trên giấy điệp. Tranh in cả nét lẫn màu, màu in trước, nét in sau, tờ tranh có bao nhiêu màu, in bấy nhiêu lần ván.
 
Con trâu gắn bó với người dân Việt Nam, được các nghệ nhân Đông Hồ dành cho nhiều tâm huyết. Trải qua bao đời, hình ảnh con trâu vẫn gần gũi, gắn bó, thân thiết với người làng tranh. Từ tranh Mục đồng thổi sáo, Chăn trâu thả diều, Chọi trâu, Hiếu học đến Nghỉ ngơi, Cày bừa... mỗi bức một vẻ, một sắc nhưng thể hiện sinh động đời sống con người.
 
Trong đó quen thuộc nhất là hai bức tranh Mục đồng thổi sáo Thả diều. Ngay từ tên tranh đã thể hiện sự thanh bình của làng quê đất Việt. Tranh Mục đồng thổi sáo là hình ảnh một chú bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo, trên đầu là một lá sen tỏa rộng, dựng đứng như một chiếc ô. Xung quanh là cỏ cây đất trời rộng lớn. Bên góc phải bức tranh các nghệ nhân có ghi dòng chữ Hà diệp cái thanh thanh (Lọng lá sen xanh xanh). Trâu trong bức tranh này thật đáng yêu và ngộ nghĩnh, đôi tai vểnh lên nghe ngóng, chân tung tăng như nhảy theo tiếng sáo, đuôi ve vẩy khoan khoái. Tranh Cưỡi trâu thả diều là hình ảnh một chú bé nằm ngửa trên lưng trâu thả diều, trong tranh có chữ Vũ thu phong nhất tướng (Một hình ảnh gió thu múa). Tranh Cưỡi trâu thả diều có 2 dị bản khác, một bức có chữ Vũ thu phong nhất dực một bức khác có chữ Nhất tương phúc lộc điền.
 
Chi tiết trong tranh khá đơn giản nhưng có sức gợi tả. Màu sắc đơn giản, với gam màu đen là chủ đạo nhưng không hề làm “thủng” bức tranh, mà mang đến cho tranh sự khỏe khoắn, khiến cho màu có độ chín. Điểm thêm màu đỏ của hoa, màu xanh của lá, trên nền màu nâu đỏ. Đường nét to, chắc khỏe nhưng không bị khô cứng. Triết lí âm dương được biểu hiện rõ đó là: thấp - cao; đất - trời; cỏ - sen; tối - sáng; màu đen - màu đỏ. Bố cục tranh hài hòa, trong tranh các khoảng trống đều nhau nên đã tạo nên tính nhịp điệu cao, vừa chặt chẽ lại vừa phóng khoáng. Các chữ vừa minh họa cho chủ đề vừa khiến cho bố cục tranh hợp lí, sinh động. Người làm tranh Đông Hồ đã từng thử cách tân tranh bằng việc thử đục bỏ một vài chi tiết trên bản khắc gỗ cho thêm phần phong phú nhưng người xem và người mua vẫn tìm về với tranh nguyên bản cũ. Thế để thấy bố cục của tranh Đông Hồ hết sức chặt chẽ, không thừa, không thiếu bất kể một chi tiết nào trong toàn bức tranh.
 
Tranh Đông Hồ quan niệm “sống hơn giống”, bởi vậy mà sự vật, hiện tượng trong tranh tuy không sát với thực tế đến từng chi tiết nhưng lại rất sống động, có hồn. Nghệ nhân làm tranh dường như ít quan tâm đến những quy tắc, công thức hình họa mà dụng công để thổi vào đó sự rung cảm của tâm hồn nghệ sĩ cùng ước vọng một cuộc sống thanh bình. Ngắm tranh, chúng ta không chỉ như lạc vào thế giới của những chú bé thổi sáo, chăn trâu, thả diều, những cánh đồng bát ngát, những bầu trời trong xanh, rộng lớn mà còn như tìm thấy tuổi thơ của mình trên khắp nẻo đường quê Việt Nam.
 
Lê Đàm
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)