Quá trình đô thị hóa dẫn đến những biến đổi của nông thôn ngoại thành Hà Nội
Đô thị hóa là quá trình biến một vùng dân cư vốn không có lối sống đô thị thành một vùng dân cư có thuộc tính của xã hội đô thị. Đô thị hóa còn là quá trình biến đổi về văn hóa ứng xử, theo đó văn hóa và cách ứng xử đô thị dần dần bao trùm lên và làm tan biến dần văn hóa và cách ứng xử truyền thống của xã hội nông nghiệp.
Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, sự phân hóa giàu nghèo trong dân cư vùng đô thị hóa ở Hà Nội cũng rất rõ rệt. Chênh lệch về thụ hưởng nhà ở giữa nhóm có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất là 1,9 lần. Mức độ thụ hưởng các phương tiện sinh hoạt hiện đại ngày một gia tăng. Hầu hết các gia đình đều có tivi, tủ lạnh, máy giặt, xe máy,… Về cơ sở hạ tầng, những vùng ngoại thành Hà Nội đều có nước máy, hệ thống đường giao thông ngày một cải thiện, hệ thống điện lưới được nâng cấp. Vấn đề xử lý rác thải cũng có những thay đổi theo hướng bền vững. Hàng ngày trong các đường phố, đường làng đều có người thu gom rác thải.
Tuy nhiên, chính quyền các địa phương vùng đô thị hóa đang phải đối mặt đó là sự ô nhiễm môi trường, áp lực về gia tăng dân số cơ học, nhiều công nhân, người lao động tự do, sinh viên, người lao động theo tuần, theo ngày, thậm chí cả chợ người lao động hình thành. Do đó, nếu không có những định hướng đúng đắn của mỗi gia đình, mỗi cá nhân sẽ dẫn đến những sai lệch trong hệ giá trị và từ đó nảy sinh các tệ nạn xã hội như mại dâm, trộm cắp, cờ bạc, ma túy…
Rõ ràng ta thấy, quá trình đô thị hóa của nông thôn ngoại thành Hà Nội là quy luật tất yếu, nó đã làm thay đổi nhiều mặt trong đời sống xã hội đặc biệt là những làng xã trong khu vực đô thị hóa, vùng trực tiếp chịu tác động của quá trình này. Quá trình biến đổi trong quá trình đô thị hóa diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng, dân số, nghề nghiệp, thu nhập, nhà ở,… từ đời sống văn hóa vật chất, đến đời sống văn hóa tinh thần.
Khi người nông dân mất đất, hình thức chuyển đổi nghề nghiệp rất đa dạng. Tuy nhiên, hình thức chuyển đổi nghề ở vùng này chủ yếu là dịch vụ, buôn bán, kinh doanh, xây nhà trọ, làm công nhân…
Quá trình đô thị hóa đang làm thay đổi lối sống, một số chuẩn mực, giá trị trong hôn nhân, gia đình, quan hệ cộng đồng… của cộng đồng cư dân vùng chịu tác động của đô thị hóa. Một số phong tục truyền thống như ma chay, cưới xin… đang thay đổi theo hướng “thành thị hóa”.
Đã và đang có sự khác biệt trong việc thụ hưởng đời sống văn hóa vật chất cũng như tinh thần của cư dân vùng đô thị hóa ở ngoại thành Hà Nội. Xu hướng biến đổi văn hóa vùng đô thị hóa diễn ra không chỉ đan xen giữa văn hóa đô thị với văn hóa nông thôn. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, đoàn thể phải có những chính sách thích hợp trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền thành phố cần gắn quy hoạch đô thị của từng địa phương với quy hoạch tổng thể của thành phố. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng đô thị hóa một cách có kế hoạch.
Hạn chế tối đa sự lãng phí về đất đai, nguồn nhân lực, nhằm củng cố và phát triển bền vững đời sống của cộng đồng cư dân vùng đô thị hóa, giúp cư dân vùng đô thị hóa hòa nhập nhưng không đánh mất truyền thống văn hóa địa phương nói riêng và dân tộc nói chung.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội