Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 13/11/2015 11:58
Thám hoa Giang Văn Minh - khí tiết kiên cường trên mặt trận đối ngoại

Kể từ năm 938, với chiến thắng của Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, đã chấm dứt thời kỳ hơn nghìn năm Bắc thuộc và mở ra một thời kỳ độc lập, tự chủ cho nước Nam ta. Mặc dù vậy, trong quan hệ bang giao, nhiều khi các vua chúa phương Bắc vẫn giữ tư tưởng nước lớn để chèn ép, bắt Đại Việt phải cung phụng, cống nạp “Thiên triều”. Thái độ ngạo mạn, coi thường vua quan, thần dân nước Nam của họ đã không ít lần bị sứ thần của ta có tài ứng đáp làm cho bẽ mặt. Điển hình trong số những sứ thần nước Nam vừa có tài ứng đáp lại có khí tiết kiên cường trên mặt trận đối ngoại đó là vị Thám hoa tài giỏi, mẫn tiệp Giang Văn Minh.

 
Sinh tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), Thám hoa Giang Văn Minh được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua). Từ thuở nhỏ, Giang Văn Minh tuấn tú, thông minh, học một biết mười, văn thơ lưu loát, ứng đáp lanh lợi, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng.
 
Năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông, Giang Văn Minh dự khoa thi đình, đỗ đệ nhất tiến sĩ cập đệ tam danh. Khoa thi này không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, vì vậy ông là người đỗ đầu trong cả khoa thi. Sau khi đỗ đạt, ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630), Thái bộ tự khanh (1631). Ngày 30/12/1637, ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiển được vua cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ là: Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh.
 
Bối cảnh Đại Việt thế kỷ XVII, thời Lê - Trịnh vô cùng phức tạp, nhà Mạc thua chạy lên Cao Bằng, cầm cự với triều Hậu Lê. Nhà Minh áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt, mục đích muốn kéo dài cuộc phân tranh Lê - Mạc để nước ta suy yếu, nên vua Minh Sùng Trinh lấy lý do: “Vì lệ cũ không có quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó khi chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ”, (trì hoãn việc phong vương cho nhà Hậu Lê, duy trì bang giao tuế cống của nhà Mạc). Hơn nữa, việc đi sứ những năm ấy vô cùng gian nan và nguy hiểm “thập nhân khứ, nhất nhân hoàn - 10 người đi chỉ một người quay lại”. Quân nhà Mạc phục kích giết sứ thần, vừa đoạt được cống vật quý hiếm, vừa phá việc cầu phong của vua Lê.
 
Phái bộ của Giang Văn Minh sang đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) gặp lúc sắp đến tiết khánh thọ nên không được vào bệ kiến ngay, mà phải ăn chờ nằm chực ngoài dịch xá. Không chỉ bị ăn trực nằm chờ mà bọn đại thần nhà Minh còn có ý khinh thường sứ thần An Nam nên không thèm tiếp và vin cớ là trong bộ bản không có lệ cũ để tra, nên không phong vương, mà chỉ ban sắc khen thưởng khuyến khích (Lịch triều hiến chương loại chí tập III, trang 150) và chỉ nhận dâng lễ cống. Chúng hạch sách phái bộ đủ điều và đòi bằng được người cống bằng vàng, đòi trả “nợ Liễu Thăng” như đời Mạc đã làm. Chúng còn cho người bao vây theo dõi, thăm dò mọi hoạt động của sứ bộ ngoài dịch xá. Trước thái độ khinh miệt và coi thường phái bộ An Nam của vua Minh, Giang Văn Minh hết sức căm giận và phẫn uất, ông luôn luôn suy nghĩ cách đối phó với nhà Minh để làm tròn sứ mệnh của vua Lê giao cho. Trong thời gian ở dịch xá chờ yết kiến đã có nhiều giai thoại về sự thông minh, hoạt bát và khí phách của Giang Văn Minh. Có lần những ngày mưa gió ẩm ướt, trời nắng to, thiên hạ ai cũng đi dạo chơi, ngắm cảnh, sưởi ấm, riêng ông lại nằm nhà, ra sân, phanh bụng để... phơi nắng! Bọn quan chức Tàu hỏi tại sao, thì ông nói:  - Lâu nay học hành, sách vở thiên hạ có bao nhiêu, đều thu cả vào trong bụng này. Bên nước Nam, thời tiết hanh khô, chứ bên Trung Quốc thì ẩm ướt quá. Hôm nay được trời nắng to phải phơi bụng ra cho chữ trong ấy khỏi mốc! Câu trả lời nghịch ngợm, hóm hỉnh, nhưng bọn quan lại của Trung Quốc lại hiểu ra là ông có ý khinh bỉ, ngạo đời. Bọn chúng rất tức giận cái nước An Nam nhỏ bé thế mà có người lại dám ngông nghênh xấc xược.
 
Trong chuyến đi sứ của Giang Văn Minh có nhiều giai thoại, nhưng có một giai thoại mà có lẽ không người Việt Nam nào không biết: Giữa triều đình nhà Minh, khi vua Sùng Trinh muốn làm nhục sứ thần ta bằng cách ra vế đối: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng trụ nay rêu đã bám xanh). Vua Minh muốn nhắc đến cột đồng Mã Viện chôn sau khi đánh thắng Hai Bà Trưng, với lời nguyền: Cột đồng này gãy thì dân Giao Chỉ sẽ bị diệt vong.
 
Chánh sứ Giang Văn Minh trước mặt sứ thần các nước và triều đình nhà Minh đã hiên ngang đối lại: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Sông Đằng tự xưa còn đỏ máu). Vế đối của Giang Văn Minh đã nhắc lại trên sông Bạch Đằng máu vẫn đỏ là vì máu loang ra từ những trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 938: Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán; năm 981: Hoàng đế Lê Đại Hành đập tan quân Tốngnăm 1288: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Nguyên (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba). Có thể nói, chỉ 7 chữ xuất thần này đã hội tụ được cả tinh anh, linh khí non sông nước Việt.
 
Vua Sùng Trinh bị hạ nhục, bẽ mặt trước các sứ thần nên đã bất chấp mọi quy định bang giao, sai gắn trám đường vào miệng, vào mắt Giang Văn Minh, mổ bụng xem sứ thần Việt to gan đến thế nào. Nhưng lại khen Giang Văn Minh là người tiết tháo, bèn sai lấy thủy ngân ướp xác, cho ngậm sâm, rồi trả quan tài về nước Nam.
 
Xứ Sơn Tây xưa - nơi nổi danh với tinh thần thượng võ của hai anh hùng dân tộc - mảnh đất hai vua đã bồi đắp ý chí kiên cường, tinh thần không chịu khuất phục của vị sứ thần Thám hoa Giang Văn Minh. Cảm động trước sự hy sinh lẫm liệt của Thám hoa sứ giả Giang Văn Minh, dân khắp vùng đều tỏ lòng thương nhớ đến viếng ông. Đặc biệt cảm kích trước vị sứ giả kiên cường, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng đã về tận Đường Lâm dự lễ an táng Thám hoa Giang Văn Minh và khen ngợi: “Đi sứ không làm nhục mệnh nước, thật là anh hùng kim cổ”. Chính văn tài, dũng khí và tinh thần xả thân vì uy danh của dân tộc mà Thám hoa Giang Văn Minh được lưu danh sử sách.
 
 
Ly Đàm
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)