Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 19/11/2015 11:12
Hà Nội xưa có một phố sản xuất, kinh doanh buồm

Hà Nội là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá lớn của cả nước và chính sự hấp dẫn của nó đã thu hút nhiều làng nghề thủ công, doanh nhân buôn bán hội tụ về đây làm nên phố phường Thăng Long - Kẻ Chợ. Từ những phố sản xuất này gắn liền với đó là kinh doanh, buôn bán những sản phẩm làm ra, vậy nên Hà Nội có một đặc trưng riêng biệt đó là Hà Nội với 36 phố phường gắn với từ “Hàng” và cũng làm nên “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ’’.

 
Hà Nội còn được biết đến là một thành phố sông nước với nhiều ao, hồ lại được bao bọc bởi hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đáy. Thuận lợi về sông nước nên cư dân ở đây và xung quanh tới đây ngoài đường bộ còn có đường thuỷ. Từ đây đã hình thành nên một con phố chuyên sản xuất và kinh doanh cánh buồm phục vụ cho thuyền đó là phố Hàng Buồm.
 
Ngày nay, trước sự nở rộ và phát triển của nhiều loại phương tiện giao thông cùng với đó các tàu thuyền đều dùng động cơ nên hình ảnh con thuyền thấp thoáng cánh buồm trên sông Hồng, sông Tô, sông Đáy chỉ còn là quá vãng xa xưa. Hiểu một chút về thuyền buồm để từ đó thấy được sự hình thành và phát triển của một ngành nghề sản xuất, kinh doanh buồm tấp nập của đất Kinh kỳ. Thuyền buồm được hiểu đơn giản là một chiếc thuyền chạy bằng sức gió nhờ vào một bộ phận gọi là buồm. Con người đã bắt đầu biết sử dụng thuyền buồm ngay từ buổi đầu của nền văn minh. Người La Mã cổ đại là những người đầu tiên gắn những lá buồm vào con thuyền chèo để kết hợp cả hai loại năng lượng sức người và sức gió.
 
Về nguyên liệu làm buồm thì thông thường buồm được làm từ một tấm vật liệu mỏng, có thể là vải, nylon, hay nhựa được may thành hình tam giác hoặc tứ giác. Người ta căng lá buồm lên trên cột buồm nhờ vào một hệ thống dây kéo và ròng rọc. Tác dụng của lá buồm là để bắt gió và chuyển thành lực đẩy để đẩy con thuyền lướt trên mặt biển, mặt sông tiến về phía trước.
 
 Hà Nội là thành phố của sông nước nên một bộ phận cư dân nơi đây sống bằng nghề vận tải đường thuỷ và sản xuất, kinh doanh phục vụ hàng thuỷ trong đó có cánh buồm. Vậy nên, cánh buồm và con thuyền đã có thời vô cùng gắn bó đối với cư dân Hà thành, với con phố mang tên Hàng Buồm.
 
Phố Hàng Buồm là một hàng phố nằm trong khu vực khu phố cổ Hà Nội. Cư dân ở đây sống bên cạnh bờ sông Nhị Hà và sông Tô Lịch nên làm nhiều nghề liên quan đến sông nước, trong đó có nghề làm những cánh buồm bằng vải hoặc cói cung cấp cho tàu thuyền trên sông Nhị Hà hay còn gọi là sông Hồng. Nguyên liệu đưa vào Hàng Buồm do những con thuyền vào đậu sát phố, sản phẩm đưa đi cũng bằng thuyền.
 
Trong quá trình phát triển của mình, Hàng Buồm có nhiều đổi thay theo thời gian. Từ cuối thế kỷ XIX, phố Hàng Buồm là nơi tập trung buôn bán, sinh sống của người Hoa từ Trung Quốc sang Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Nhưng Hàng Buồm ban đầu chưa phải là nơi tập trung của người Hoa, họ ở phố Việt Đông (nay là phố Hàng Ngang) rồi ở lan sang mấy phố chung quanh đó như Hàng Bồ, phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) rồi lan đến Hàng Buồm. Một phần do người Hoa chiếm lĩnh phố, một phần nhu cầu về cung cấp và tiêu thụ cánh buồm giảm đi nên mặt hàng truyền thống ở đây dần biến mất nhường cho người Hoa kiều mở hiệu ăn ở phố này.
 
Từ năm 1872 người Pháp chiếm Bắc Kỳ, Hàng Buồm được dịch nguyên sang tiếng Pháp là phố Ruedes Voiles. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, Hàng Buồm nằm ở Trung tâm Liên khu I. Do Ủy ban kháng chiến Liên khu cho phép các cửa hàng buôn bán của Hoa kiều được tự do mở cửa nên phố này là nơi duy nhất ở Hà Nội lúc đó có những hoạt động dịch vụ không khác gì thời bình. Một trong hai trạm quân y của Liên khu I cũng được đặt ở đây, số nhà 26. Năm 1954, Hà Nội giải phóng, phố này được đổi lại tên cũ Hàng Buồm cho đến nay.
 
Hà Nội nay trong nhịp điệu đi lên của cuộc sống mới, các ngả sông nước sôi động tiếng động cơ, tiếng còi thuyền máy, tàu máy; không còn thấy những con thuyền tỏa cánh buồm nâu thênh thang rẽ sóng. Cánh buồm vì thế cũng mất đi, phố Hàng Buồm không còn là nơi sản xuất, kinh doanh buồm nữa nhưng tên phố vẫn còn nguyên vẹn. Hàng Buồm nay cũng không phải là con phố tập trung đông đúc người Hoa sinh sống với các tiệm ăn mà với người dân Hà Nội nay, phố Hàng Buồm nổi tiếng với mặt hàng bánh kẹo nội - ngoại, hạt dưa hạt bí, rượu bia các loại, phong phú đa dạng phục vụ tấp nập hàng ngày nhất là vào các dịp lễ, tết. Những năm gần đây, người Hà Nội còn biết đến Hàng Buồm - khu phố ẩm thực được xem là thiên đường ăn uống của người Hà Nội và du khách, với nhiều món ăn đặc sắc mang phong cách khác nhau.
 
Hà Nội 36 phố phường xưa, từ “Hàng” gắn với tên mỗi con phố, nay có nhiều biến đổi, nhiều phố hàng không còn như tên gọi như phố Hàng Buồm nhưng Hà Nội mỗi đường phố đều mang một nét đẹp riêng. Hàng Buồm nay dẫu có nhiều đổi thay, nhưng ký ức về một thời nơi đây đã từng là con phố tấp nập sản xuất, kinh doanh buồm vẫn còn lại trong ký ức, tâm thức của Thăng Long - Hà Nội.

Linh Chi

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)