Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 19/11/2015 11:15
Vài nét về nghệ thuật Thăng Long thời Lê sơ

Thời Lê sơ, nền nghệ thuật Thăng Long cũng có những phương diện khá phát triển, cho thấy một số chuyển biến trong tiến triển lịch sử nghệ thuật dân tộc: âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc…

 
Về âm nhạc: Năm 1437, Nguyễn Trãi được cử ra chế định nhã nhạc, đã tiến dâng bản đồ vẽ khánh đá và trình bày rõ nguồn gốc của nhạc. Sau đó Lương Đăng đã chế định xong nhã nhạc và quy định rõ thứ nhạc khí dùng trong cung đình. Nhưng việc chế định nhã nhạc của Lương Đăng còn nhiều thiếu sót nên nhiều triều thần đã phản đối, can ngăn. Sang thời Lê Thánh Tông, nhà vua sai các văn thần nghiên cứu âm nhạc Trung Quốc để chế định lại lễ nhạc và lập ra bộ đồng văn để luyện tập nhạc khí và bộ nhã nhạc ca hát bằng lời. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước đầu thế kỷ XV còn được ghi lại trong bản nhạc Bình Ngô phá trận thường được trình diễn trong buổi yến tiệc đầu xuân tại kinh thành hay những buổi tế lễ ở Lam Sơn.
 
Lê Thánh Tông còn đặt ra Bộ giáo phường phụ trách phần âm nhạc dân gian. Theo Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề thì hát ả đào tức hát ca trù cũng đã xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XV. Những nghệ nhân ca trù họp thành phường, thường theo họ, đặt dưới quyền quản lý chung của Ty giáo phường thường ở cấp huyện, do Ông Trùm đứng đầu. Ca trù thường tổ chức ở đình làng nên còn gọi là Hát cửa đình. Chắc chắn ca trù đã xuất hiện từ trước và đến thế kỷ XV đã khá phát triển và có tổ chức.
 
Về nghệ thuật sân khấu: Hát tuồng và hát chèo càng ngày càng phát triển. Năm 1435, sau khi Lương Đăng chế định xong nhã nhạc thì hát tuồng bị bãi bỏ ở cung đình, nhưng vẫn được phổ biến trong dân gian. Hát chèo rất phát triển ở đồng bằng Bắc Bộ, đề tài thường lấy từ sự tích, từ thực tế xã hội và điệu hát cũng bắt nguồn từ dân ca. Đây là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian phản ánh cuộc sống bình dị của nhân dân lao động và chế giễu, đả kích những mặt xấu của chế độ phong kiến.
 
Trong thời Lê sơ, nghệ thuật âm nhạc và ca múa cung đình và dân gian có bước phát triển như vậy, nhưng thái độ của triều đình lại coi “xướng ca vô loài”, nhìn người xướng ca như một lớp người thấp hèn trong xã hội, không hơn gì nô tỳ. Từ đó, nhà Lê cấm con trai nhà xướng ca không được dự thi, con gái không được lấy con nhà quyền quý. Thái độ phân biệt đối xử đó chứng tỏ sự phân hoá giữa văn hoá cung đình và văn hoá dân gian, và tất nhiên có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nghệ thuật.
 
Về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc: Nhà Lê sơ tiến hành khá nhiều công trình xây dựng, tập trung chủ yếu ở kinh thành Đông Kinh và Lam Kinh (Thanh Hoá). Trong Cấm thành và Hoàng thành Đông Kinh, nhà Lê sơ xây dựng khá nhiều lâu đài, cung điện, nhưng di tích trên mặt đất còn lại đến nay chỉ còn có bậc thềm điện Kính Thiên và cửa Đoan Môn (trong Thành cổ Hà Nội hiện nay). Thềm điện Kính Thiên hiện nay gồm 9 bậc, có 4 lan can đá chia làm 3 lối đi lên điện. Lan can đá này được xây dựng năm 1467, trong đó 2 lan can ở 2 bên chạm mây lửa và hoa lá cách điệu, mang đặc trưng nghệ thuật tạo hình thời Lê sơ.
 
Có thể thấy, trong những cuộc khai quật thăm dò gần đây ở chân cửa Đoan Môn và Cửa Bắc cũng đã tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Lê sơ nằm trên dấu tích thời Lý, Trần. Đặc biệt, kết quả khai quật khu di tích Hoàng thành tại 18 Hoàng Diệu đã làm phát lộ những phế tích kiến trúc thời Lê sơ cùng nhiều di vật đất nung và gốm sứ, trong đó có một số gốm sứ cao cấp như bát, đĩa có hình rồng 5 móng là đồ “ngự dụng”… Những đồ gốm sứ này đạt trình độ cao về kỹ thuật sản xuất và nghệ thuật trang trí. Bên cạnh đồ gốm sứ, khảo cổ học còn tìm thấy một số phế phẩm là những đồ gốm biến dạng và kết dính, kèm theo dấu tích khuôn đúc. Từ đó có thể đặt vấn đề về sự tồn tại lò gốm Thăng Long cao cấp chuyên sản xuất sản phẩm cung đình. Làng Bát Tràng tiếp tục phát triển, cung cấp sản phẩm tiêu dùng trong nước và sản phẩm xuất khẩu. Đồ gốm Bát Tràng được chọn làm cống phẩm cho phương Bắc. Gốm sứ thời Lê sơ rất đa dạng về loại hình, ngoài các vật liệu kiến trúc, có những loại bát, đĩa, ấm, lọ, bình… Phổ biến là men trắng, men trắng ngà với hoa lam, hoa nâu và có hoa nhiều màu. Tại khu di tích khảo cổ học tìm thấy ngói ống màu thanh lưu ly và hoàng lưu ly rất tinh tế. Hoạ tiết trang trí phong phú gồm hình hoa lá, hình chim, cá, muông thú và cả hình người. Ngoài ra, 13 tấm bia tiến sĩ mang niên hiệu cụ thể thời Lê sơ còn bảo tồn ở khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay cũng là những tác phẩm điêu khắc quý thời Lê sơ.
 
Có thể thấy, với một số nét khắc hoạ cơ bản về nghệ thuật Thăng Long thời Lê sơ, chúng ta có thể mường tượng được những nét khái quát về nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật sân khấu có sự phân hoá giữa văn hoá cung đình và văn hoá dân gian, và tất nhiên có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nghệ thuật. Tuy nhiên về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc lại có một số tác phẩm quý với những hoa văn, hoạ tiết đặc trưng trên vật liệu kiến trúc, những loại bát, đĩa, ấm, lọ, bình…
 
Bích Hỷ

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)