Những mốc son lịch sử của chặng đường phát triển ngành công nghiệp Thủ đô
Đặt nền móng cho một ngành công nghiệp Việt Nam tự chủ, các nhà máy xí nghiệp mới, những đứa con đầu lòng của ngành cơ khí chế tạo đã ra đời tại Hà Nội vào những năm 1955 -1957 dưới sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa. Đó là nhà máy cơ khí Hà Nội, cơ khí Trần Hưng Đạo, cơ khí Gia Lâm… Năm 1960 công nghiệp Hà Nội đã sản xuất được hàng trăm máy tiện, động cơ điện, máy bơm nước, hàng chục nghìn xe đạp… Với phương châm dựa vào sức mình là chính, công nhân Hà Nội đã hăng hái thực hiện nhiều phong trào thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, học tập rộng khắp, khơi dậy nhiệt tình lao động và phát huy sáng kiến.
Thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965, đã diễn ra nhiều sự kiện khởi đầu quan trọng của ngành công nghiệp Hà Nội non trẻ. Đó là sự hình thành các khu công nghiệp lớn đầu tiên tại khu vực Thượng Đình, Minh Khai, Yên Viên, Đông Anh với hàng chục nhà máy xí nghiệp mới. Một loạt nhà máy quốc doanh đã ra đời vào thời kỳ này như Bóng đèn phích nước Rạng Đông 1961, Phân lân Văn Điển 1962, Cơ khí Đông Anh 1963, Cơ khí Mai Động 1964, Sứ Bát Tràng 1963, Giấy Trúc Bạch 1964, Điện cơ Thống Nhất 1965… Công nghiệp Hà Nội lần đầu tiên đã chế tạo được các sản phẩm rất quan trọng như máy tiện, máy phay, biến thế, động cơ diesel, phụ tùng ô tô, máy búa máy đột dập, động cơ điện cỡ nhỏ, các sản phẩm ngành dệt may. Đến cuối năm 1965, Hà Nội đã có được đội ngũ công nhân kỹ thuật và trí thức cách mạng, cứ 40 công nhân đã có 1 kỹ sư và 3 trung cấp kỹ thuật.
Nhân dân Hà Nội mãi ghi nhớ sự lao động bền bỉ, hoàn thành nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn trước mọi khó khăn của ngành công nghiệp trong thời kỳ chiến tranh của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc. Các nhà máy xí nghiệp phải kết hợp sản xuất và chiến đấu, nhưng vẫn đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu và duy trì đời sống nhân dân.
Nhân dân Hà Nội mãi ghi nhớ giai đoạn đầy khó khăn của ngành công nghiệp Hà Nội sau năm 1975, khi mà cơ chế quản lý chưa được đổi mới mà các nguồn viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa bị cắt giảm. Khi mà cả nước còn phải đối mặt với chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc cùng với bao vây cấm vận bên ngoài. Công nghiệp Hà Nội khi đó gặp khó khăn nghiêm trọng do thiếu vật tư nguyên liệu và năng lượng. Trong khó khăn, Hà Nội đã tìm cách vươn lên bằng việc xác định mục tiêu chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung vào hàng tiêu dùng cao cấp, hàng kỹ thuật cao, các sản phẩm tinh xảo… Trên cơ sở đó, vừa tranh thủ dành lại thị phần trong nước, vừa tìm phát triển thêm thị trường ngoài nước, tăng hàng xuất khẩu.
Một dấu mốc quan trọng tác động đến bước chuyển biến đột phá của ngành công nghiệp Thủ đô đó là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 với hướng đổi mới toàn diện đưa cơ chế chính sách kinh tế nhiều thành phần vào cuộc sống, khơi dậy mọi tiềm năng phát triển. Trên đà phát triển chung, công nghiệp Hà Nội đã đề ra phương hướng phát triển mới là ưu tiên những ngành nghề đòi hỏi công nghệ và chất xám cao, kết hợp với các ngành nghề truyền thống, huy động tiềm năng và liên kết các thành phần kinh tế trong nước, đồng thời mở rộng hợp tác và liên kết liên doanh với nước ngoài.
Giai đoạn 2006 đến nay, Hà Nội phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả thị trường tăng cao, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp bất thường. Tuy nhiên, công nghiệp Hà Nội với những định hướng rõ nét như tập trung vào phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch. Hình thành rõ một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực có thương hiệu… Hà Nội nhất định sẽ trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại với đội ngũ trí thức, trình độ khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao trong tương lai.
Ngô Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội