Trẻ em cần được tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích để phát triển toàn diện
Đặc điểm tâm lý của lứa tuổi thiếu nhi là thích các hoạt động mới lạ, thích vận động, muốn thể hiện và khẳng định mình, muốn giao lưu học hỏi, tìm tòi, sáng tạo... Ngoài giờ học tập căng thẳng trên lớp, các em rất cần được tham gia các hoạt động tập thể, thay vì hiện nay một bộ phận trẻ em đang dần đắm chìm vào các trò chơi trên máy tính, điện thoại... Cuộc sống hối hả, bận rộn đã khiến các bậc cha mẹ ngày càng có ít thời gian để vui chơi bên con cái, và khá nhiều gia đình phó mặc việc giáo dục, dạy dỗ con em họ cho nhà trường.
Bởi vậy, gia đình - nhà trường - xã hội cần chung tay góp sức, tất cả vì sự nghiệp giáo dục, để các em được phát triển trong một môi trường giáo dục tập thể thân thiện, lành mạnh, bổ ích. Và các hoạt động như tham quan dã ngoại, cắm trại... chính là những hoạt động mang tính tổng hợp, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, các đặc điểm tâm lí của lứa tuổi thiếu nhi. Muốn giáo dục nhân cách cho các em, con đường tốt nhất là thông qua hoạt động, hoạt động không chỉ là con đường hình thành nhân cách, mà còn là con đường để biểu hiện nhân cách. Vì vậy, tổ chức hoạt động cắm trại, hội trại... cho thiếu nhi vừa nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục nhân cách cho các em, vừa qua đó kiểm tra và nắm được mục tiêu giáo dục đạt hiệu quả ở mức độ nào. Từ đó nhà trường và gia đình sẽ tiếp tục tìm và lựa chọn những nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp để quá trình bồi dưỡng, rèn luyện nhân cách, trí tuệ cho thiếu nhi đạt hiệu quả.
Đối với Thủ đô Hà Nội, nhiều năm qua các hoạt động hội trại luôn là lựa chọn cho các nhà trường trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là lứa tuổi sinh hoạt Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Với các khu dân cư, sinh hoạt hè của thiếu nhi Thủ đô cũng thường gắn với hoạt động cắm trại, hội diễn tổng kết vào cuối hè... Thông qua các hoạt động tập thể đó, các em được giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của Đội TNTP Hồ Chí Minh; được giáo dục về lòng yêu quê hương đất nước, và đặc biệt là thiếu nhi Thủ đô được hiểu hơn về truyền thống đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, về nếp sống thanh lịch, văn minh của người Tràng An xưa - Hà Nội nay... Mặt khác, hoạt động hội trại đòi hỏi thiếu nhi luôn phải vận động, đó cũng là điều kiện để rèn luyện thể lực, sự bền bỉ, dẻo dai ở lứa tuổi này. Trong chương trình hội trại thường có các cuộc thi như: khéo tay hay làm, nấu ăn, cắm hoa, vẽ...; đây chính là cơ hội để các em được tham gia trải nghiệm thực tế và rèn kĩ năng sống bên cạnh những kiến thức sách vở hàng ngày trên lớp.
Để lứa tuổi thiếu nhi được phát triển toàn diện, cả về thể chất và tinh thần, không chỉ ngành Giáo dục Thủ đô mà cả cộng đồng cần bắt đầu từ những hành động cụ thể hôm nay, theo đúng phương châm “Toàn xã hội chăm sóc, giáo dục trẻ em”, để ươm mầm tạo nên những công dân tương lai của Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.
An An
Nhà xuất bản Hà Nội