Thăng Long - Hà Nội: Đất học ngàn năm
Thăng Long - Hà Nội là nơi có nhiều trường học nhất, nơi tập trung nhiều trường nổi tiếng, những người thầy mẫu mực và những học trò xuất sắc.
Thời Lý có trường Bái Ân của Lý Công Uẩn, nay thuộc phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy). Đây là ngôi trường tư thục ra đời sớm nhất của giáo dục Nho học Việt Nam. Lý Thường Kiệt đã được đào tạo từ ngôi trường này.
Thời Trần có trường Huỳnh Cung của Chu Văn An, nay thuộc huyện Thanh Trì. Chu Văn An là người thầy cương nghị, nghiêm khắc và là một bậc đại nho uyên thâm. Chu Văn An là “người thầy của muôn đời” ông cũng được sinh ra trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Hai người học trò thành đạt nhất được đào tạo từ ngôi trường này là Phạm Sư Mạnh và Lê Quát.
Thời Lê có thể kể đến các trường tư thục tiêu biểu như: Trường của Tiến sĩ Nguyễn Đình Trụ (Thanh Trì), trường đã đào tạo hơn 70 người đỗ đại khoa; Trường Hào Nam của Thám hoa Vũ Thạnh, là trường tư thục có đến hàng ngàn người học, nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ; Trường Quan Hoa của Hương cống Nguyễn Công Thịnh (Cầu Giấy), có đến hàng trăm người học, nhiều người đỗ đạt cao;…
Thời Nguyễn nhiều trường tu thục Nho học được mở nhằm chấn hưng văn hóa Thăng Long. Đa phần các trường tập trung ở khu vực hồ Gươm, tiêu biểu như: Trường của Tiến sĩ Phạm Quí Thích, tuy chỉ tồn tại gần 5 năm nhưng đào tạo được nhiều người thành đạt như Ngô Thế Vinh, Nguyễn Văn siêu…; Trường Hồ Đình của Tiến sĩ Vũ Tông Phan, trường tồn tại khoảng 15 năm, đào tạo hàng nghìn học trò, nổi lên có Nguyễn Tư Giản, Vũ Duy Ninh, Lê Đình Diên…; Trường Phương Đình của Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, mở từ năm 1854 và tồn tại khoảng 20 năm. Trường để lại nhiều bài giảng và bài viết của học trò còn lưu đến bây giờ;…
Thời Pháp thuộc, Hà Nội là trung tâm có nhiều trường đại học và cao đẳng sớm nhất nước như Viện Đại học Đông Dương (1907), Trường Y Dược (1913)… Khối phổ thông có trường Trung học Bảo hộ (1908) nay là trường THPT Chu Văn An, Trường Cao đẳng Tiểu học Đông Dương nay là trường Phan Đình Phùng, trường Đồng Khánh nay là trường THCS Trưng Vương, trường Anbe Xarô mở năm 1918 dành riêng cho nữ. Đầu thế kỷ XX, cả Hà Nội có 8 trường tiểu học Pháp - Việt.
Sau Cách mạng Tháng Tám nhiều trường học ở Hà Nội đã khai giảng, mở đầu cho nền giáo dục cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp Hà Nội là vùng tạm chiếm, nhiều giáo viên và học sinh đã rời thành phố về vùng tự do để tiếp tục dạy học, đồng thời tham gia kháng chiến.
Sau khi Thủ đô được giải phóng (1954), các trường tiểu học, trung học cũng bắt đầu được mở lại. Trong điều kiện khó khăn, 20% số trẻ trong độ tuổi đã được đến trường. Thời kỳ này có 94 trường tiểu học, 4 trường trung học.
Giai đoạn 1965 - 1975 vượt qua thử thách nặng nề của chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các trường học của Hà Nội từng phải đi sơ tán nhưng vẫn đảm bảo việc dạy và học bình thường.
Từ sau đổi mới (1986) quy mô giáo dục - đào tạo của Hà Nội tăng nhanh. Mạng lưới trường lớp đều khắp, phát triển đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của mọi người dân. Năm 2010, Hà Nội có gần 2.500 trường học mầm non và phổ thông với trên 1,5 triệu học sinh, 50 trường đại học, 29 trường cao đẳng, 50 trường trung học chuyên nghiệp.
Thăng Long - Hà Nội là “Đất học ngàn năm” còn bởi lẽ nơi đây suốt thời kỳ phong kiến (trừ thời Nguyễn) luôn là trung tâm thi cử, tuyển chọn nhiều nhân tài cho đất nước. Đã có 666 tiến sĩ người Hà Nội kể từ thời Lý đến thời Nguyễn, trong đó: Thời Lý - Trần - Hồ có 16 tiến sĩ; thời Lê sơ có 23 tiến sĩ; thời Mạc có 90 tiến sĩ; thời Lê Trung hưng có 249 tiến sĩ; thời Nguyễn có 81 tiến sĩ. Trong thời đại mới, mảnh đất Hà Nội đã đào tạo thành danh, với nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, nhiều học sinh phổ thông được giải cao trong các kỳ thi quốc tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học, cao đẳng.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội