Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 30/11/2015 10:23
Nguyễn Du với Thăng Long - Hà Nội

Hướng tới kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, chúng ta cùng ôn lại sự nghiệp thơ ca của ông gắn với mảnh đất nghìn năm Thăng Long qua tác phẩm Danh nhân Thăng Long – Hà Nội, do Giáo sư Vũ Khiêu chủ trì biên soạn, thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010.

 
Thăng Long là nơi chôn rau cắt rốn của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, là nơi ông có nhiều kỷ niệm nhất, nhiều bạn bè nhất và cũng là nơi ông được chứng kiến những đổi thay của thời thế, thế thời. Làm quan với một tâm trạng bất đắc dĩ, và bất đắc chí, nhiều lúc gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, nghèo đói nhưng Nguyễn Du vẫn giữ lòng trong sạch. Sống gần những người đau khổ dưới chế độ phong kiến suy tàn, đặc biệt là dưới chế độ khắc nghiệt, tàn bạo của Gia Long; Nguyễn Du dần thấy bộ mặt thật của bọn quyền quý. Sau này, trong thời gian làm Chánh sứ sang Trung Quốc, trong tập thơ Bắc hành tạp lục, ông đã có dịp thông qua xã hội phong kiến nhà Thanh mà lớn tiếng ca ngợi những con người dũng cảm, khí phách, đả kích những phường gian nịnh, tàn bạo, xót thương những người nghèo khổ, đặc biệt là bênh vực và xót thương những người phụ nữ tài sắc bị vùi dập.
 
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
 
Đó không chỉ là một tiếng kêu thương mà còn là lời tố cáo, lên án đanh thép cái chế độ phong kiến vô nhân đạo, chà đạp không thương tiếc lên nhân phẩm con người nói chung và phụ nữ nói riêng. Nó vừa là lời than thống thiết về nỗi đau khổ to lớn của kiếp người, vừa là lời kết án tội ác của chế độ phong kiến bất công, chà đạp lên nhân phẩm con người, đặc biệt là phụ nữ.
 
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
 
Trong cái xã hội mục nát của thời cuối Lê sang Nguyễn, những tên quan lớn, quan bé, hạng tiểu nhân hám danh trục lợi… chúng là những lũ ma quỷ hoành hành giữa cõi người khiến cho dân chúng lầm than, bơ vơ, oan khổ; người trung nghĩa, cương trực khó có chỗ dung thân. Cho nên Nguyễn Du đau xót cho cả cuộc đời, xót thương cho số phận hẩm hiu của những người đang sống và của cả những người đã khuất.
 
Năm 1790, Nguyễn Du có dịp đến Thăng Long thăm anh là Nguyễn Nễ, ông đã chứng kiến sự ăn chơi của các quan Tây Sơn, rồi tả lại trong Long thành cầm giả ca. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, Nguyễn Du nhắc đến Tây Sơn với thái độ thật khó hiểu, thay vì thù địch ông lại ngậm ngùi cho số phận của người ca nữ, để ngầm bày tỏ sự tiếc nuối cho sự sụp đổ của nhà Tây Sơn. Bài thơ dài khắc họa sâu sắc những đổi thay của cả một thời và cả một đời người; trước cảnh “Tây Sơn chư thần” ngả nghiêng, say xỉn trong tiệc rượu hết ngày này qua đêm khác, dùng tiền để mua vui, chà đạp lên thân phận kẻ liễu yếu đào tơ, ăn chơi chác táng… khiến cho “Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong đâu hết”. Thương cảm cho kiếp người, Nguyễn Du lại se sắt nỗi thương thân; cuộc đời đã bị giam cầm trong lồng sắt, còn tìm đâu được cuộc đời phóng khoáng tự do nữa? Năm 1805, Gia Long hạ lệnh phá thành cũ, xây thành mới nhỏ hơn, khiến cho cảnh vật biến thiên. Tám năm sau, khi được thăng Cần chánh điện đại học sĩ, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc, khi đi qua Thăng Long, nhà thơ đã xúc cảm về một Thăng Long dâu bể, bâng khuâng thành quách đổi thay và xót thương cho cả một kiếp ca nhi, một nàng hầu và biết bao người xưa cảnh cũ đã phai bạc dần theo năm tháng.
 
Xuất thân từ một gia đình khoa bảng, có truyền thống thi ca lại được giao du, tiếp xúc với những người tài sống ở Thăng Long, có điều kiện ra vào cung vua, phủ chúa, chứng kiến được cuộc sống sang trọng, có khi xa hoa, truỵ lạc của tầng lớp vua quan trong xã hội bấy giờ, cùng với tài thơ bẩm sinh của Nguyễn Du như hạt giống tốt gặp nơi đất tốt, mưa thuận, gió hoà để rồi làm nên một Nguyễn Du với những vần thơ tả cảnh, tả người hết sức sinh động mà chân thực. Trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của mình, Nguyễn Du có nhiều bài thơ chữ Hán nói về Thăng Long và con người nơi đây như: “Thăng Long”, “Đại nhân hí bút”, “Long thành cầm giả ca”... Và dường như ở bài nào ta cũng bắt gặp cảm xúc tiếc thương trước những thay đổi đáng buồn của một nơi đế đô; Từ kinh thành hơn 800 năm trước trở thành trấn thành rồi dần dần trở thành tỉnh thành. Có thể nói, Nguyễn Du đã viết những vần thơ cảm khái về Thăng Long đạt đến tuyệt bút, biểu cảm được tấm lòng thi nhân thao thức, buồn thương trước sự chuyển hóa của con người và đất trời. Phải chăng được sinh ra trên mảnh đất nghìn năm văn hiến ấy mà Nguyễn Du nặng tình với Thăng Long như vậy? Trước tình cảm sâu sắc, nặng lòng của Nguyễn Du đối với Thăng Long, các thế hệ người Thăng Long – Hà Nội mãi mãi ghi nhớ vị Đại thi hào của dân tộc Nguyễn Du.
 
Trần Th
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)