Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 09/12/2015 09:42
Nguyễn Đăng Đạo - tấm gương ngoại giao đại tài của đất nước thời Lê Trung hưng

Trên quê hương nhà Lý không chỉ nổi danh với Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh mà còn là nơi sinh thành ra nhiều danh nhân văn hoá Việt. Bằng tài năng, đức độ, trí lực của mình họ góp phần xây dựng và phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực, trong đó phải kể đến Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo - một nhà khoa bảng có tài, một trí thức lớn đồng thời là nhà hoạt động đối ngoại được đánh giá là đại tài thời Lê Trung hưng.

 
Thuộc đời thứ 10, ông là một mốc lớn, một đỉnh cao rực rỡ nhất của dòng họ Nguyễn Đăng làng Hoài Bão (tên nôm gọi là làng Bịu (Bựu)), tổng Nội Duệ, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc xưa, nay là thôn Hoài Bão, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Đăng Đạo, tên tự là Chất Phu, thuỵ là Đôn Nhã, sinh năm 1651 (Tân Mão) đời vua Lê Chân Tông, niên hiệu Khánh Đức thứ 3. Sinh trưởng nơi quê hương văn hiến, trong một gia đình Nho gia, ông tỏ ra là người đã sớm có chí nối nghiệp cha ông. Sự dạy dỗ, rèn cặp của người cha là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh và đặc biệt của người bác ruột là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo đã giúp cho ông có được một tính cách hiếm thấy và một kiến thức sâu rộng, uyên thâm. Ngay khi ông còn nhỏ, bác ruột đã phát hiện ở ông sự mẫn tiệp hơn người.
 
Được xem là bậc đại tài thời Lê Trung hưng không chỉ với tư chất hơn người lại thêm được rèn cặp kỹ lưỡng mà còn ở chính nghị lực phi thường trong học tập của Nguyễn Đăng Đạo. Làng Hoài Bão, nơi ông sống cách Kinh thành chừng 20 cây số vậy mà sáng nào ông cũng dậy thật sớm đi bộ vào Kinh để kịp nghe giảng buổi sáng. Những ngày sôi kinh nấu sử đã không phụ công, năm 32 tuổi ông chiếm bảng Khôi nguyên khoa thi Quý Hợi (1683) niên hiệu Chính Hòa 4 đời Lê Hy Tông. Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông được vua đổi tên cho là Nguyễn Đăng Liên (hay Liễn) và vào làm việc ở tòa Đông Các, vì nổi tiếng thơ văn nên được bổ vào Hàn lâm viện. Nguyễn Đăng Đạo tiến nhanh trên con đường quan lộ. Những năm sau đó ông tiếp tục được thăng chức Lại bộ thị lang, khoảng năm Đinh Hợi (1697) ông được bổ nhiệm làm Chánh sứ cùng Phó sứ Đặng Đình Tướng đi sứ Trung Quốc.
 
Thời kỳ phong kiến không có nhà hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp mà lựa chọn từ những vị quan có tài thơ văn ứng đáp, học rộng hiểu sâu, thông lầu kinh sử, hoạt ngôn để đi sứ. Để hoàn thành được sứ mệnh, đòi hỏi các sứ thần không chỉ thông minh, tài giỏi hơn người mà lòng kiên định, ý chí sắt đá, một lòng tận trung với đất nước, bởi đó là cuộc đấu tranh gay go trên mặt ngoại giao. Công việc của sứ thần nước Nam thời đó không đơn thuần là tuế cống, cầu phong mà còn có những cuộc đàm phán để đảm bảo hoà bình, khẳng định độc lập, bảo toàn cương giới, họ là người đại diện cho quốc thể, lợi ích dân tộc. Trong bất kỳ tình huống nào, trước sự áp chế, thử thách của nước lớn phương Bắc, sứ thần cũng phải rất mực thông minh mưu trí, ứng đối mau lẹ giữ vững tiết sứ thần của một nước Đại Việt có truyền thống văn hiến, có độc lập chủ quyền, có cương vực riêng…
 
Trên lĩnh vực đối ngoại, Nguyễn Đăng Đạo có lẽ nổi tiếng từ khi còn là trẻ lên ba. Chuyện kể rằng lên ba tuổi vào năm Quý Tỵ (1653) Nguyễn Đăng Đạo được bác cho theo lên biên giới phía Bắc nhân một chuyến đi tiếp sứ nhà Thanh. Sứ Thanh trông thấy đã phải kinh ngạc nói: “Bé như vậy mà đã vượt núi sông hiểm trở, lam chướng, vẫn nhanh nhẹn hoạt bát, thật là kỳ đồng!”. Trong chuyến đi sứ năm 1697, nhiệm vụ của Nguyễn Đăng Đạo cùng sứ đoàn không chỉ làm việc tuế cống mà còn phải đòi lại những vùng đất thuộc hai động Tuyên Quang và Hưng Hóa bị quan thổ ty nhà Thanh lấn chiếm trái phép. Xưa nay việc biên giới là vấn đề trọng yếu của đất nước, là mối xung đột lớn giữa hai nước, Nguyễn Đăng Đạo bằng học vấn uyên thâm, trí thức thông tuệ, lối đối ngoại cương nhu kết hợp nhuần nhuyễn khiến vua Thanh cùng quần thần, sứ bạn phải nể phục. Đến khi bàn vào việc biên giới, ngoài những lý lẽ, Đăng Đạo đã đưa hết cả giấy tờ và bản đồ cũ của hai động, bàn cãi luôn mấy ngày. Triều đình Mãn Thanh đuối lý, nên đã đổi hướng trả lời Đăng Đạo rằng việc cương giới xem xét và trả lời sau.
 
Với lập luận đanh thép, Đăng Đạo không bằng lòng với cách giải quyết của triều đình Mãn Thanh. Nhưng vì tránh sự căng thẳng trong bang giao hai nước nên Đăng Đạo đành nhận mũ áo trạng nguyên do vua Thanh ban tặng Đệ nhất khôi nguyên (Trạng nguyên) của Bắc triều vinh quy về nước. Mặc dù mục đích đòi lãnh thổ không đạt như ý, nhưng ông là vị sứ thần đã đạt được phong độ của một vị sứ thần mẫu mực, làm rạng danh đất nước.
 
Nguyễn Đăng Đạo mất năm Kỷ Hợi (1719), được truy tặng chức Lại bộ Thượng thư, tước Thọ Quận công; được vua ban cờ và đôi câu đối: Tiến sĩ, Thượng thư thiên hạ hữu/ Trạng nguyên, Tể tướng thế gian vô (Tiến sĩ làm Thượng thư thế gian có nhiều/ Trạng nguyên làm tể tướng thì hiếm có). Đó là câu đối vua Lê ban tặng cho vị Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo nay vẫn còn treo ở nhà thờ ông cùng với bức hoành khắc bốn chữ “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Đã mấy trăm năm qua, đôi câu đối vẫn được nhân dân trong vùng lưu truyền như một lời ca ngợi về Nguyễn Đăng Đạo, một bậc danh thần, làm quan trung trực, liêm chính, lại có lòng nhân từ quảng đại, đồng thời còn là một nhà ngoại giao đại tài của thời Lê Trung hưng.
 
Viên Chi
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)