Sức sống trang phục của Thăng Long – Hà Nội trong sinh hoạt
Hà Nội nằm giữa đồng bằng Bắc Bộ màu mỡ, sớm là nơi hội tụ tinh hoa của văn hoá sông Hồng, mà nền tảng là văn hoá lúa nước. Vậy nên, cư dân nơi đây luôn gắn bó, hoà đồng, gần gũi với thiên nhiên, sống chan hoà, thân thiện. Cùng với đó Thăng Long - Kẻ Chợ được xem là đô thị lớn đầu tiên của Việt Nam, là trung tâm buôn bán sầm uất nên các sản vật tốt nhất cũng như làng nghề sản xuất, những tay thợ tinh xảo đều tập trung về đây. Những điều này đã tác động không nhỏ tới tư tưởng, xu hướng lựa chọn trang phục của cư dân nơi đây. Tưởng rằng sự thay đổi trang phục không có gì là ghê gớm nhưng khi soi chiếu thì nó lại một vấn đề nóng bỏng, là cả một cuộc đấu tranh, thay đổi về nhận thức, tình cảm người quản lý cũng như người dân và các tầng lớp xã hội khác nhau ở các thời kỳ khác nhau.
Trang phục của nam giới thời Lý, khi lao động thường cởi trần, đóng khố. Mặc khố không hẳn là do điều kiện kinh tế mà chính là để thuận tiện cho lao động, đặc biệt là khi phải tiếp xúc nhiều với môi trường sông nước. Ngoài tấm khố, đàn ông còn có loại áo thân ngắn, gọi là áo cánh. Áo cộc tay, ngắn đến cạp quần, bằng vải đay, gai. Ngoài ra còn có loại áo choàng làm bằng cỏ khô hay lá cây kết lại để khoác ngoài tránh mưa rét. Sang đến thời Trần, đã có nam giới mặc quần.
Sang đến thế kỷ XV - XVII, điều kiện kinh tế phát triển, đã có sự giao thương với nước ngoài tạo nên sự thay đổi trong kiểu cách đầu tóc, đồ trang sức còn về mặc thì cơ bản vẫn như truyền thống. Trang phục có sự thay đổi mạnh mẽ nhất suốt thời phong kiến phải kể đến thời vua Minh Mạng. Chỉ trong 10 năm (1827-1837), vị vua này đã có tới bốn lần ra chỉ dụ về trang phục, đặc biệt là việc cấm mặc váy với nữ giới. Cái mặc tưởng chừng như đơn giản nhưng cách mặc đã hằn sâu trong tâm thức người dân, nó là lẽ sống, là lối sống, nếp quen không dễ gì thay đổi. Vậy nên, dụ của vua khiến nhân dân phản kháng, chế giễu sự thay đổi, cấm không cho mặc váy:
Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải lột quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng xem quan!
Nói về cái mặc của nữ giới thì từ thời Lý cho đến suốt các triều đại phong kiến Việt Nam, việc mặc đã theo xu hướng để phù hợp với kinh tế, công việc, tạo nên sự đa dạng của trang phục đương thời cả về màu sắc cũng như chất liệu. Trang phục của nữ giới, mặc yếm, áo cánh dài tay, cộc tay, khi lao động mặc váy ngắn, còn váy dài mặc lúc không lao động, thắt lưng buông phía trước. Với tầng lớp trên, nhân dân thành thị ngoài trang phục thường ra còn có loại ái dài tứ thân. Khi mặc, người ta còn có thắt lưng bao xanh duyên dáng kèm theo. Một số người còn đeo bên cạnh thắt lưng một chiếc xà tích bằng bạc đựng vôi ăn trầu.
Hà Nội thời Pháp thuộc có sự du nhập của người phương Tây đã làm thay đổi phong cách ăn mặc của người Hà thành. Những năm cuối thế kỷ XIX, phụ nữ Hà Nội vẫn mặc yếm, sang đầu thế kỷ XX thì mặc áo lót bằng vải hay lụa mỏng, kiểu áo ba lỗ ngoài mặc áo cánh. Áo tứ thân ở thời kỳ này đã được cách điệu, biến cách với chiếc áo năm thân.
Những năm 1920, ở Hà Nội đã có mốt áo dài tân thời, vẫn là kiểu áo dài năm thân truyền thống nhưng may chật hơn, thân trước thân sau không nối giữa nữa (vì đã có vải khổ rộng để may), vạt con được cắt ngắn lên. Áo dài tân thời được may bằng nhiều chất liệu vải với màu sắc khác nhau, dần dần kiểu áo này không chỉ thịnh hành ở Hà thành mà còn lan truyền sang nhiều địa phương khác.
Trước năm 1954, phụ nữ trong các gia đình trí thức, tư sản cứ bước ra đường, dù chỉ là đi chợ cũng mặc áo dài. Thậm chí ở những gia đình buôn bán luôn có khách ra vào thì người phụ nữ trong gia đình đó cả khi ở nhà cũng mặc áo dài. Ngày lễ tết lại có những chiếc áo riêng, đẹp và sang trọng hơn. Phụ nữ lao động thì mặc áo tứ thân mớ ba mớ bẩy. Sau Hà Nội được giải phóng, phụ nữ Hà Nội có sự đổi thay trong trang phục với việc mặc quần, chiếc áo cánh... Còn với nam giới, đã phổ dụng với việc mặc quần, áo dài, nam giới trí thức mặc quần tây, áo sơ mi, áo gi-lê, áo vét tông, thắt cà vạt. Với nam giới là dân lao động, áo dài, quần được cải tiến cắt liền, không nối, ống thẳng, đũng cao, mặc gọn gàng.
Từ nửa cuối thế kỷ XX cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI, đi cùng với sự biến đổi về thời cuộc từ một Hà Nội thuộc địa, đến Hà Nội được giải phóng, đi đến thống nhất đất nước rồi hội nhập quốc tế và phát triển, cùng với đó trang phục cũng có nhiều biến đổi đa dạng, phong phú, với nhiều kiểu cách mang nhiều phong cách như hiện nay. Trải qua tiến trình lịch sử, cách ăn mặc của người Hà Nội cũng có sự thay đổi theo mỗi thời đại, có những biến đổi mang tính lai căng, phá cách ở một bộ phận dân cư nhưng căn bản vẫn giữ được nét thanh lịch, đậm nét văn hóa của vùng Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến, điều này cũng chính là sức sống của trang phục trong đời sống sinh hoạt.
Khánh Linh
Nhà xuất bản Hà Nội