Những minh chứng cho truyền thống văn hoá lâu đời của cư dân Việt tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
Có thể khẳng định, Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là một ví dụ nổi bật về một trung tâm chính trị, văn hoá đặc thù của một quốc gia vùng Đông Nam Á và Đông Á, vừa tiêu biểu cho quyền lực của các vương triều, vừa kết tinh các giá trị văn hoá dân tộc và khu vực. Những lớp địa tầng khảo cổ, các di tích kiến trúc và nghệ thuật của Hoàng thành đã phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Trên thế giới rất hiếm gặp được một di sản có thể thể hiện được tính liên tục của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Từ thời thuộc Đường (thế kỷ VII – IX), nơi đây là trị sở của An Nam đô hộ phủ gắn với tên gọi thành Đại La và nhân vật Tiết độ sứ Cao Biền. Thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ IX-X) là miền Kinh phủ của quốc gia Đại Cồ Việt. Và, kể từ mùa thu năm 1010 đến năm 1789, nơi đây là Kinh đô của quốc gia Đại Cồ Việt. Kế tiếp nhiều giai đoạn lịch sử sau đó, cho dù có nhiều biến cố thăng trầm, nhưng khu vực này vẫn được lựa chọn làm trung tâm hành chính, chính trị. Từ sau năm 1954 cho đến ngày nay, nơi đây trở thành trung tâm chính trị của nước Việt Nam.
Mỗi một thời kỳ lịch sử của Khu Di sản, từ Đại La, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê và Nguyễn, đến giai đoạn Pháp thuộc và thời kỳ xã hội chủ nghĩa, đều để lại những bằng chứng về sự nỗ lực củng cố trung tâm quyền lực Thăng Long – Hà Nội với những thiết kế kiến trúc và đô thị phù hợp với vị thế của nó. Các di tích lịch sử còn lại trong khu trung tâm thành cổ Hà Nội và những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích 18 Hoàng Diệu thể hiện trình độ kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc, hình thái của đô thị cổ và những cách biểu đạt văn hoá khác của người Việt một cách chuẩn mực.
Qua những đồ gốm sứ Việt Nam tìm được trong khu di tích 18 Hoàng Diệu chúng ta thấy được biểu tượng quyền lực quân chủ được minh hoạ sinh động và đầy sức thuyết phục. Đó là những loại gốm cao cấp, trang trí mô típ biểu trưng cho quyền lực Hoàng đế gồm cả hình rồng và hình phượng. Tiêu biểu nhất là những đồ gốm men xanh lục thời Lý trang trí hình rồng tinh xảo và tỉ mỉ đến lạ lùng, những đồ gốm hoa lam hay gốm men trắng trang trí hình rồng, phượng theo quy chuẩn của vương triều nhà Lê sơ, nhưng rất tinh tế, mềm mại và mang tính nghệ thuật cao. Đặc sắc nhất trong số đó là loại sứ men trắng mỏng, được trang trí cực kỳ tinh xảo hình rồng có chân 5 móng và chữ Quan. Phẩm cấp và đồ án trang trí của loại gốm này đã nói lên rằng đây là những đồ gốm ngự dụng dành riêng cho hoàng đế và chỉ được sử dụng trong Cấm thành. Bao nung, các phế phẩm cùng nhiều loại dụng cụ sản xuất gốm tìm được tại khu di tích đã minh chứng thuyết phục cho quá trình sản xuất các loại đồ gốm cao cấp đó tại Thăng Long chuyên để dùng trong cung đình trong suốt thời kỳ Lý, Trần và Lê.
Mặc dù, những dáng vẻ huy hoàng của các kiến trúc trong Hoàng thành Thăng Long xưa tuy không còn tồn tại đến ngày nay, nhưng những phát hiện dưới lòng đất của khảo cổ học tại khu trung tâm Cấm thành là minh chứng thuyết phục cho thấy các cung điện, lầu gác trong Hoàng thành Thăng Long xưa vốn từng được xây dựng rất công phu, tráng lệ. Một số lớn các loại hình di vật như phù điêu, tượng tròn và ngói lợp mái trang trí rồng, phượng được tìm thấy ở đây cho thấy kiến trúc Hoàng thành Thăng Long được thiết kế với sự phô bày vẻ đẹp rực rỡ, áp đảo bởi những đồ án tráng trí mang tính vương quyền nhằm thể hiện sự oại nghiêm, đường bệ của hoàng đế. Đồng thời điều đó cũng phản ánh sinh động rằng, đây vừa là trung tâm hành chính của các vương triều, vừa là cung cấm của các hoàng đế nhà Lý, Trần, Lê kế tiếp nhau trị vì đất nước.
Dấu tích các cung điện trong Cấm thành như điện Kính Thiên, Hoàng Môn thự, điện Kim Quang và cung Trường Lạc được phát hiện ở 18 Hoàng Diệu đã thể hiện vai trò quan trọng của khu vực này đối với Hoàng thành.
Khu di sản cò có những dấu tích kiến trúc còn tồn tại trên mặt đất, có niên đại vào những thời kỳ gần đây hơn để củng cố cho tầm quan trọng của Hoàng thành với tư cách là một trung tâm quyền lực: Đoan Môn, Hậu Lâu, Kỳ Đài, Bắc Môn, tường và cổng Hành cung. Những toà nhà do người Pháp xây dựng và nhà D67 do Bộ Quốc phòng của Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng trong thời kỳ chiến tranh (1954-1975) ngay trong không gian thiêng của khu vực trung tâm, xoay quanh tâm điểm nền điện Kính Thiên đã nói lên rằng khu vực này vẫn giữ vị trí quan trọng trong các giai đoạn lịch sử sau này.
Có thể khẳng định rằng, những tầng lớp kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử nằm chồng xếp, đan xen lên nhau được tìm thấy dưới lòng đất trong Khu Di sản đã góp phần minh hoạ sinh động cho sự phát triển liên tục của Thăng Long – Hà Nội qua nhiều triều đại với tư cách là một trung tâm hành chính, chính trị quan trọng của nhà nước Đại Việt, đồng thời là một trung tâm văn minh của châu Á trong suốt chiều dài lịch sử nghìn năm. Chúng ta còn thấy những giá trị biểu đạt văn hoá phi vật thể đều có mối liên hệ trực tiếp đến Khu Di sản. Nền điện Kính Thiên là vị trí trung tâm của quyền lực quân chủ, nơi nhà vua cùng quần thần thiết triều và quyết định những công việc quan trọng liên quan đến lễ và nghi thức quan trọng, củng cố vị trí trung tâm chính trị, bao gồm cả hệ thống thi cử Nho học để tuyển chọn quan lại. Những bộ luật cổ vô cùng quan trọng cho sự nghiệp củng cố bộ máy cai trị của chế độ quân chủ Việt Nam đã được ban hành từ đây: bộ Luật Hình thư (1042), Quốc triều thông chế (1240), Hình thư (1341), Quốc triều hình luật (1481).
Rõ ràng, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về tiến trình phát triển của văn minh Việt Nam trong quá khứ và hiện tại bởi quá trình tồn tại lâu dài của nó.
Tín Trung
Nhà xuất bản Hà Nội