Kỷ niệm của một Cựu chiến binh với Bác Hồ
Năm 27 tuổi, ông Nguyễn Thái Dũng là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, trung đoàn 147, bị mất nửa cánh tay phải trong một trận đánh bất ngờ gặp địch. Ông tự nghĩ: “Mình mất một bàn tay, lại là bàn tay thuận nhất của con người, còn lại bàn tay trái cũng gần như tàn phế rồi còn gì nữa. Phải chăng mình sẽ không còn đứng trong đội ngũ những người cầm súng đi cứu nước? Không biết cấp trên có còn cho mình ở đơn vị trực chiến nữa hay lại bắt buộc về cơ quan, về trạm an dưỡng?”. Rồi ông gặp Tham mưu trưởng đề đạt nguyện vọng xin được về lại đơn vị chiến đấu sau thời gian tạm lành vết thương. Vị Tham mưu trưởng đã đưa ông đọc bức thư của Bác Hồ gửi anh em thương binh và bệnh binh đăng trên báo Cứu Quốc thay cho câu trả lời. Nội dung bức thư Bác viết:
“Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, chẳng may bị thương, bị bệnh trước khi quân thù bị hoàn toàn tiêu diệt, kháng chiến được hoàn toàn thành công.
Chắc các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng không, các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác, tham gia sản xuất giúp ích cho Tổ quốc. Cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở thành người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở mặt trận”.
Bức thư của Bác như tiếp thêm sức mạnh cho ông Thái Dũng, trở về trung đoàn 147 tiếp tục chiến đấu. Ông nhận chức tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Lũng Vài, tham gia các trận đánh An Châu và Đồng Khuy ở vùng Đông Bắc. Đại đoàn Quân tiên phong được thành lập, ông Thái Dũng là trung đoàn trưởng trung đoàn 88. Trong chiến dịch Cao - Bắc - Lạng, đơn vị của ông phối hợp với đơn vị bạn bắt sống hai tên quan năm Sác-tông và Lơ-pa-giơ, giải phóng nhiều cứ điểm và vùng đất quan trọng như Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu.
Sau chiến thắng này, ông Thái Dũng cũng đã được gặp Bác Hồ. Bác ôm hôn ông, “ôm rất chặt, tình cảm nồng nàn như cha với con” - ông Thái Dũng xúc động kể lại. Khi bàn tay Bác chạm vào cánh tay cụt của ông, bỗng một thoáng đứng lặng rồi Bác buông ra, nhìn ông với một ánh mắt trìu mến, yêu thương.
Lần dự Hội nghị tổng kết chiến dịch Biên giới được mở tại khu rừng Lam Sơn - Cao Bằng, ông Thái Dũng vinh dự được Bác ân cần hỏi thăm về quê quán, về sức khỏe. Bác động viên ông: “Vậy là chú đã rất cố gắng. Người ta hay nghĩ những ai bị thương tật là những người tàn phế rồi. Chú có tàn nhưng không phế. Chú hoàn thành nhiệm vụ không kém gì những người lành lặn chân tay. Bác nghe báo cáo biết là chú bị thương từ năm 1948 ở gần Bằng Khẩu phải không? Qua hai năm thử thách chứng tỏ chú rất cố gắng”. Với ông Thái Dũng kỷ niệm gặp Bác Hồ là kỷ niệm thiêng liêng nhất cuộc đời ông, lời Bác dạy vẫn luôn khắc trong tim ông. Ông kiểm điểm thấy mình có khuyết điểm này hay khuyết điểm khác, nhưng không có điều gì phải hổ thẹn với công lao giáo dục của Bác, của Đảng trong suốt mấy chục năm chiến đấu và công tác. Đến nay, tuy đã được nghỉ, ông vẫn xác định cho mình phải giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lành mạnh giữa đời thường.
Ngô Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội