Quá trình hình thành và phát triển kinh tế tư nhân ở Hà Nội
Từ thế kỷ thứ X khi được vua Lý Công Uẩn chọn làm đất định đô, với vị trí ở trung tâm đồng bằng trù phú, đất của trăm nghề, lại là đầu mối giao thương thủy bộ trên bến dưới thuyền, là đô thị - hành chính trung ương của các triều đại phong kiến, Thăng Long đã trở thành trung tâm kinh tế, nơi tập trung các hoạt động buôn bán và sản xuất. Theo đó, kinh tế tư nhân cũng có cơ hội phát triển và đạt được những thành tựu rực rỡ. Thăng Long nổi tiếng sầm uất với “36 phố phường”. Không chỉ là một trung tâm sản xuất hàng hóa, kinh đô Thăng Long còn là nơi tập kết và giao thương của nhiều vùng miền ở châu thổ sông Hồng như tơ lụa từ các xứ Kinh Bắc, Sơn Nam, xứ Đoài…, quế từ các vùng miền núi Tây Bắc, xạ hương và vàng do thương nhân mang từ các vùng biên giới Việt - Trung… Người phương Tây đến Thăng Long đều trầm trồ về sự đông đúc của dòng người và thương phẩm từ các địa phương đổ về kinh đô, nhất là vào các phiên chợ chính ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng.
Do những biến thiên chính trị - xã hội trong lịch sử mà kinh tế hàng hóa Thăng Long có những bước thăng trầm nhất định. Trong thời kỳ phong kiến, chính quyền nhà nước chủ trương “trọng nông ức thương” và “bế quan tỏa cảng”, nên kinh tế tư nhân đã không có điều kiện phát triển để trở thành kinh tế thị trường lớn mạnh. Trong suốt 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, kinh tế tư nhân và tư bản dân tộc bị chèn ép, phát triển rất yếu ớt. Khi hòa bình lập lại, chúng ta tiếp quản Thủ đô năm 1954, cả Hà Nội lúc ấy chỉ có khoảng 9 cơ sở công nghiệp nhẹ, cùng với một số đơn vị sản xuất từ vùng kháng chiến chuyển về. Nhưng chỉ sau 3 năm khôi phục (1955 -1957), trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 1.055 doanh nghiệp tư doanh, 421 công ty thương mại và 18.000 hộ tiểu thương. Năm 1960 khi hoàn thành cải tạo tư bản tư doanh, Hà Nội đã có 1.718 hợp tác xã thủ công nghiệp, 25 hợp tác xã vận tải, hơn 10.000 tổ hợp tác kinh tiêu được hình thành từ các hộ tiểu thương… Có thể nói, người Thăng Long - Hà Nội yêu nghề, giỏi nghề, nhạy bén và thích ứng nhanh với thời cuộc kinh tế, tích cực làm giàu cho bản thân và đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, Hà Nội là địa phương đi đầu trong nhận thức và quán triệt thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần. Thành phố đã kịp thời có chính sách khích lệ, tạo điều kiện cho các chủ hộ sản xuất cá thể hay các hợp tác xã thủ công nghiệp được chuyển sang mô hình xí nghiệp tư nhân. Từ lúc ban đầu thời kỳ đổi mới đến nay, doanh nghiệp tư nhân Hà Nội hiện chiếm 35- 40% tổng vốn đầu tư xã hội, đảm nhiệm 36% tổng mức lưu chuyển hàng hóa - dịch vụ bán lẻ, chiếm tỷ trọng 9 -10% giá trị hàng hóa xuất khẩu, đóng góp 22% GDP. Kinh tế tư nhân giải quyết việc làm cho hơn 60% lao động trên địa bàn, riêng khu vực kinh tế cá thể và hộ gia đình chiếm 44% số việc làm, cao hơn so với mức giải quyết việc làm của hai khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gộp lại.
Cùng với các chủ trương và chính sách hợp lý, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân ở Thủ đô ngày càng năng động, là biểu hiện sự tiếp nối sinh động kinh tế hàng hóa Thăng Long - Hà Nội.
Ngô Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội