Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 09/12/2015 10:22
Phan Huy Ích, một công thần, một nhà ngoại giao tiêu biểu thời Tây Sơn

Phan Huy Ích tên thật là Phan Công Hậu sinh năm Canh Ngọ (1750), là con trai cả của Tiến sĩ Phan Huy Cẩn (Cận), một danh thần, nhà sử học thời Lê Trung hưng, ông còn là học trò và là con rể của Ngô Thì Sĩ. Sống trong một thời kỳ với đất nước nhiều biến động và bản thân cũng gặp không ít những biến cố, Phan Huy Ích, trong lịch sử được xếp là một công thần, một nhà ngoại giao tiêu biểu thời Tây Sơn.

 
Lúc trẻ, học ở quê nhà, Phan Huy Ích nổi tiếng thông minh. Ông đỗ đầu khoa thi hương trường Nghệ khoa Tân Mão (1771). Năm 1773, Phan Huy Ích được bổ chức Tả mạc xứ Sơn Nam; năm 1775, ông lại đỗ đầu khoa thi hội ở Thăng Long, rồi sau đó đỗ chế khoa đồng tiến sĩ. Sau khi vinh quy bái tổ về quê, ra kinh thành, ông được bổ Hàn lâm thừa chỉ ở phủ chúa Trịnh. Đến năm 1777, ông được bổ Đốc đồng Thanh Hoa rồi về giữ chức Thiêm sai tri hình phiên ở phủ Chúa. Mùa thu năm Đinh Dậu, Phan Huy Ích được chúa Trịnh Sâm sai vào Phú Xuân phong chức tước cho Tây Sơn Nguyễn Nhạc, sau đó được chúa phái lên Nam quan tiếp sứ thần nhà Thanh. Từ đây ông bắt đầu với sự nghiệp hoạt động đối ngoại và trở thành nhà ngoại giao tiêu biểu thời Tây Sơn.
 
Sau chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu, quét sạch 29 vạn quân Thanh, thống nhất đất nước, Phan Huy Ích được vua Quang Trung giao cùng với Ngô Thì Nhậm trông nom công việc ngoại giao. Vua Quang Trung đã rất tin tưởng vào tài năng của hai anh em Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích nên giao toàn quyền việc đối ngoại với nhà Thanh cho hai người.
 
Năm Canh Tuất (1790), Phan Huy Ích nhận được chiếu thư cử vào đoàn đi sứ Thanh ở Yên Kinh để mừng thọ Càn Long 80 tuổi. Ở tuổi ngoài 40, thân sinh mất chưa đầy năm, ông phải làm lễ tiểu đường trước ngày lên đường đi sứ. Chuyến đi sứ này có thể nói là đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam, bởi vua Càn Long đã gửi giấy mời vua Quang Trung đích thân sang dự lễ “bát tuần vạn thọ”. Với vị thế của người chiến thắng, Quang Trung không thể đích thân sang, nhưng sẽ rất khó xử nếu không có sự hiện diện của mình trong ngày lễ này. Nắm bắt được tâm lý của vua Quang Trung, Phúc Khang An, Tổng đốc Lưỡng Quảng, người có trách nhiệm giao thiệp với nước ta, sợ vua Càn Long phật ý bèn bầy kế “vua giả”. Vua Quang Trung đã chọn một viên quan võ là Phạm Công Trị, cháu gọi Quang Trung bằng cậu làm quốc vương giả thay ông sang dự lễ mừng thọ vua Càn Long.
 
Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, vua Càn Long được đánh giá là vị vua văn võ toàn tài, nổi tiếng hay chữ và giỏi thơ văn. Việc Phan Huy Ích hoạ lại bài thơ của vua Càn Long, được vua Thanh đánh giá là thơ hay, lời lẽ thoả đáng, không chỉ giúp sứ bộ cởi được mối lo mà còn giữ được quốc thể trước vua quan nhà Thanh. Có được kết quả này, ngoài tầm nhìn chiến lược trong ngoại giao của vua Quang Trung; kế sách sắp xếp chu đáo, tài tình của của danh sĩ Ngô Thì Nhậm; công sức của Đại sư mã Ngô Văn Sở, phải kể đến sự thông minh, mẫn tiệp, tháo vát và tài năng ứng đáp, xướng hoạ thơ của Phan Huy Ích.
 
Chuyến đi sứ năm đó được đánh giá là thành công hơn cả mong đợi, có tầm ảnh hưởng lớn đến quan hệ bang giao giữa triều Tây Sơn với triều Thanh sau này. Về phía nhà Thanh, vua Càn Long yên trí Quang Trung - Nguyễn Huệ đã thực bụng quy thuận, còn về phía vua Quang Trung thì chắc chắn rằng vua Thanh Càn Long không còn tư tưởng sang xâm lược nước ta một lần nữa. Mối quan hệ bang giao hoà hiếu với nước láng giềng là thuận lợi để vua Quang Trung đề ra các đối sách trong khôi phục và xây dựng đất nước.
 
Phan Huy Ích vốn là một viên quan của nhà Hậu Lê, theo chiêu mộ hiền tài của vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh, ông ra làm quan dưới thời Tây Sơn. Sau khi vua Quang Trung đột ngột qua đời năm 1792, Quang Toản lên ngôi, Phan Huy Ích khi ở kinh đô Phú Xuân thì lo việc từ hàn, làm văn, lo việc bang giao với các nước, khi ra Bắc Hà thì coi việc thủy lợi, về Bắc Thành coi việc binh. Tháng sáu năm 1801, Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, tết năm 1802, Phan Huy Ích theo vua từ Quảng Trị ra Quảng Bình. Trước sự truy sát của Nguyễn Ánh, quân Tây Sơn dần tan rã, vua tôi đều bị bắt. Phan Huy Ích bị bắt cùng với Ngô Thì Nhậm, bị giam cầm, tra khảo nhưng rồi cũng được tha. Cuối năm 1803, Phan Huy Ích về ẩn ở Sài Sơn, đến năm 1814 ông về quê Thiên Lộc dạy học, năm 1819 lại ra Sài Sơn an dưỡng rồi mất vào năm 1822, thọ 73 tuổi. Mặc dù là một viên quan thời Lê - Trịnh nhưng cuộc đời, sự nghiệp của Phan Huy Ích gắn với nhà Tây Sơn. Ông tận tụy phục vụ nhà Tây Sơn cho đến ngày cuối cùng và cũng chịu nhiều liên lụy bởi triều đại này nhưng những năm tháng đó mới thực sự có ý nghĩa với ông, mới là quãng thời gian ông cống hiến tài năng của mình vì nước.
 
Với sự tận tâm, tận lực, một lòng vì nước cùng những đóng góp của mình Phan Huy Ích xứng đáng là một công thần triều Tây Sơn, là nhà ngoại giao tiêu biểu. Hơn thế, ông còn có những đóng góp lớn với nền văn học, văn hóa dân tộc và là nhà giáo dục có uy tín, rất quan tâm đến việc phát hiện, vun đắp cho các tài năng trẻ.
 
Yên Khánh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)