Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 09/12/2015 11:53
Di tích Đoan Môn, Bắc Môn và Hậu Lâu trên trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội

Sau khi dời Kinh đô vào Phú Xuân (Huế) dưới thời nhà Nguyễn, năm 1803, vua Gia Long đã cho xây dựng một toà thành mới theo kiểu kiến trúc Vauban hình vuông (chu vi bên trong khoảng 4km) ngay tại trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũ, làm trị sở của Bắc thành (Bắc Bộ) và là hành cung của nhà vua mỗi khi ra Bắc.  Khu thành cổ Hà Nội hiện nay là một phần còn lại của trục trung tâm toà thành đó và nằm ở phía đông khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Ngoài điện Kính Thiên, Kỳ Đài - Cột cờ Hà Nội thì các di tích Đoan Môn, Bắc Môn và Hậu Lâu là những di tích trên mặt đất thuộc trục trung tâm Thành cổ Hà Nội.

 
Đoan Môn (The Main Gate)
 
Đoan Môn - Cổng phía nam, là lối đi chính để vào bên trong Cấm thành, nơi có điện Kính Thiên và các cung điện khác của vua. Từ thời Lý đã xây cổng ở dây, nhưng cổng Đoan Môn còn tồn tại ngày nay là do nhà Lê sơ xây dựng (thế kỷ XV) và được sửa sang, tu bổ dưới thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
 
Theo nguyên tắc phong thuỷ, Đoan Môn nằm ở phía nam điện Kính Thiên, là cổng có vị trí rất quan trọng trong các hoạt động mang tính nghi lễ của Hoàng thành.
 
Giữa Đoan Môn và điện Kính Thiên là khu Long Trì (tức Sân Rồng, thời Lê gọi là Đan Trì). Đó là một không gian chính trị, văn hoá tâm linh rất quan trọng của Cấm thành Thăng Long: nơi cử hành các nghi lễ chính trị và tôn giáo thiêng liêng, ví dụ như sự kiện mở hội Nhân Vương, mở hội đèn Quảng Chiếu (năm 1136), duyệt Cấm quân (năm 1351), quốc nhân hội thề (năm 1128), vua khảo thí thi Đình với đề thi do nhà vua ra để tuyển những người có học vị cao nhất cho đất nước (năm 1466, 1475, 1481, 1496)…
 
Đoan Môn được xây dựng bằng đá và gạch vồ theo hình chữ U, chiều sâu là 26,5m và chiều cao là 6m. Tổng diện tích xây dựng của Đoan Môn là 3.970m2.
 
Cổng có 5 cửa vòm, bên trên cửa chính giữa có gắn một phiến đá (chiều ngang 1,5m và cao 0,7m) khắc chữ Đoan Môn. Cửa vào chính giữa rộng nhất (cao 4m, rộng 2,7m) dành cho nhà vua. Hai bên là 2 khung cửa nhỏ hơn (cao 3,8m và rộng 2,5m) dành cho các quan và thành viên Hoàng tộc, ngoài ra còn có 2 cửa phụ ở hai bên.
 
Khai quật khảo cổ học tại Đoan Môn năm 1999, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết đường viền lát đá chân tường và sân gạch từ thời Lê. Đặc biệt đã tìm thấy phần còn lại dấu tích con đường hoặc tường bao lát gạch hình hoa chanh thời Trần.
 
Hậu Lâu (Ladies’ Pavilion)
 
Hậu Lâu còn gọi là Tĩnh Bắc Lâu, Lầu Công chúa, Pagode des Dames, hay toà Hậu Điện. Công trình này được xây dựng vào thời Nguyễn (1821), là nơi nghỉ ngơi của các cung tần mỹ nữ trong đoàn tuỳ tùng của nhà vua khi tuần du từ Huế ra Bắc thành, nhưng đã bị phá huỷ vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Phần kiến trúc hiện còn là do người Pháp xây dựng lại.
 
Kiến trúc Hậu Lâu hiện nay là một toà nhà 3 tầng. Tầng dưới được xây hình hộp, có 2 cửa vòm ra vào ở hai bên. Tầng thứ hai có ba gian, gian giữa cao hơn 2 gian bên một chút. Gian giữa có một cửa sổ vòm nằm giữa 2 khung cửa hình chữ nhật, các cột trụ nằm giữa các cửa. Hai gian bên bị bịt kín mặt bắc và mặt nam, chỉ có cửa sổ vòm ở phía đông và phía tây. Tầng trên đỉnh là một nhà phương đình có các cửa sổ vòm và chữ nhật. Các lớp mái lầu lợp ngói ống, các mái đao trang trí đầu rồng.Qua các cuộc khai quật khảo cổ học năm 1998 tại Hậu Lâu, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các hiện vật có niên đại từ thế kỷ IX đến đầu thế kỷ XX. Trong số đó các hiện vật thời Lý, Trần và Lê có nhiều hơn cả. Tại độ sâu 3,2m đã tìm thấy dấu tích bến nước thời Lê sơ được xây dựng bằng gạch và đá chân tảng hoa sen từng được dùng để đỡ các cột gỗ thời Lý, Trần và một kho đồ gốm sứ trắng mỏng - đồ ngự dụng - thời Lê sơ.
 
Bắc Môn (Northern Gate)
 
Bắc Môn là cổng thành phía Bắc, cổng thành duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời Nguyễn, xây dựng năm 1805. Bắc Môn được xây bằng gạch với cổng vòm bằng đá, giữa cửa có tấm biển đá ghi 3 chữ Hán “Chính Bắc Môn”, diềm biển trang trí hoa dây. Các bề mặt của Bắc Môn là tường nghiêng 15 độ khiến cho kiến trúc này có dạng hình thang, trên đỉnh là một sân trời có bao lơn và các máng thoát nước tạc bằng đá ở các góc. Vọng lâu phía trên có hai tầng mái uốn cong và đầu đao truyền thống.
 
Năm 1999, các nhà khảo cổ đã phát hiện các phần còn lại của một bức tường xây bằng đá và gạch vồ, nền móng dày 1,2m và dấu tích của một kiến trúc khác thời Lê tại độ sâu từ 1,66m đến 2,2m.
 
Ngày nay, trên vọng lâu của Bắc Môn thờ hai vị tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã tuẫn tiết khi Thành Hà Nội rơi vào tay quân Pháp.
 
Ngọc Quang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)