Giáo dục khoa cử Việt Nam nhìn từ văn sách Đình đối
Lịch sử khoa cử trung cận đại Việt Nam có hơn 840 năm, kể từ khoa thi đầu tiên của triều Lý (khoa Minh kinh bác học) đến khoa thi cuối cùng năm 1919. Các triều đại đều quan tâm đến việc mở khoa cử, tuyển chọn nhân tài không ngừng bổ sung cho đội ngũ quan lại của mình. Kẻ sĩ đã xác định được học vị, nhà nước đã định vị được quan chức. Thế hệ này qua thế hệ kia lo việc dân việc nước, phát triển giáo dục văn hóa, giữ vững biên cương, lo cho thôn cùng xóm vắng. Thành tựu của một đời học tập và khoa cử chói sáng lên ở kết quả thi Đình, lưu truyền lại cho hậu thế một dòng văn chương khoa cử, lấp lánh nhất là những bài văn sách thi Đình còn được lưu lại. Kinh đô Thăng Long Hà Nội là nơi gắn với chế độ khoa cử ngay từ khởi thủy dọc suốt qua các triều: Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng. Nho sĩ trí thức Việt trung đại không bị cái chung Nho giáo truyền thống gò bó, họ luôn tìm cách thể hiện được trí tuệ của mình để phục vụ dân mình nước mình, không bị bó hẹp việc phục vụ dòng họ này hay dòng họ kia, đóng đô ở vùng này hay vùng kia mà ngôi vua thuộc dòng họ này hay dòng họ khác cho nên họ chỉ tiến tới phục vụ dân mình nước mình. Điều này cũng được thể hiện rõ trong các bài văn sách đình đối.
Tiếp cận nguồn tư liệu này, PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh đã biên soạn thành công 2 tập “Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội” xuất bản trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I. Khi tiếp tục thực hiện giai đoạn II của Dự án, đáp ứng sự mong đợi của độc giả, sự quan tâm của người nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh và ThS. Đinh Thanh Hiếu đã tiếp tục tuyển chọn, dịch và chú giải 12 bài văn sách trong tập 3 của bộ sách. Đây tiếp tục là những bài văn sách tiêu biểu, đáp ứng các yêu cầu tiêu chí của Tủ sách, lựa chọn trên cơ sở nguồn tư liệu hơn 120 bài văn sách mà các tác giả có thể sưu tầm được cho đến nay.
Nội dung bao trùm các sách văn Đình đối luôn luôn là học vấn chính trị. Xem xét sách văn các đời, người ta thấy vấn đề trung tâm được thể hiện ra với nhiều phương thức, trong đó hoặc là mang tầm vóc lý luận, đề cập đến những nội dung vĩ mô, hoặc là trực tiếp thảo luận các công việc chính sự cụ thể, những nội dung có tính chất vi mô hơn. Những vấn đề mang tầm vóc lý luận của chính trị thời cổ, dùng ngôn ngữ thời trước gọi là những vấn đề của “trị đạo”. Những vấn đề liên quan đến các công việc cụ thể của việc thi hành chính sự như chọn người tài giúp nước, cất nhắc họ ra sao, nghe lời can gián của họ như thế nào, vấn đề giáo hóa, giáo dục và hun đúc nhân tài, vấn đề làm binh mạnh nước giàu, người ta có thể gọi đó là các nội dung về “chế độ” hay về thiết lập và củng cố chế độ. Ngoài hai hướng trên, văn sách còn đề cập đến những nội dung phong phú khác. Có thể nói, qua văn sách đình đối, độc giả, người nghiên cứu có thể “nhìn thấy” rất nhiều vấn đề của giáo dục khoa cử Việt Nam trung cận đại. So sánh những vấn đề về văn sách của Việt Nam và Trung Quốc, bạn đọc cũng thấy được những nét riêng, những hướng đi khác biệt của giáo dục khoa cử nước ta.
Bản thảo đã được các tác giả biên soạn thành công và được tổ chức nghiệm thu ngày 19/11/2015. Công trình sẽ sớm được Nhà xuất bản Hà Nội ra mắt bạn đọc.
Hoàng Lâm
Nhà xuất bản Hà Nội