Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII đầu thế kỷ XX và những vấn đề văn bản học.
Biết đến nguồn tư liệu này, không chỉ các nhà nghiên cứu Trung Quốc, mà các nhà nghiên cứu ở nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á đã bỏ công khai thác nguồn tư liệu này. Ngay từ đầu thế kỷ XX, người Nhật đã đi tiên phong trong việc thu thập văn bản, dịch thuật và khảo cứu về Thanh thực lục. Các nhà sử học, nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã biết đến nguồn sử liệu này khá sớm. Chúng ta cũng có thể thấy bóng dáng của Đại Thanh thực lục trong Đại Nam thực lục (bộ sử được quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) qua quy cách biên soạn, thể tài, kết cấu…Trong kho sử tịch Trung Quốc lưu giữ ở trưởng Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội trước kia (nay là Thư viện Viện Thông tin khoa học Xã hội, 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) có bộ Đại Thanh thực lục, mà nhà sử học Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm đã khai thác, sử dụng khi ông viết cuốn Quang Trung anh hùng dân tộc 1788 - 1792. Tuy nhiên, nhìn chung nguồn sử liệu Thanh thực lục còn ít được khai thác, sử dụng trong nghiên cứu ở Việt Nam. Nếu có trích dẫn cũng thường sử dụng cách gián tiếp nên chưa khẳng định được giá trị khoa học của nguồn sử liệu.
Trong khoảng 15 năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành chọn lọc các vấn đề trong Thanh thực lục và xuất bản thành các sách Loại toản để tiện cho người nghiên cứu sử dụng. Ví dụ liên quan đến Việt Nam, Vân Nam nhân dân xuất bản xã đã xuất bản tài liệu: “Việt Nam, Miến Điện, Lão Qua sử liệu trích sao”. Bên cạnh tính thuận tiện cho người sử dụng thì các tài liệu loại toản này còn nhiều vấn đề phải bàn. Trước hết, đó là trong quá trình lựa chọn tài liệu, do quan điểm cá nhân, hay lý do nào khác việc trích sao tài liệu không phải toàn bộ hay đã có hiệu chính. Đơn cử như cuốn sách của Vân Nam nhân dân xuất bản xã ở trên, trong trích dẫn nguồn tài liệu về Việt Nam, có 3 văn bản tổng kết cuộc chiến tranh Thanh - Tây Sơn (về số lượng quân Thanh chết, chiến phí…) đã không được trích sao. Dịch giả Hồ Bạch Thảo khi làm việc với văn bản gốc Thanh thực lục đã phát hiện và đưa vào bản thảo Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII đầu thế kỷ XX. Thứ hai, nếu không có chuyên môn sâu, chỉ dựa vào đọc lướt tài liệu sẽ dễ nhầm lẫn nhất là đối với tài liệu chia theo địa danh. Cuốn “Việt Nam, Miến Điện, Lão Qua sử liệu trích sao” có một vài văn bản ghi Quảng Nam nhưng không thuộc Việt Nam cũng được dịch giả Hồ Bạch Thảo đính chính.
Trong Thanh thực lục, chỉ trừ những năm đầu tiên, còn lại hầu như suốt thời gian tồn tại của nhà Thanh việc quan hệ với Việt Nam được biên chép đều đặn. Dịch giả Hồ Bạch Thảo đã làm việc trực tiếp trên văn bản gốc của Thanh thực lục (văn bản chưa được hiệu chính) để tuyển chọn tư liệu, dịch và hiệu đính, xây dựng thành bản thảo Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII đầu thế kỷ XX. Có thể thấy, lịch sử quan hệ Trung - Việt từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX được ghi chép trong Thanh thực lục, có 10 đời vua Trung Quốc có tư liệu liên quan đến Việt Nam (tương ứng với 25 đời vua ở Việt Nam). Trong đó, bộ Cao Tông thực lục là khối lượng văn bản nhiều nhất đặc biệt liên quan đến vấn đề sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn. Năm 2007 và năm 2010, Nhà xuất bản Hà Nội cùng dịch giả Hồ Bạch Thảo đã xuất bản cuốn Thanh thực lục - Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn tuyển dịch 198 văn bản thời Cao Tông và 11 văn bản thời Nhân Tông liên quan đến cuộc chiến tranh Thanh - Tây Sơn. Cuốn sách được độc giả quan tâm, đón nhận.
Năm 2013, khi thực hiện Dự án Tủ sách Thăng Long giai đoạn II, để cung cấp tư liệu Thanh thực lục mang tính hệ thống, dịch giả Hồ Bạch Thảo trên cơ sở văn bản gốc, tuyển chọn thêm 1.195 văn bản liên quan đến quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, xây dựng thành cuốn sách Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII đầu thế kỷ XX. Cuốn sách cung cấp rất nhiều tư liệu về các vấn đề như: Quan hệ ngoại giao của Trung Quốc - Việt Nam; Vấn đề an ninh biên giới; Ứng xử của các vua, cận thần và một số nhân vật liên quan đến nhà Thanh và ngược lại; Vùng đất Tụ Long của Việt Nam bị mất vào tay nhà Thanh; Tàu quân của Thái Bình Thiên Quốc tràn vào Bắc kỳ; Quân Trung Hoa trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam ở Bắc kỳ; Chiến tranh Thanh - Pháp diễn ra trên đất Bắc kỳ dẫn đến hòa ước Thiên Tân 1885… Có thể nói rất nhiều tư liệu mới trong 300 năm quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đã được dịch gải dịch, chú, hiệu đính, công phu, tỉ mỉ trong bản thảo. Đây chắc chắn là công trình có giá trị khoa học và thực tiễn cao.
Trong rất nhiều năm, dịch giả Hồ Bạch Thảo đã cần mẫn làm công việc “đãi cát tìm vàng”, biên soạn thành công những bộ sách tư liệu quý phục vụ bạn đọc yêu sử và người nghiên cứu. Đây là công việc đòi hỏi lòng nhiệt tình, sự tâm huyết với lịch sử nước nhà. Công sức nhiều năm của một người con xa Tổ quốc đã được ghi nhận xứng đáng qua sự quan tâm đón nhận, đánh giá cao của độc giả trong và ngoài nước. Chắc chắn rằng sau Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV nửa đầu thế kỷ XVII, cuốn sách Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII đầu thế kỷ XX sẽ đóng góp nhiều tư liệu quý cho nghiên cứu lịch sử nước nhà.
Lâm Hoàng
Nhà xuất bản Hà Nội