Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội – nơi đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của một quốc gia độc lập trong suốt hơn một nghìn năm
Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội liên quan chặt chẽ với những sự kiện quan trọng và các giá trị biểu đạt văn hoá, nghệ thuật của một quá trình hình thành và phát triển quốc gia độc lập trong gần một thiên niên kỷ, quá trình hình thành một nhà nước hiện đại ở châu Á, trong đó có những tác động của chủ nghĩa thực dân và hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần bất hủ không phải chỉ riêng cho người Việt Nam. Đó là những giá trị về chủ quyền quốc gia, quyền độc lập tự chủ, quyền được xây dựng thể chế chính trị và hệ thống luật pháp riêng của một dân tộc mà nhiều dân tộc trên thế giới đã khao khát và đấu tranh hàng thế kỷ để có được. Những giá trị đó đã lắng đọng tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội trong một khoảng thời gian rất dài, đem lại cho Khu Di sản những tính biểu đạt rất cao đối với các giá trị vật thể và phi vật thể.
Vua Lý Thái Tổ dời đô tới Thăng Long là một bước đi không thể thiếu trong sự nghiệp củng cố nền độc lập của dân tộc Việt. Việc lựa chọn địa điểm thành Đại La của chế độ cũ làm nơi xây dựng kinh đô Thăng Long của quốc gia mới độc lập có ý nghĩa khẳng định chủ quyền và quyền độc lập tự chủ của nhân dân Việt Nam. Trong suốt nhiều thế kỷ tiếp theo, qua quá trình xây dựng và phát triển kinh đô Thăng Long – Hà Nội, ý nhĩa biểu tượng này không bao giờ bị lãng quên.
Những sự kiện lịch sử trọng đại đều để lại dấu ấn trong Khu Di sản. Đó là những cuộc chiến đấu giành độc lập của người Việt Nam từ tay người Trung Quốc, mà từ đó vùng châu thổ sông Hồng trở thành ranh giới giữa Đông Nam Á và Đông Á. Cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc trước cuộc xâm lược của đế chế Mông Cổ vào thế kỷ XIII đã ngăn chặn được sự bành trướng của đế chế tràn xuống Đông Nam Á. Đó là một chiến công vĩ đại của người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của nhà Trần từ Thăng Long.
Năm 1428, Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã chấm dứt 20 năm nhà Minh đô hộ Việt Nam. Nhà Lê đã củng cố thể chế cai trị bằng việc áp dụng nho giáo triệt để hơn. Nho giáo có ảnh hưởng rất rõ đến hình thái quy hoạch và kiến trúc Thăng Long thời kỳ này. Nhà Lê ban hành Bộ luật Hồng Đức, một bộ luật tổng hợp mọi vấn đề cần thiết để cai trị đất nước. Cùng với ban hành luật, nhà Lê cũng tiến hành cải cách bộ máy chính là những giá trị phi vật thể kết tinh trong không gian của Khu Di sản Thăng Long – Hà Nội.
Những tiếp xúc và giao thoa văn hoá Đông – Tây, những cuộc đấu tranh giành quyền lực của thời kỳ thuộc địa cũng đã để lại dấu ấn đậm nét trong Khu Di sản. Nhiều công trình di tích kiến trúc trong khu vực Thành cổ Hà Nội có niên đại từ thời kỳ thuộc Pháp và ảnh hưởng của phong cách đô thị hoá kiểu châu Âu hiện vẫn còn trong khu vực Thành cổ đã thể hiện rõ điều này. Đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám tại Hà Nội và đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, một địa điểm hiện nay thuộc vùng đệm của Khu Di sản.
Việt Nam là quốc gia đã đóng vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và giành độc lập dân tộc trong thế kỷ XX ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Quá trình lịch sử tiêu biểu của cả nhân loại đó cũng được phản ánh bằng những công trình và hiện vật còn hiện hữu trong Khu Di sản Thăng Long – Hà Nội. Đặc biệt là công trình nhà D67 – Di tích cách mạng tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh.
Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội với những giá trị mang tính biểu tượng của mình sẽ giúp thế hệ chúng ta hôm nay cũng như thế hệ mai sau hiểu biết đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về tiến trình phát triển của văn minh Việt Nam trong quá khứ và hiện tại hàng nghìn năm với một quá trình phát triển của chính trị, văn hoá và xã hội một cách nguyên vẹn.
Với những giá trị lịch sử, văn hoá vô giá, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được Bộ Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 2007, được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009. Năm 2010, đúng vào dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá thế giới. Vì vậy, di sản nghìn năm của dân tộc Việt Nam sẽ được gìn giữ, bảo tồn mãi mãi vì lợi ích của cả nhân loại.
Nguyễn Sơn
Nhà xuất bản Hà Nội