Đại thi hào Nguyễn Du, một nhà ngoại giao - văn hóa xuất sắc
Mặc dù tổ tiên của Nguyễn Du có nguồn gốc từ làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam, sau di cư vào Hà Tĩnh, nhưng ông sinh ra, lớn lên và sinh sống phần lớn ở đất Thăng Long. Sử liệu cho biết thời thơ ấu, Nguyễn Du sống trong nhung lụa, lên 3 tuổi, ông được tập ấm (phong hàm do cha làm quan cao cấp) là Hoàng Tín Đại phu, xuất thân là Thành Môn Vệ Úy, tước Thu Nhạc bá. Với cái hàm ấy, mặc dù chưa phải là một vị quan tại chức nhưng Nguyễn Du đã đứng trong hàng sĩ tịch của triều đình nhà Lê. Nhưng khi lên 10 tuổi lần lượt mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc đời Nguyễn Du bắt đầu gặp những sóng gió. Năm 19 tuổi, Nguyễn Du thi đỗ tam trường rồi làm một chức quan võ tận Thái Nguyên. Chẳng bao lâu nhà Lê sụp đổ (1789) Nguyễn Du lánh về quê vợ ở Thái Bình rồi vợ mất, ông lại về quê cha, có lúc giạt lên Bắc Ninh quê mẹ. Chính những năm tháng mà ông gọi là gió bụi đó cũng là quãng thời gian Nguyễn Du sống gần gũi với nhân dân và thấm thía bao nỗi ấm lạnh của kiếp người, đặc biệt là người dân lao động, phụ nữ, trẻ em, cầm ca, ăn mày... Có lẽ từ những gì Nguyễn Du chứng kiến đã gieo vào tâm hồn ông những trải nghiệm quý báu trong tư tưởng cũng như tình cảm. Ở một phương diện nào đó, có thể nói, chính nỗi bất hạnh lớn trong cuộc đời đã hun đúc nên thiên tài Nguyễn Du.
Nói về tài năng, đức độ, tính cách của Nguyễn Du, Đại Nam thực lục chép: “Du là người Nghệ An, học rộng giỏi thơ, càng giỏi về Quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến, sợ hãi như không nói được”. Biết Nguyễn Du là một người tài, vậy nên khi Nguyễn Ánh lên ngôi đã triệu Nguyễn Du ra làm quan. Năm 1813, ông được thăng chức Học sĩ điện Cần Chánh và cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc.
Theo dòng lịch sử thì hầu hết những Chánh sứ đều là người tài giỏi văn thơ, vốn hiểu biết và có tài năng ứng đáp hơn người. Ngoài tài năng, sự thông tuệ thơ ca, Nguyễn Du còn là người am hiểu tường tận đời sống xã hội, con người, phong cảnh đất nước Trung Quốc dưới triều nhà Thanh vào những năm đầu thế kỷ XIX. Vậy nên, chuyến đi sứ là dịp Nguyễn Du bộc lộ hết tài năng cùng học vấn uyên bác của mình.
Trong vai trò là một Chánh sứ, Nguyễn Du ngoài việc hoàn thành sứ mệnh nước Việt sang tuế cống Trung Quốc, trong chuyến đi đó, những sáng tác của ông để lại còn là sự tiêu biểu cho mối tình hòa hữu hai quốc gia. Trong sách Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long - Hà Nội do PGS.TS. Phạm Xuân Hằng chủ biên có dẫn, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn, hiện ở Trung Quốc còn lưu giữ được bộ hồ sơ chí ít gồm 21 văn bản, trong đó có một tư văn của vua nhà Nguyễn gửi Tuần phủ Quảng Tây hỏi ngày giờ sứ bộ Việt Nam được qua cửa Nam Quan; hai tờ bẩm của sứ bộ Nguyễn Du gửi về cho vua nhà Nguyễn tâu trình về công việc của sứ bộ; 18 bản mật tấu của Tuần phủ và Tổng đốc các tỉnh Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, Trực Lệ gửi lên vua Thanh tâu trình về tình hình đi đường và việc đón tiếp, hộ tống sứ bộ Nguyễn Du trong cả đi lẫn về.
Năm 1814 ông đi sứ về, được thăng Hữu tham chi bộ Lễ (hàm Tam phẩm). Năm Canh Thìn (1820) Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi, Nguyễn Du được cử đi làm Chánh sứ lần hai sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng chưa kịp đi thì ông bị bệnh dịch qua đời ở tuổi 54.
Về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du, không ngừng được tìm tòi, nghiên cứu và tính cho đến nay các nhà nghiên cứu đã sưu tầm, biên soạn, phiên âm, dịch chú đầy đủ cả 3 tập thơ chữ Hán của đại thi hào Nguyễn Du. Với sáng tác gắn với việc đi sứ, thì tập thơ Bắc hành tạp lục, bên cạnh mấy bài thơ viết về Thăng Long thì toàn bộ viết về chuyến đi sứ Trung Quốc kéo dài suốt một năm trời (đoàn xuất phát từ năm 1813 đến năm 1814 mới về đến kinh thành. Tập thơ với số lượng 110 đề mục và 120 bài, đề tài đa dạng, tình cảm phong phú, có ý nghĩa kết tinh các giá trị nội dung và nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du.
Khác với nhiều chánh sứ trước đó, Nguyễn Du trên mặt trận ngoại giao không chỉ là việc hoàn thành nhiệm vụ tuế cống mà thành quả lớn nhất của ông trong thực thi nhiệm vụ này phải kể đến những sáng tác thơ ca, đó là phần giá trị văn hóa có tính nhân văn sâu sắc, có sức ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đương thời mà còn cho đời sau.
Linh Chi
Nhà xuất bản Hà Nội