Nguyễn Văn Siêu - Cây đại thụ trong văn đàn Thăng Long - Hà Nội, một nhà hoạt động ngoại giao tiêu biểu triều Nguyễn
Sinh ra ở một làng khoa bảng, làng Lủ, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, thừa hưởng truyền thống quê hương, Nguyễn Văn Siêu là con trưởng nên được cha giáo dục bằng sự hiểu biết sâu rộng về tư tưởng Nho gia ngay từ khi còn nhỏ. Năm 1825, Nguyễn Văn Siêu đỗ Cử nhân. Năm 1838, khoa Mậu Tuất, năm Minh Mệnh thứ 19, Nguyễn Văn Siêu đậu Phó bảng. Sau khi đỗ Phó bảng, Nguyễn Văn Siêu được nhận chức Hàn lâm viện Kiểm thảo (hàm tòng thất phẩm) ở Viện Hàn lâm, cơ quan có nhiệm vụ khởi thảo công văn triều đình ban hành gồm chế, chiếu, biểu… Cơ duyên gắn với nhà hoạt động đối ngoại đến với Phó chánh sứ Nguyễn Văn Siêu đó là khi vua Tự Đức lên ngôi. Vào năm 1849, ông được cử làm Phó sứ sang cống nhà Thanh (Trung Quốc).
Vốn mến mộ tài năng của Nguyễn Văn Siêu, trước khi đoàn sứ lên đường, vua Tự Đức đã có dặn riêng ông rằng: “Khanh học vấn uyên bác, chuyến này sang sứ, xem xét non sông, phong tục, nên ghi chép kỹ, khi về tiến lãm”. Chuyến đi sứ năm ấy, Nguyễn Văn Siêu trong vai trò là Phó sứ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, mà ông còn thoả nguyện vua Tự Đức khi dâng quyển Vạn lý tập dịch trình tấu thảo.
Nguyễn Văn Siêu, người dựng nên Đài Nghiên, Tháp Bút - biểu tượng khẳng định học vấn và trí tuệ sẽ dẫn con người vươn tới hạnh phúc, áo cơm, độc lập, tự cường, dân chủ, văn minh. Tuy sử liệu nói về chuyến đi sứ của Nguyễn Văn Siêu không nhiều, nhưng với quyển Vạn lý tập dịch trình tấu thảo để lại khẳng định ông có công lao, đóng góp không nhỏ cho nền ngoại giao và văn hoá nước nhà.
Khánh Linh
Nhà xuất bản Hà Nội