Người tổ chức đường dây liên lạc đầu tiên của Đảng
Nguyễn Công Thu sinh năm 1894 tại xã Vũ Trung huyện Vũ Thư, Thái Bình trong một gia đình yêu nước. Bố là Nguyễn Mậu Kiến, địa chủ phá sản đã từng tham gia phong trào Cần Vương. Hồi nhỏ, Nguyễn Công Thu học chữ nho, sau mới học chữ quốc ngữ. Đến năm 1913 khi được 19 tuổi, anh xây dựng gia đình ở rể tại Thanh Hoá và theo học trường Pháp - Việt thị xã.
Nguyễn Công Thu thường hay lui tới nhà ông Đinh Chương Dương, một nhân sĩ yêu nước, hội viên của Việt Nam Quang phục hội, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hoá. Năm 1924, Đinh Chương Dương đã đưa Lê Hữu Lập, một thanh niên đồng hương sang Trung Quốc, tìm bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng. Lê Hữu Lập gặp Hồ Tùng Mậu ở Đông Hưng rồi cùng về Quảng Châu. Năm 1925, Lê Hữu Lập được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ cách mạng và giao nhiệm vụ về nước tuyên truyền, lựa chọn người tích cực, nhiệt tình sang Quảng Châu học tập. Ông Đinh Chương Dương đã giới thiệu Nguyễn Công Thu với Lê Hữu Lập.
Trong khoảng thời gian đó, Nguyễn Công Thu thường lên Nam Định đến nhà người chị họ, là bà Trần Song Ứng - thường được gọi là bà ấm Kiểm, con gái ông Nguyễn Hữu Cương, một sĩ phu yêu nước. Đi lại với gia đình này còn có những thanh niên có họ hàng, bạn bè với Nguyễn Công Thu như Nguyễn Danh Tề, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Danh Đới. Với bí danh là Hoàng (Lê Hữu Lập còn có tên là Nguyễn Văn Lộc, Hoàng Lùn (để phân biệt với đồng chí Lê Quảng Đạt là Hoàng Cao). Lê Hữu Lập đã gặp Nguyễn Công Thu và bàn định cách đi ra nước ngoài.
Vượt qua những thiếu thốn về tiền bạc, điều kiện đi lại nhưng Nguyễn Công Thu cùng với Nguyễn Danh Thọ đã đến được Quảng Châu dự lớp huấn luyện. Sau lớp huấn luyện, đồng chí Nguyễn Ái Quốc phân công một số cán bộ về nước hoạt động ở Trung kỳ, Nam kỳ. Nguyễn Công Thu và Nguyễn Danh Thọ về Bắc kỳ công tác. Đến tháng 10/1926, đồng chí Nguyễn Công Thu về đến Hà Nội. Nhớ lại những điều đồng chí Nguyễn Ái Quốc căn dặn, đồng chí Nguyễn Công Thu tìm đến cơ sở của đồng chí Vương Văn Mùi ở ngõ Tân Hưng. Trở về Hà Nội lần này, đồng chí Thu nhận chỉ thị tiếp tục xây dựng cơ sở, đưa người ra huấn luyện và tích cực xúc tiến việc lựa chọn những thanh niên đã giác ngộ để thành lập tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên. Qua quá trình tuyên truyền giác ngộ và thử thách, cuối năm 1926 đồng chí đã thành lập được một chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở Hà Nội. Đồng thời, đồng chí còn chú ý xây dựng nhiều cơ sở liên lạc, trạm đón tiếp bí mật đón nhận các hội viên ở khắp cả nước về Hà Nội để từ đầu mối này chuẩn bị con đường xuất dương đến Quảng Châu: số 8 Ô Chợ Dừa, số 37 ngõ Tân Hưng, số 47 Résident Miribel (Trần Nhân Tông), Bến ô tô cột đồng hồ (Trần Nhật Duật), Ga Hàng Cỏ, Khách sạn Nam Lai, 95 Hàng Lọng (nay là 107 đường Giải Phóng).
Năm 1927, đồng chí Nguyễn Công Thu tích cực vận động thanh niên đi Quảng Châu. Công việc ngày càng lớn, người đi ngày càng nhiều nên đồng chí Thu đã vận động được nhiều người đưa đường, làm giao thông. Đồng chí và các hội viên ở cơ sở đã thuyết phục được cả lính dõng tuần đinh tham gia đưa đường và bảo vệ cho anh em. Đường đi vượt biên giới phải thay đổi luôn để giữ tuyệt đối an toàn. Đồng bào biên giới bất chấp gian khổ, khó khăn ủng hộ chia sẻ và nuôi hàng trăm cán bộ. Đến cuối năm 1927, do tình hình biến động ở Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Công Thu trở về hoạt động ở Hải Dương.
Với những cống hiến của mình và tổ công tác chuyển chỉ thị, sách báo cộng sản và tác phẩm Đường kách mệnh về nước. Nhiều thanh niên ưu tú trong đó có nhiều đồng chí sau này trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng ta như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới, Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Lý Hồng Nhật, Nguyễn Sản…
Khoảng 200 thanh niên được huấn luyện ở Quảng Châu, trong đó có 120 người do đồng chí Nguyễn Công Thu cùng tổ giao thông đưa đi huấn luyện là cống hiến không nhỏ cho cách mạng Việt Nam ở buổi ban đầu. Ngoài việc đưa đón người, giao nhận tài liệu đồng chí Nguyễn Công Thu còn vận động được nhiều quần chúng ủng hộ cách mạng, xây dựng cơ sở cho cách mạng sau này. Những kinh nghiệm giao thông của đồng chí cũng đã được phổ biến cho các chiến sĩ giao thông các tuyến đường Hà Nội – Long Châu - Quảng Châu sau này trong những 1927-1930.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chọn đồng chí Nguyễn Công Thu làm giao thông cho cách mạng. Từ nhiệm vụ đó đồng chí Nguyễn Công Thu đã tổ chức thành lập chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở Hà Nội. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức to lớn, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào yêu nước theo xu hướng cộng sản, thúc đẩy phong trào yêu nước theo xu hướng cộng sản, thúc đẩy phong trào cách mạng ở Hà Nội bước vững chắc cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Đồng chí Nguyễn Công Thu thật xứng đáng với sự lựa chọn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Vũ Tiến
Nhà xuất bản Hà Nội