Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 11/01/2016 09:51
Nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước: Nhà số 5D Hàm Long

Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) kết thúc, Cách mạng tháng Mười Nga thành công, hệ thống thuộc địa của đế quốc đã rạn nứt, suy yếu, phong trào giải phóng dân tộc lúc này có cơ hội vùng lên mạnh mẽ. Ở Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ hai, tăng cường áp bức, bóc lột nhân dân ta. Với Hà Nội chúng tập trung vào việc phát triển một số ngành kinh tế: sửa chữa, phục vụ… mở mang một số xí nghiệp, đồng thời tăng cường bộ máy bạo lực để cai trị nhân dân ta.

 
Tình hình trên làm cho bộ mặt của Hà Nội thay đổi nhanh chóng. Cơ cấu giai cấp có sự biến động mới. Thái độ chính trị và địa vị lịch sử của mỗi giai cấp trong xã hội thành thị thuộc địa nửa phong kiến được định hình ngày càng rõ rệt. Phong trào yêu nước mang tính chất dân chủ tư sản theo hai khuynh hướng bạo động và cải lương đã lần lượt thất bại. Nhưng với ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga cùng quá trình tiếp nhận ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào yêu nước và cách mạng ở Hà Nội tiếp tục dâng lên. Hà Nội là trung tâm của phong trào yêu nước ở Bắc kỳ. Phong trào đấu tranh chính trị ở Hà Nội mang tính chất dân tộc và dân chủ công khai rộng rãi bao gồm mọi tầng lớp nhân dân thành phố, trong đó các tầng lớp tiểu tư sản thành thị đóng vai trò quan trọng, mà đi đầu là tầng lớp thanh niên học sinh. Phong trào đấu tranh từ thành thị toả về các vùng nông thôn xung quanh với những hình thức đấu tranh mới. Mở đầu là cuộc đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926), đưa đám cụ Lương Văn Can (1927)… thể hiện lòng yêu nước tha thiết của người dân Hà Nội với vận mệnh của Tổ quốc. Từ trong phong trào yêu nước một lớp thanh niên tiên tiến xuất hiện, với đầy nhiệt huyết cùng khát khao độc lập tự do, họ hăng hái đi tìm con đường đấu tranh mới.
 
Bên cạnh các phong trào yêu nước của các tầng lớp thanh niên, học sinh… giai cấp công nhân Hà Nội đã có những cuộc đấu tranh sôi nổi với nhiều hình thức riêng của mình. Năm 1919 bùng nổ cuộc bãi công của một số công nhân nhà in; giữa năm 1922 công nhân viên chức các sở Bắc kỳ - trong đó công nhân viên chức Hà Nội giữ vai trò quan trọng, đấu tranh với chủ đòi nghỉ ngày chủ nhật hưởng lương. Năm 1924, công nhân nhà máy Rượu Hà Nội bãi công đòi đuổi tên giám đốc người Pháp; viên chức nhà băng Đông Dương đấu tranh đòi đuổi hai nhân viên (một người Việt và một người Ấn Độ). Phong trào công nhân tiếp tục vươn lên, ý thức giai cấp, trình độ tổ chức, quy mô đấu tranh được nâng cao thêm một bước. Đội ngũ công nhân trở thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ, tạo ra cơ sở xã hội cho sự chuyển hướng của phong trào yêu nước và cách mạng ở Hà Nội.
 
Từ trong phong trào yêu nước và cách mạng sôi nổi trong cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng đã xuất hiện nhiều tổ chức chính trị ở Hà Nội. Đầu năm 1925, Việt Nam Nghĩa đoàn - một tổ chức yêu nước của nhóm sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội ra đời; cuối năm 1926, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập; tháng 12/1927, Việt Nam Quốc dân Đảng - một tổ chức chính trị có xu hướng dân tộc của giai cấp tư sản cũng được thành lập, nhưng trong đó vài trò của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên là có ảnh hưởng quyết định nhất đến xu hướng phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng ở Hà Nội lúc đó.
 
Dù thực dân Pháp cố tình bưng bít, xuyên tạc nhưng ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn được chiếu rọi vào Việt Nam - một xứ sở đang rên xiết dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân đế quốc, một dân tộc đang anh dũng vùng lên đấu tranh để tự giải phóng mình. Lúc này, các sách báo, tài liệu cách mạng từ Trung Quốc, Pháp theo con đường bí mật, bất hợp pháp đã được đưa vào Việt Nam như: Người cùng khổ, Bản án chế độ thực dân Pháp… Những thanh niên tiêu biểu cho phong trào yêu nước ở Hà Nội đã đón nhận và khao khát tìm đọc, bất chấp sự khủng bố gắt gao của kẻ thù. Đó là học sinh các trường Bưởi, Cao đẳng Sự phạm, Cao đẳng Thương mại, Kỹ thuật thực hành… với các đồng chí: Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Trần Đăng Huyến, Nguyễn Văn Cừ, Lều Thọ Nam, Trần Tích Chu, Phạm Văn Đồng…
 
Từ năm 1928, khi có phong trào “Vô sản hoá” thì giai cấp công nhân mới thực sự chiếm vị trí quan trọng trong phong trào yêu nước. Tháng 9/1928 Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản họp thông qua đề cương về cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Khẳng định việc giải phóng các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là sự nghiệp sống còn của các dân tộc và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Các nghị quyết của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tiến tới thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở Hà Nội. Ý muốn lập Đảng Cộng sản, một tổ chức chặt chẽ hơn có cương lĩnh rõ ràng hơn mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của phong trào cách mạng là hết sức cấp thiết.
 
Cuối tháng 3/1929, những thanh niên tiên tiến trong Kỳ bộ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp ở số nhà 5D Hàm Long, Hà Nội thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở trong nước. Nhà 5D Hàm Long là một trong 4 nhà 5A, 5B, 5C, 5D của một gia đình tư sản cho thuê. Kỳ bộ Bắc kỳ đã thuê nhà 5D làm trụ sở bí mật và giao cho đồng chí Trần Văn Cung (Quốc Anh) cùng vợ là Nguyễn Thị Liên đến ở và trông nom ngôi nhà. Nhà có 1 phòng 24m2, sau có sân nhỏ, bếp và nhà vệ sinh. Đồ đạc chỉ có một bộ tràng kỷ và chiếc hòm hai đáy dùng để cất giấu tài liệu. Ban đêm, đồng chí Cung thường dùng mặt hòm làm bàn để làm việc. Chi bộ 5D Hàm Long gồm 8 người: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân (hai người này sau phản bội)… Đồng chí Trần văn Cung (Quốc Anh) được cử làm Bí thư chi bộ. Chi bộ đã chủ trương:
 
- Đưa vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ra Đại hội đại biểu thanh niên Bắc kỳ lần thứ hai để vận động các đại biểu tán thành.
 
- Vận động các đại biểu địa phương bầu những đồng chí của chi bộ làm đại biểu đi dự Đại hội thanh niên toàn quốc để đưa vấn đề thành lập Đảng ra bàn ở Đại hội.
 
- Chi bộ có trách nhiệm thông qua Kỳ bộ Thanh niên để lãnh đạo các phong trào và phát triển tổ chức công hội, nông hội, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin.
 
Chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước được thành lập tại Hà Nội là một thắng lợi quan trọng của tư tưởng vô sản trong cuộc đấu tranh với tư tưởng phi vô sản và các xu hướng quốc gia khác. Đây là bước chuẩn bị để tiến tới thành lập một Đảng Cộng sản chính thức ở Việt Nam.
 
 
Nguyệt Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)