Nguồn gốc phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội
Muốn xác định phong tục tập quán của một vùng thì điều đầu tiên là phải tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành và đặc tính của cộng đồng dân cư vùng đó. Cư dân Thăng Long - Hà Nội thật không thuần nhất. Dải đất này có bao nhiêu dòng họ hiện diện từ ngày khai sinh và tồn tại đến nay là một câu hỏi không có lời đáp. Chỉ hỏi có bao nhiêu gia đình hiện diện tại Hà Nội từ khi bắt đầu là kinh đô Thăng Long (1010) thì cũng khó có một đáp án chính xác.
Luồng nhập cư vào Thăng Long - Hà Nội diễn ra thường xuyên. Dân “tứ chiếng” đổ về Thăng Long - Hà Nội làm ăn. Ngoài ra còn có một số nguồn cư dân khác gia nhập vào cộng đồng Thăng Long - Hà Nội, đa số là người Hoa, rồi đến người Chăm từ phương Nam ra. Luồng nhập cư liên tục và mạnh mẽ như vậy chắc chắn dẫn đến xáo trộn. Có bao nhiêu thế hệ “tứ chiếng” ấy kéo về Thăng Long sinh cơ lập nghiệp, lập ra các phố phường trải qua chiều dài của hàng chục thế kỷ. Tất nhiên, bấy nhiêu thế hệ đã đem đến Thăng Long - Hà Nội những lề thói của địa phương mình song chung đúc lại, chắt lọc ra, hòa với người Thăng Long bản địa tạo nên cái phong tục riêng của Kinh kỳ, cái mà tục ngữ gọi là “đất lề quê thói”. Cứ thế, trải qua nghìn năm, miền đất đẹp đẽ, linh thiêng Thăng Long - Hà Nội đã thành một vùng văn hóa với phong tục tập quán nảy sinh từ sự hòa hợp các cư dân của nhiều miền hội tụ về.
Ở vào thời điểm khai sinh kinh thành Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã chỉ ra đặc trưng quan trọng và cơ bản của đất và người ở nơi đây, khi ấy “… Muôn vật rất thịnh và phồn vinh… thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời” (Chiếu dời đô). Rõ ràng đó là đặc trưng nổi bật của một đô thị. Một đô thị như thế tất sẽ có một hệ thống phong tục tập quán riêng. Người ta dễ nhận thấy trong nếp sinh hoạt của người dân nơi đây những nét khu biệt, đặc thù so với hệ thống phong tục tập quán ở các vùng văn hóa khác. Và khi sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào những năm thế kỷ XIX, nhận xét: “Tập tục thích xa hoa… việc tang tế phần nhiều xa xỉ quá mức, đua nhau làm cỗ bàn để khoa trương, có cái bánh bề ngang hàng thước, người có việc mời khách, nếu rượu thịt không đầy đủ, liền bị trách móc chê bai…” thì đó chính là sách ấy nói về một “Hà Nội là kinh đô xưa, nguyên trước có ba mươi sáu phường phố, nay ở phía Đông Nam tỉnh thành, gồm hai mươi mốt phố, nhà ngói như bát úp, tụ họp các mặt hàng, nhân vật cũng phồn thịnh…”. Và những nhận xét ấy đã cho thấy rõ tính chất đô thị - thành thị của hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội. Những phong tục nảy sinh từ giới quý tộc giữa đô thị kinh thành. Cấm thành - vùng cư trú và bảo vệ cho hoàng đế, hoàng gia và cũng là nơi thiết triều) và bao bọc Cấm thành là Hoàng thành - khu có dinh thự các công hầu khanh tướng, những thị dân - quan lại. Những phong tục tập quán của giới quý tộc giữa kinh thành sẽ tiếp tục lan tỏa ra ngoài. “Ngoài” nói ở đây là khu cư dân sĩ nông công thương, những thị dân - bình dân. Họ là dân bản địa Thăng Long nhưng một số không ít là từ bốn phương kéo về làm các nghề như dạy học (thầy đồ), nghề thủ công và buôn bán. Họ được che chở bằng vòng thành thứ ba mà nhiều nhà sử học gọi là Kinh thành.
Như vậy Thăng Long - Hà Nội có hệ thống phong tục tập quán được sản sinh từ hai nguồn lực mà không phải đâu cũng có được. Một là từ bộ phận đông đảo, đa dạng về nguồn gốc. Hai là cuộc sống ở chốn đô thị phồn vinh, có căn cốt là một đô thị hàng đầu của đất nước kết hợp với văn hóa cung đình, quý tộc và văn hóa dân gian. Cả hai yếu tố “con người” và “cõi đất” đã cùng nhau tạo nên một sắc thái văn hóa nói chung, một hệ phong tục tập quán nói riêng, chỉ riêng ở chốn Kinh kỳ này mới có.
Ngô Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội