Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 18/01/2016 05:00
Nơi thành lập chi hội Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở Hà Nội

Dịch Vọng Trung là nơi thành lập chi hội Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở Hà Nội. Chi hội Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên được thành lập ở Hà Nội có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào yêu nước, góp phần thúc đẩy và mở rộng phong trào cách mạng ở Hà Nội.

 
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp, với những ảnh hưởng đầu tiên của Cách mạng tháng Mười Nga và ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào cách mạng ở trong nước và Hà Nội có những chuyển biến rất quan trọng, trong đó nét đặc biệt nhất là sự xuất hiện các tổ chức yêu nước có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Sau những năm tháng bôn ba khắp chân trời góc bể để tìm đường cứu nước cho dân tộc, cuối năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động, trực tiếp chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng. Tháng 6/1925, từ nhóm cách mạng đầu tiên, Người lập ra tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước tiến bộ ở Việt Nam có xu hướng cộng sản chủ nghĩa và mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cho phong trào. Những thanh niên tiên tiến ở trong nước và Hà Nội đã lần lượt lên đường sang dự lớp huấn luyện.
 
Sau khi được đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức huấn luyện ở Quảng Châu, các cán bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được cử về nước hoạt động đã tuyên truyền giác ngộ được một số thanh niên yêu nước. Vào một ngày cuối năm 1926, đồng chí Nguyễn Công Thu đã triệu tập cuộc họp tại nhà hội viên Tạ Đình Tán ở làng Dịch Vọng Trung (nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) tuyên bố thành lập Chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên khu vực Hà Nội. Chi hội có 11 hội viên do đồng chí Nguyễn Công Thu là Bí thư. Chi hội gồm các đồng chí: Nguyễn Công Thu (Bí thư); Nguyễn Phong Sắc, Vi Nam Sơn, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Danh Thọ, Mai Lập Đôn, Đỗ Mạnh Hàm, Vương Văn Mùi, Tạ Đình Tán, Mai Ngọc Thiệu, Tạ Đình Tân.
 
Trong số hội viên của Chi hội quê ở huyện Từ Liêm có Tạ Đình Tán (ở Dịch Vọng Trung). Là một giáo viên tiểu học yêu nước, anh chịu ảnh hưởng nhiều sách báo cách mạng của Trung Quốc và đã trực tiếp tham dự các cuộc đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1925) và phong trào để tang Phan Chu Trinh (1926) ở Hà Nội.
 
Khoảng năm 1924-1925, Tạ Đình Tán cùng Đỗ Mạnh Hàm - một thanh niên yêu nước làm công chức vẽ bản đồ cho Pháp (ở Xuân Tảo), dịch hai cuốn sách cách mạng của Trung Quốc là Trung Hoa quang phụcHồng Phấn địa ngục (hồi ký và cách mạng Tân Hợi) để tuyên truyền cách mạng cho thanh niên Việt Nam. Tạ Đình Tán đã giao hai bản dịch cho người em ruột cũng là một thanh niên yêu nước là Tạ Chu Tân lúc đó đang làm ở toà soạn Thực nghiệp dân báo để xuất bản. Khi hai cuốn sách in xong vừa ra mắt bạn đọc thì bị nhà cầm quyền Pháp ra lệnh cấm lưu hành và tịch thu toàn bộ. Chúng còn cho tay chân đi truy tìm cả những cuốn do những thanh niên yêu nước đã đưa nhanh đến các hiệu sách.
 
Khi chi hội đầu tiên được thành lập, các hội viên đã tích cực tuyên truyền giác ngộ cách mạng và kết nạp được một số hội viên mới ở Phú Xá, Xuân Tảo… Các anh lập ra các thư xã bí mật, tổ chức đọc sách báo cách mạng ở Dịch Vọng Hậu và Xuân Tảo; vận động một số thanh niên ra nước ngoài làm cách mạng; quyên tiền ủng hộ học sinh bãi khoá đấu tranh chống Pháp.
 
Từ đó cho đến năm 1929, nhà anh Tạ Đình Tán là nơi đi lại, ăn ở hội họp của các cán bộ lãnh đạo Hội, như: Nguyễn Công Thu, Trịnh Đình Cửu, Mai Lập Đôn… Đây cũng là nơi in tài liệu, truyền đơn bí mật, mở các lớp huấn luyện chính trị ít người, ngắn hạn cho các hội viên mới. Cuối năm 1929, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã rải  truyền đơn phản đối tên trùm mộ phu Ba danh (Bazin). Truyền đơn được in tại nhà đồng chí Tạ Đình Tán; các đồng chí Nguyễn Công Thu, Đặng Châu Tuệ làm nhiệm vụ phân phát truyền đơn cho các tỉnh.
 
Chi hội Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên được thành lập ở Hà Nội có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào yêu nước, góp phần thúc đẩy và mở rộng phong trào cách mạng ở Hà Nội.
 
 
Trần Sơn
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)