Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội: Chi bộ Đông Phù
Cuối 1926, một sự kiện có nhiều tác động đến phong trào ở Đông Phù: chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên của Hà Nội được thành lập. Cuối 1927 đầu 1928, nhiều nơi ở Thanh Trì, Hoài Đức đã có cơ sở Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Khoảng 1927 – 1929 ở Đông Phù có tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng gồm các ông Hiếu, Nguyễn Hữu Bàng, ông Đồ Dung, ông Thầu… do ông Hiếu làm uỷ viên. Tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng lúc mới thành lập là một tổ chức yêu nước và cách mạng nên có ảnh hưởng nhất định đến phong trào cách mạng của địa phương. Sau một thời gian hoạt động, vì tổ chức này quá lỏng lẻo, không được đông đảo quần chúng tham gia, nên khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại thì tổ chức này cũng ngừng hoạt động.
Cùng năm 1929, đồng chí Phạm Chất (người thôn Đông Phù) đã từng hoạt động cách mạng ở nơi khác và là một học sinh có hiểu biết, thường xuyên tiếp xúc với anh ruột mình: đồng chí Phạm Gia, lúc đó hoạt động trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Nam Định. Khi thôi học về làng, đồng chí đã tìm mọi cách tuyên truyền giác ngộ hai người cùng làm thợ sơn là Nguyễn Duy Tứ và Nguyễn Hữu Bằng và lập ra tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên của Đông Phù gồm: đồng chí Phạm Chất, Nguyễn Duy Tứ, Nguyễn Hữu Bằng… Tổ chức này ra đời đánh dấu một bước chuyển biến mới trong phong trào yêu nước của nhân dân địa phương. Đây cũng là mầm mống cách mạng đầu tiên của quê hương Đông Phù.
Trong một thời gian, Đông Phù có hai tổ chức yêu nước và cách mạng cùng tồn tại, nhưng qua những hoạt động cụ thể thấy được đường lối đúng đắn của “Thanh niên”, những người tiên tiến trong các tổ chức cách mạng trên dần dần tập hợp hầu hết trong tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên.
Trong lúc phong trào cách mạng của địa phương đang phát triển thì tháng 3/1929, chi bộ 5D Hàm Long – chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước được thành lập tại Hà Nội. Tiếp đó Đảng Cộng sản Việt nam ra đời ngày 3/2/1930 và đến tháng 3/1930, Thành uỷ lâm thời Hà Nội được thành lập, các sự kiện trên đã có tác động đến phong trào cách mạng ở Đông Phù. Thành uỷ Hà Nội đẩy mạnh xây dựng tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng trong thành phố. Tuy rất chú ý đến việc kiện toàn tổ chức ở các nhà máy, xí nghiệp trong nội thành nhưng Thành uỷ vẫn quan tâm đến các tổ chức cách mạng ở vùng ngoại thành trong đó có Đông Phù. Quan hệ trực tiếp với phong trào Đông Phù là đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ (tức Phương, Phan) lúc đó là uỷ viên của Thành uỷ lâm thời, đến tháng 6/1930 là Bí thư chính thức Thành uỷ Hà Nội.
Giữa lúc đó đồng chí Phạm Gia là cán bộ của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên hoạt động ở Trực Ninh, Nam Định trở về địa phương (đồng chí đã bị bọn đế quốc kết tội hai năm tù treo và quản thúc tại địa phương). Đồng chí đã tập hợp, giác ngộ quần chúng, gây dựng phong trào cách mạng. Năm 1930 tại quê nhà, đồng chí mở lớp dạy học để sinh sống, đồng thời bắt mối liên lạc hoạt động cách mạng.
Trong quá trình hoạt động, đồng chí Trường Chinh nắm được tình hình của Đông Phù nên đã báo cáo với đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ. Sau khi kiểm tra tình hình, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ đã gặp đồng chí Phạm Gia và giao cho đồng chí Gia lập chi bộ cộng sản Đông Phù. Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ thường xuyên đến Đông Phù bằng cách mua hàng tạp hoá về cho vợ (đồng chí Chất bán) che mắt địch để dễ dàng hoạt động.
Theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ, khi về làng đồng chí Gia trực tiếp lao động, hoạt động với các nhóm thanh niên yêu nước trong các tổ chức quần chúng như nhóm thợ làm hương, thợ sơn, học sinh, kể cả nhóm Quốc dân Đảng. Quần chúng được tuyên truyền giác ngộ dần dần gia nhập công hội, nông hội đỏ. Qua thử thách thực tế hoạt động, đồng chí Gia đã mời một số đồng chí trung kiên đến họp tại nhà đồng chí Bằng (khoảng tháng 5/1930) thảo luận, bàn việc lập chi bộ. Sau cuộc thảo luận sôi nổi, một chi bộ cộng sản được thành lập tại nhà đồng chí Bằng gồm 7 đồng chí: Phạm Gia, Phạm Thượng Chi (tức Đồ Duy), Phạm Chất, Nguyễn Hữu Bằng, Nguyễn Duy Tứ, Lê Ngọc Lượng, Tạ Hoàng Cơ do đồng chí Phạm Gia làm Bí thư.
Chi bộ cộng sản ra đời là kết quả trực tiếp của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Đông Phù và là chi bộ cộng sản đầu tiên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. Ngay khi mới ra đời, chi bộ đã quyết tâm phải dấy lên một phong trào cách mạng mới ở địa phương. Sớm thấy tầm quan trọng của việc vận động quần chúng, chi bộ giao cho mỗi đồng chí phải tổ chức một hội quần chúng phù hợp nhằm rèn luyện, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lựa chọn những người tốt để chuyển sang Đảng. Trong những năm 1930 – 1931 phong trào bị địch khủng bố gắt gao, tình hình cách mạng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, chi bộ vẫn cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình, tập hợp quần chúng dưới hình thức các tổ chức thấp, lập các hội tuỳ theo phong tục, tập quán của địa phương như: Hội Sư tử, kèn Tây. Hội này do đồng chí Phạm Chất tổ chức, chọn thanh niên khoẻ mạnh. Mục đích bí mật của Hội là lợi dụng tập múa sư tử để tập võ nghệ.
Hội sưu cũng được thành lập. Các thành viên trong hội góp tiền giúp nhau đóng sưu, đó là cơ hội tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Hội thợ hương do đồng chí Tạ Hoàng Cơ tổ chức đã tập hợp anh em thợ hương đông đảo trong vùng vừa tổ chức sản xuất lấy tiền sinh sống, giúp đỡ nhau lúc gặp khó khăn, vừa tuyên truyền vận động cách mạng. Ảnh hưởng của hội này rất rộng, lan đến tận làng Tự Nhiên (thuộc Thường Tín). Hội bát âm để phục vụ bà con thôn xóm lúc lễ tết, đình đám, ma chay cũng được tổ chức. Tuy hướng vào những đối tượng khác nhau nhưng các hội này đều nhằm mục đích vạch tội ác đế quốc, phong kiến đối với quần chúng.
Chi bộ Đông Phù đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh dưới nhiều hình thức, qua đó tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng. Chi bộ còn tổ chức in và rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung “Người cày có ruộng” và kêu gọi ủng hộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Đáng chú ý nhất là chi bộ đã tổ chức hai cơ sở để tự in truyền đơn bằng thạch ở nhà đồng chí Bằng (Đông Phù) và một gia đình ở Huỳnh Cung. Các hình thức đấu tranh bí mật đó đã nâng cao tinh thần cách mạng của quần chúng, cổ vũ họ công khai trực diện đấu tranh với bọn cầm quyền, làm đơn kiện bọn chúng.
Sự ra đời của chi bộ Đông Phù và các tổ chức quần chúng chứng tỏ sức mạnh to lớn của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản ngay từ buổi đầu thành lập. Mặc dù thời gian tồn tại không lâu và ảnh hưởng của nó có mức độ nhất định, song từ trong phong trào cách mạng, Đông Phù đã có một đội ngũ đảng viên được rèn luyện, một lớp quần chúng trung kiên luôn giữ vững tinh thần cách mạng. Chính các tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng là nhân tố tích cực góp phần vào việc hình thành và phát triển phong trào những năm 1934-1935 và đóng góp đáng kể cho bước phát triển mới của cách mạng thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939 ở vùng Hà Nội, Hà Đông.
Trung Sơn tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội