Hương ước, tục lệ chốn Thăng Long
Trong cuộc sống hàng ngày từ lao động sản xuất đến các sinh hoạt văn hóa tập tục, đã không ngừng phát sinh ra mâu thuẫn, do vậy cần phải có những nguyên tắc, điều lệ nhằm điều chỉnh, giải quyết những mâu thuẫn đó; những nguyên tắc, điều lệ đó chính là hương ước tục lệ. Nội dung của các bản hương ước, tục lệ phản ánh một hoặc đầy đủ các sinh hoạt xã hội của nông thôn Việt Nam xưa, từ các hoạt động văn hóa tâm linh đến các hoạt động đời sống hàng ngày như lao động sản xuất, học tập hướng nghiệp, bảo vệ trật tự an ninh, các tập tục cưới xin, chúc mừng, khao vọng… sau này khi có hương ước cải lương thì nội dung được khoanh vào 4 vấn đề chính là: xử phạt, chia ruộng tốt, thờ thần và chính trị xã hội. Mỗi bản hương ước sẽ là thước đo, là tiêu chuẩn của công lý, là quy tắc cao nhất của các làng xã để điều chỉnh kỷ cương, để giữ gìn thuần phong mỹ tục. Hà Nội vốn là mảnh đất “Trăm nghề”, mà ở các phố làm nghề thủ công hoặc buôn bán thì nhu cầu đòi hỏi có hương ước càng tỏ ra bức xúc hơn. Bởi ở phố phường mật độ dân cư đông đúc hơn, các va chạm trong cuộc sống thường nhật xảy ra nhiều hơn, nên rất cần có ước lệ. Bởi vậy, không có gì làm lạ khi Thăng Long – khu vực tập trung đông dân, kinh tế văn hóa phát triển ấy lại sớm xuất hiện nhiều văn bản hương ước tục lệ như vậy. Các bản hương ước này đều do chính người dân địa phương đứng ra xây dựng cho riêng mình. Đồng thời trải qua hàng ngàn năm, những điều khoản không còn đủ giá trị để điều hành các sinh hoạt của người dân nữa thì sẽ bị gạt bỏ, thay vào đó là các điều khoản tiến bộ hơn, giúp ích cho đời sống xã hội. Và các điều khoản ấy thực sự phong phú, đa dạng như chính cuộc sống của cư dân Hà thành.
Có trường hợp hương ước được đặt ra chỉ vì một nguyên nhân cụ thể gây ra bức xúc cần có điều lệ để giải quyết ngay; có khi là lập văn bản cố định lại những tục lệ đã đặt ra từ trước nhưng chỉ là truyền khẩu và do quá trình thi hành có nhiều sai sót gây tranh cãi làm ảnh hưởng đến tình cảm làng xóm; hoặc một lý do rất đơn giản là do văn bản hương ước tục lệ cũ để lâu bị rách nát, phải sao chép lại và trong quá trình sao chép sẽ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tại như khoán lệ của xã Hạ Hồi, huyện Từ Liêm vốn có từ cổ song do bị rách nên đến ngày 2 tháng 9 năm Tự Đức thứ 11 (1858) dân làng mới soạn lại thành 2 bản, một bản giao cho các quan viên giữ để thi hành, một bản bỏ vào tráp gỗ cất giữ ở đình. Hàng năm vào ngày bàn giao sổ sách thì viên đương cai trong năm đem ra đọc tại đình, mãi mãi giữ làm lệ… Như vậy, rõ ràng là hương ước tục lệ của các làng xã thời xưa không chỉ lập ra một lần là cố định mãi. Bởi lẽ xã hội luôn biến động, đời sống của cư dân cũng có những đổi thay thường xuyên như đất đai được mở rộng, dân số gia tăng… do vậy các điều ước cần được bổ sung và thay đổi cho phù hợp.
Sách Hồng Đức thiện chính thư ghi lại điều luật do vua Thánh Tông ban hành ngày 20 tháng 4 năm 1476: “Nhà nước đặt ra điều luật để mọi người làm căn cứ vào đó mà thi hành giúp cho nhân dân cả nước an khang thịnh đạt, do vậy không nhất thiết phải đặt ra khoán ước riêng. Nếu như trong dân gian muốn ngăn ngừa các tệ nạn, khuyên răn người ta cải tà quy chính, vứt bỏ các thói xấu mà đặt ra khoán ước riêng thì phải nhờ cậy những người có đức hạnh, có học thức thì khoán ước đó mới ban bố cho thi hành. Đồng thời khoán ước đặt ra đó phải trình lên trên xem xét lại các điều khoản ấy có hợp với tập tục hay không thì mới cho phép thi hành. Nếu thấy trong khoán ước có ý đặt ra để mưu lợi riêng tư thì phải bác bỏ để tránh nảy sinh mưu kế tà gian. Trường hợp người nào lén lúc đặt ra tư ước riêng thì cho phép dân xã tố cáo lên để trị tội nhằm gạt bỏ tục xấu”.
Như vậy, những người tham gia xây dựng hương ước tục lệ cho làng xã là những chức dịch trong làng như xã trưởng, thôn trưởng, khán thủ, hương trưởng và các vị kỳ lão hoặc những vị quan triều về hưu tại quê; họ là những người có trình độ văn hóa nhất định. Nhiều làng khoa bảng khi lập ra khoán ước của hội tư văn thì hoàn toàn do các vị chức sắc quan triều đảm nhiệm. Chẳng hạn như khoán ước của Văn hội làng La Khê huyện Từ Liêm soạn thảo ngày 25 tháng 1 năm Cảnh Hưng thứ 47 có đến hàng trăm vị sắc mục có học vị cao trong triều soạn thảo.
Hà Nội xưa nói riêng, các làng xã của Việt Nam xưa nói chung xây dựng hương ước đều là có mục đích tốt đẹp là làm cho xã hội có kỷ cương, mọi người làm ăn chăm chỉ, kính trên nhường dưới. Nhà nước có trăm điều pháp luật để làm cho chính sự được ngay ngắn. Làng xã cũng có ước lệ riêng để giúp cho phong tục thêm thuần hậu, mà gốc của một nước chính là ở dân vậy. Làng xã trên thuận dưới hòa, anh em hòa mục, phong tục sẽ dần dần tốt đẹp hơn, tình người sẽ ngày một hòa hợp hơn.
Trần Thọ
Nhà xuất bản Hà Nội