Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 25/01/2016 05:09
Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ huyện Sóc Sơn: Chi bộ Đồn điền Đa Phúc

Khoảng từ giữa năm 1930, sau một thời gian tạm lắng xuống, phong trào cách mạng Việt Nam từng bước được khôi phục. Một số cán bộ đảng viên thoát khỏi ngục tù đế quốc tiếp tục hoạt động trở lại khôi phục cơ sở, lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Chi bộ Đồn điền Đa Phúc được thành lập ngày 17/3/1933 là Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ huyện Sóc Sơn. Tuy phong trào cách mạng vùng Đa Phúc bị tổn thất, song thành tích hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng đã gây tiếng vang mạnh mẽ trong nhân dân Phúc Yên và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng phía bắc huyện Bình Xuyên.

 
Đầu năm 1933, đồng chí Nguyễn Tạo sau khu vượt ngục Hoả Lò (đêm Nô-en 24/12/1932 ở Hà Nội) đã lên Đa Phúc xin làm cu li trong đồn điền Đỗ Đình Thông. Sau một thời gian gần gũi thăm nghèo, gợi khổ, đồng chí đã tuyên truyền giác ngộ, kết nạp một số tá điền vào tổ chức nông hội, phạm vi hoạt động lúc đầu diễn ra ở hai ấp Tân Yên, Đồng Thô, sau phát triển ra các làng ấp xung quanh đồn điền.
 
Qua 5 tháng hoạt động, đồng chí Nguyễn Tạo đã xây dựng tổ chức nông hội ở 24 làng ấp với số hội viên trên 200 người. Trên cơ sở tổ chức nông hội được mở rộng, đồng chí Nguyễn Tạo đã kết nạp được một số đảng viên, gồm những đồng chí cốt cán, hăng hái giác ngộ nhất trong các tổ Nông hội.
 
Ngày 17/3/1933, Hội nghị thành lập chi bộ được tổ chức ở khu vực ấp Tân Yên. Chi bộ có 6 đảng viên do đồng chí Nguyễn Tạo trực tiếp làm Bí thư.
 
Cuối tháng 3 năm 1933, chi bộ được tăng cường một cán bộ lãnh đạo là đồng chí Lê Đình Tuyển; đầu tháng 9 chi bộ kết nạp thêm 2 đảng viên nữa.
 
Như vậy, tính đến tháng 9 chi bộ có 8 đồng chí, trong đó có 2 cán bộ phụ trách.
 
Chi bộ đồn điền Đa Phúc làm nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cả huyện Đa Phúc và tỉnh Phúc Yên, vì vậy có lúc còn gọi là chi bộ Phúc Yên.
 
Trong 6 tháng hoạt động (từ tháng 3 đến tháng 9/1933), chi bộ đã phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo của mình. Về mặt tuyên truyền tổ chức, chi bộ đã xây dựng được tổ chức Nông hội và tự vệ ở khắp các ấp trong đồn điền Đa Phúc, lan tới huyện Bình Xuyên (Vĩnh Yên). Về mặt đấu tranh, để đáp ứng yêu cầu cấp bách, nguyện vọng tha thiết của mỗi gia đình nông dân, chi bộ quyết định tổ chức nông dân đấu tranh chống địa chủ tăng tô chính, đồng thời vận động mọi người không nộp lễ tết cho chủ.
 
Chủ trương của chi bộ được đem ra bàn bạc trong nông hội và cả quần chúng. Trước sức mạnh đoàn kết và lý lẽ có lý có tình của tá điền, chủ đồn điền buộc phải nhượng bộ. Vụ lễ tết chủ tháng 8 cả đồn điền không ai nộp một xu. Cuộc đấu tranh mở đầu từ ấp Tân Phú, Đồng Thô rồi lan ra các ấp thôn khác trong đồn điền đã giành được thắng lợi. Thắng lợi của cuộc đấu tranh đem đến cho nông dân niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của mình, vào vai trò lãnh đạo của Đảng.
 
Hoảng sợ trước phong trào của dân ấp, chủ đồn điền đã phải một mặt cầu cứu quan thầy, mặt khác tung tay chân đi các ấp lần mỏ đầu mối hoạt động của tổ chức Đảng. Giữa lúc ấy, cuộc rải truyền đơn của cơ sở Tân Yên tại xã Phú Lợi (Thái Nguyên) đêm 20/9/1933 bị bọn địch phát hiện. Chúng nắm lấy đầu mối, từ huyện Đa Phúc dẫn lính về ấp Tân Yên và ấp khác tiến hành truy lùng, khám xét bắt đi gần 40 đảng viên và quần chúng cốt cán. Một số đảng viên phải lánh đi nơi khác rồi cũng sa vào tay giặc, trong đó có đồng chí Nguyễn Tạo. Chúng giải số người bị bắt về Hoả Lò – Hà Nội cùng một số đồng chí trung kiên mà chúng liệt vào loại đầu sỏ ngoan cố.
 
Trong nhà tù đế quốc, mặc dù bị đánh đập tra tấn rất dã man các đồng chí vẫn giữ được khí tiết cách mạng. Không cầu an, khai báo, hai đồng chí Hạc và Tèo đã anh dũng hy sinh trong nhà lao Hoả Lò, sự hy sinh anh dũng của hai đồng chí đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng trung kiên vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tuy phong trào cách mạng vùng Đa Phúc bị tổn thất, song thành tích hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng đã gây tiếng vang mạnh mẽ trong nhân dân toàn tỉnh Phúc Yên và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng phía bắc huyện Bình Xuyên.
 
Kim Thanh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)