Bánh chưng trong tâm trí một người con Hà Nội
Nhà tôi khi xưa hay gói bánh chưng vào ngày 28 tết, ngày bà nội tôi còn sống. Dậy thật sớm, thấy gạo đã ngâm và đỗ đã đãi, hóa ra bà nội và mẹ đã lụi cụi làm từ tối hôm trước trong lúc trẻ con lăn quay ngủ ngon lành. Lá gói bánh chưng khi xưa phải là lá dong nếp. Quý nhất là thứ lá nếp của dong rừng. Quý hóa nhau lắm, người ta mới mang biếu nhau loại lá dong đó. Ngày nay thứ lá dong thơm ngát tự nhiên đó không còn nhiều nữa. Những tàu lá thơm dài chứ không bầu bầu và dầy như lá dong tẻ. Thân lá mỏng mướt, sờ vào mát lịm cả tay, xanh biếc ở lá già và xanh chỉ hơi ửng ở lá non. Bà tôi lúc nào cũng cầu kỳ lựa từng tấm lá, rửa thật sạch và lau bằng khăn mềm thật khô. Vì theo bà, lá có ngon, có sạch thì bánh mới xanh, mới thơm và để được lâu. Thứ bánh chưng “mậu dịch” ngày xưa chẳng thể nào sánh nổi với bánh chưng bà tôi gói. Bánh ngày nay, đa số cũng chỉ được gói bằng lá dong tẻ, nên chẳng thể có mùi thơm ngan ngát của đất trời, cỏ cây như bánh của bà năm xưa.
Phải qua bao nhiêu cái Tết, bao nhiêu mùa gói và không gói bánh chưng, tôi mới thấu hiểu được cái triết lý sâu xa của các bậc tiền nhân về sự tích bánh chưng bánh dày. Loại bánh ấy không chỉ để thưởng thức dưới góc độ ẩm thực như những loại bánh khác. Hầu hết các món ăn Việt đều chứa đựng những triết lý phương Đông trong đó (chẳng thế mà người ta gọi một số món Việt là “quốc hồn quốc túy”), mà bánh chưng của miền Bắc và bánh tét của miền Nam thật sự là ví dụ tiêu biểu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà xưa kia chỉ vào dịp Tết người ta mới gói bánh chưng, bánh tét. Ừ thì đúng là thời xưa kinh tế khó khăn hơn, lấy đâu ra gạo, đậu, thịt mà gói hàng ngày. Nhưng tôi vẫn tin rằng thứ bánh ấy được gói khi lá non vừa ra, khi gạo nếp vừa được gặt, đậu xanh vừa chín và thịt lợn vừa đúng lứa xuất chuồng. Nghĩa là những gì ngon nhất, tinh túy nhất vào mùa xuân, người ta đem hết vào thứ bánh ấy, để cúng dâng đất trời, như một sự hiếu lễ với tổ tiên. Có một sự hòa hợp của thiên nhiên và con người trong cái bánh hình vuông xanh lá ấy. Có một sự hòa hợp âm dương được bao bọc trong tấm lá dong sản sinh từ mẹ thiên nhiên, được hình thành từ gió, lửa và nước trong suốt 24 tiếng đồng hồ.
Không khí của nồi bánh chưng xanh, một không khí thật sự ấm áp của mùa xuân về, của gia đình và sự đoàn tụ ngày dần mất đi với nhịp sống hôm nay. Tôi nhớ quá ngày Tết có bà nội khi xưa và lòng thầm tự hỏi phải làm thế nào đây để bánh chưng không thành cổ tích như câu chuyện về chàng Lang Liêu…
Thu Linh tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội