Những điều tản mạn về cây – thú chơi cây cảnh
Tản mạn về cây
Cây sống gắn bó với người như trời, đất, biển, rừng… Ai cũng thích cây, và vì thế: Yêu cây, ta đặt tên con nhỏ./Người đi buổi ấy, tàn hoa phượng./Nhà nàng ở dưới gốc mai./Cây đa giếng nước… Người ta thấy cần phải trồng cây từ những ngày rất xa xưa. Cây có rất nhiều tác dụng. Chúng còn là tượng trưng cho một địa phương, một làng xóm hay một đất nước. Không những chúng có lợi ích trực tiếp mà còn mang lại “cái đẹp” cho cuộc đời. Và cây mang đặc trưng để nói về đất nước, như Nhật là đất nước cây anh đào. Hà Lan là đất nước của hoa tuy líp. Nước Nga còn được gọi là đất nước của cây bạch dương.
Hà Nội xưa nổi tiếng về những cây muỗm ở Trấn Vũ, Văn Miếu, Voi Phục, chùa Láng. Có những dãy phố trông toàn là những cây liễu (Liễu Nhai), toàn là những cây hoè (Hoè Nhai). Thành phố Hải Phòng được gọi là thành phố Hoa Phượng đỏ. Chính những cây gạo Chùa Hương đã báo cho người nông dân: “Bao giờ cho đến tháng Ba, hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng…”. Ở chùa Hương, gạo đỏ sáng rực đèn hoa. Có những nơi, cây hai bên đường thắp đuốc lên, làm vui bước chân lữ khách. Hoa gạo ở đây chưa thật nhiều nhưng được gắn vào bối cảnh có rừng xanh, núi xám, có khói hương lan toả, quyện vào tiếng mõ tiếng chuông… đã làm nên hình ảnh một ngôi chùa thiêng liêng, thơ mộng…
Ở Liễu Châu (Trung Quốc), đâu cũng có liễu. Nhưng cũng phải là do bàn tay con người mới dựng nên những xóm liễu, rừng liễu, dặm liễu, đường liễu… để làm mê hoặc khách du lịch. Người Bắc Kinh rất chú ý đến việc làm xanh thành phố.
Ở các đình, chùa, miếu Việt Nam, người ta thường trồng những loại cây vạn tuế, thiên tuế. Cây có những cành lá dài nhỏ với màu xanh cường tráng. Chúng sống rất lâu, đại diện cho sức sống ngàn năm và một sự nhớ thương khôn nguôi những ngày tháng phù du đi qua. Người ta cũng rất khéo trồng các cây ngâu, cây mộc. Nụ và hoa ngâu, mộc đẹp như những chuỗi hạt màu trắng và vàng, được dùng để ướp trà. Mùi thơm dịu mát, nhẹ nhàng, kín đáo. Nhưng chính cái mùi thơm của hoa ngâu, hoa mộc bốc lên lại làm cho ruồi, muỗi phải bay đi. Giới khoa học đã xếp chúng vào loại cây đuổi ruồi. Ở đền vua Đinh và vua Lê tại Hoa Lư – Ninh Bình, các cụ xưa chỉ cho trồng một cây phù dung ở đền vua Lê. Vì đến vua Lê có tượng Dương Vân Nga tài sắc. Mà hoa phù dung là tượng trưng cho cái đẹp của người con gái. Nó sớm nở tối tàn. Nó gợi lên sự mong manh đầy bi kịch do sắc đẹp quyến rũ của nó tạo nên. Vì thế ta thấy được việc trồng cây của người xưa thật chí lý.
Trở lại thành phố Hoa Phượng đỏ, cái đẹp về hoa phượng ở đây mới chỉ là do bàn tay thiên nhiên tạo ra. Phải chăng cần có thêm bàn tay và khối óc con người, để trồng thêm cây phượng đỏ nhiều hơn và đẹp hơn nữa cho Hải Phòng. Và chùa Hương cũng nên được trồng thêm nhiều cây gạo nữa. Trồng cho có nghệ thuật hơn để những chùm hoa gạo thực sự thắp sáng được cả một vùng núi, sông, suối, nước… tươi đẹp muôn đời. Sao cho những cây hoa gạo chùa Hương tạo nên được cái vẻ rực rỡ “hoa quang bách lý” nghĩa là ánh sáng của hoa toả ra hàng trăm dặm… như trong thơ Đường… Như vậy, sẽ có thật nhiều khách nước ngoài tìm đến và đánh giá hoa gạo chùa Hương như họ đã đánh giá vườn đào Tây Vương Mẫu, rừng đào núi Thái Sơn, dặm liễu Liễu Châu ở Trung Quốc với tầm cỡ quốc tế, chứ không phải chỉ có lời đánh giá chủ quan của chúng ta. Mặc dù lời đánh giá đó cũng không ngoa chút nào.
Thú chơi cây cảnh
Nghề làm vườn của Hà Nội đã có từ lâu đời, đặc biệt là trồng cây cảnh. Nghề này là một nghề tài tử, có từ những đời Lý, Trần. Từ những năm trước, nó có mặt hàng năm vào những ngày lễ, ngày tế cung cấp cho các cơ quan ngoại giao khánh tiết, cho khách nước ngoài và cho những người ưa chuộng. Nghề này được truyền từ cha ông đến con cháu. Nó có nhiều “miếng” bí truyền. Những làng trồng cây cảnh nổi tiếng là Quảng Bá, Nghi Tàm, Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Nhật Tân… Gia đình trồng cây cảnh thường phối hợp với nghề trồng hoa. Nhà nào cũng có một mảnh vườn trồng và ươm cây. Ở đó tràn ngập mùi hương. Hương hoa lan, hoa ngâu, hoa hồng… Các mảnh đất thơm đó được ngăn lại bởi những hàng rào cây xén tỉa làm cho lối vào ngõ trở nên xanh biếc.
Để có những cây cảnh, người làm vườn phải vun xới, chăm bón. Còn phải nắn nót các thứ cây tỉ mỉ và công phu. Để có một cây tùng nhỏ nhiều năm, có hình một ông cụ già tiên phong đạo cốt hoặc một con rồng bay bổng, phải mất 5-6 năm.
Những hòn non bộ cho những cây si bám vào cũng cần một rêu phong cổ kính phía dưới. Công việc này cũng phải mất 2-3 năm.
Trước hết người làm vườn có được những cây cảnh, cây thế, hòn non bộ để gửi gắm tâm hồn, tình cảm, ý niệm thẩm mỹ phải là một nghệ nhân. Anh ta phải biết chọn lựa, sưu tập những loài cây, loài hoa quý hiếm, đem trồng xuống đất trên các hòn non bộ hoặc trong chậu cảnh rồi chăm chút, xén tỉa, uốn hình, tạo dáng từ mùa này sang mùa khác để cây cảnh có hình con rồng, con lân, con hổ, con voi, phượng, hạc… Họ còn sử dụng những khối đá bọt, đá xanh có dáng dấp tự nhiên, đem về đục đẽo, gia cố thêm thành các hình khối muôn hình muôn vẻ khác nhau để làm hòn non bộ ghép cây vào. Như vậy là họ tạo cảnh theo tứ của một vài bài thơ cổ. Một cô gái tài sắc, một cái quán bên cầu, những nhân vật không có tên… đủ tạo nên những vương vấn, bâng khuâng, những tha thiết thấp thoáng trong bóng trúc rặng tre, trên bến đò có con sông tưởng tượng. Cây cảnh và non bộ Hà Nội tạo nên một bối cảnh có trời, đất và con người. Cây ghép Hà Nội thường chia ra ba nhóm: nhóm trồng ươm, chuẩn bị được ghép nén, uốn; nhóm cây cảnh phối hợp với núi non bộ; nhóm cây cảnh có thế… Đây là nhóm được đánh giá cao về mặt tài ba của người lập thế cây. Nghệ nhân tạo ra một cây cảnh có thế, có dáng dấp và sự vươn lên. Toát lên một chủ đề, một ý niệm tư tưởng lãng mạn, mãnh liệt.
Để có một cây cảnh có thế đẹp, nghệ nhân khéo sử dụng cây, thân, lá gốc, cành rễ, rêu… làm vật liệu như hệt nhà điêu khắc dùng đất sét và thạch cao để tạc tượng. Nghệ nhân cây cảnh thủ đô Hà Nội là một dạng trong nền nghệ thuật Việt Nam. Nghệ nhân làm vườn đã thu gọn sự lớn lao hùng vĩ của thiên nhiên bao la vào một khung cảnh nhỏ để tâm sự với cuộc đời. Một cây cảnh đẹp có thể chứa đựng cả thơ ca, nhạc hoạ. Cây cảnh đã đi vào truyền thống như một nếp sống, một thú chơi.
Hàng năm, cứ vào dịp tết, nhiều đoàn khách nước ngoài tới thăm những làng hoa xung quanh Hà Nội để ngắm hoa, thưởng thức các mùi thơm cây lá và hoa quả. Nhất là để họ say sưa ngắm các chậu cảnh Việt Nam. Cây cảnh Hà Nội cũng là một mảng tâm hồn của người Hà Nội. Nó sánh ngang với nghệ thuật uống trà, nghệ thuật tranh Đông Hồ, hát Quan họ…
Bách Hợp tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội