Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 02/03/2016 09:12
Dòng nhạc dân ca Hà Nội: Ca trù những dòng tản mạn

Khai thác những nhân tố tương phản về âm sắc, âm chất để đi tới sự hài hoà những phúc điệu đan kết lại với nhau đó là nguyên tắc của ca, nhạc cổ kim. Và ca trù là loại hình nghệ thuật ca nhạc phù hợp với nguyên lý đó. Ca trù là dòng nhạc dân ca đặc trưng của Hà Nội.

 
Ca trù có đủ các thể loại: trữ tình, lãng mạn, sử thi anh hùng ca, giáo huấn… Các bài hát ca trù giàu chất thơ ca. Chúng thoáng có nét thơ Đường, tranh thuỷ mặc, lại thấm chất dân gian, nhiều nhạc tính và kịch tính. Ca trù có chút buồn. Nhưng chất buồn này không phải là cái buồn bình thường mà là cái buồn to lớn: trầm ngâm, sâu lắng, suy nghĩ, cảm xúc. Nó làm cho những công việc bề bộn của trái tim được hài hoà. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã bỏ ra nhiều năm tháng để nghiên cứu và học ca trù. Năm 1940, ông viết trên báo Ngày nay: “Đứng về phương diện hoà âm mà xét, lối hát ả đào là không thể chỉ trích vào đâu được. Ta chỉ nên lắng tai nghe sự hợp nhất, đối chiếu, thăng bằng hoàn toàn của mấy loại nhạc khí góp vào với lời ca”. Năm 1944, ông lại viết trên báo Thanh Nghị: “Chúng ta có thể tự hào rằng, không một tiếng hát nào trên thế giới có thể đẹp như tiếng hát của đào nương ca trù”. Ông lại thêm: “Đào nương là con chim hoạ mi của thơ ca Việt Nam”.
 
Suốt cả chặng đường gần 1000 năm trở lại đây, người Hà Nội không bao giờ sao lãng nghệ thuật ca trù kể từ khi dòng nhạc này còn là hát ở cửa đình, hát ở thành thị rồi vào kinh đô. Và rồi nó lại từ kinh đô mà trở về với thành thị, với các xóm làng. Nó không ngừng được cải tiến, hoàn thiện cả về hình thức lẫn nội dung để trở nên lối hát ca trù ngày nay. Nó được lan toả đi mọi nơi và cũng đi nhiều nước trên thế giới. Ở đây thanh và sắc của nó cũng được nâng niu, kính nể. Từ những năm 1930 - 1940, ở Hà Nội luôn tổ chức những cuộc thi hát ca trù và đánh đàn đáy với sự tham gia của nhiều kép đào kép quái kiệt, hạng nhất ở Hà Nội và từ các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Sơn Tây, Thanh Hoá, Hà Tĩnh… Các cuộc thi được tổ chức long trọng tại đền Giáo phường Lỗ Khê, đền Hàng Quạt, đền phố Huế, đền Ngọc Hà, Hàng Giấy, Thủ Khối, Gia Lâm, Bát Tràng… Người đoạt giải nhất được phong làm thủ khoa. Người đoạt giải nhì được gọi là “á khôi”. Phải là người được giải trong các cuộc thi này ở Hà Nội mới là tuyệt mĩ, là đáng mặt. Họ bảo nhau: “Phi Hà thành bất xứng cầm ca”. Có một lần cụ thân sinh ra bà Quách Thị Hồ là người Kinh Bắc, có tài ca nhất Kinh Bắc, lại có nhan sắc lộng lẫy, đã chắc mẩm được thủ khoa. Nhưng không may, bà chỉ được “á khôi”, bà ăn năn mãi và quyết tâm rèn luyện cho con gái cố đoạt danh hiệu thủ khoa thay bà. Đó là cả một sự ân hận truyền kiếp.Từ những năm 1930, thành phần nhóm trình diễn ca trù luôn được các nhà nho, nhà thơ, học giả cùng với các tài năng dân gian hoàn thiện để nhóm được rút thật gọn nhẹ đến nỗi không phải thêm một thành viên nào mà cũng không thể rút đi được một thành viên nào.
 
Những năm 1930 – 1935, các danh ca Đàm Mộng Hoàn, Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm và các danh cầm Đinh Khắc Ban, Ngô Thế Tuất, Phí Văn Thọ… thường đến Hồng Kông để ghi những đĩa hát về ca trù. Danh cầm Phí Văn Thọ là thầy dạy của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát.
 
Tính đến năm 1942, ở Hà Nội có nhiều xóm ca trù nổi tiếng, như các xóm Hàng Giấy, Thái Hà Ấp, Ngã Tư Sở, Phùng… xa một chút có các xóm Gia Lâm, Thủ khối, Bát Tràng, Bắc Ninh, Quốc Oai, Từ Liêm… Năm 1977 ở Hà Nội có nhóm câu lạc bộ ca trù ở đền Bích Câu. Chủ tịch câu lạc bộ là người Lỗ Khê. Nhiều khách nước ngoài cũng đến tham gia câu lạc bộ.
 
Năm 1979, tại Liên hoan nghệ thuật các dân tộc Á – Phi tổ chức tại Iran, bà Quách Thị Hồ đã được bằng danh dự với bài ca trù: “Xuân rồng chắp cánh rồng bay”. Lời bài hát của Chu Hà.
 
Năm 1983, tại Mông Cổ, trong cuộc thi nghệ thuật của 29 nước, bà Quách Thị Hồ lại đoạt bằng danh dự và đặc biệt về bài ca trù “Tỳ bà hành”. Một thành viên trong ban giám khảo quốc tế đã bình: “Tiếng phách của bà Hồ là một tiến hành khúc của tâm hồn”. Nhạc sỹ Trần Văn Khê rất say mê ca trù, ông đi khắp thế giới. Đến đâu, ông cũng giới thiệu ca trù.
 
Ở làng Lỗ Khê, còn có đền giáo phường ca trù. Nơi đây thờ tổ sư ca công và tổ giáo phường. Trong đền còn giữ lại được các bản ghi chép về sự tích các vị thần do Nguyễn Bính là tiến sỹ đời Lê niên hiệu Hồng Phúc soạn. Trong đền còn bức hoành phi, bức cửa võng chạm trổ tinh vi, có khám thờ hai pho tượng gỗ sơn son thiếp vàng ngồi uy nghi. Đó là tượng ông Đinh Dự và bà Đường Hoa là tổ sư nghề đàn, phách, ca, múa và lập giáo phường. Nay ở Lỗ Khê còn hơn một chục “họ” ca trù. Các ca nương và các danh cầm của Lỗ Khê vẫn đi khắp nơi trình diễn. Cũng như xưa, họ đều có mặt trong các cung đình vua chúa. Nơi đây còn nhiều gia đình giữ được nhiều bộ phách và nhiều cây đàn đáy gia truyền. Họ thường tổ chức hát ca trù trong ngày lễ tổ sư, trong các dịp lễ, tết của hai mùa xuân thu. Khách ở các nơi đến thăm họ trong những ngày này rất đông như thể người ta rủ nhau về thăm làng quan họ vậy.
 
Ở Từ Liêm cũng còn đền thờ tổ ca trù. Ở phố Hàng Trống có đền thờ một đào nương từ đời Lê. Nàng tên là Huệ. Ở ngay chợ Hôm cũng còn đền thờ tổ sư giáo phường ca trù.
 
Chúng ta đều biết, dòng nhạc ca trù của Hà Nội đã có rất nhiều đệ tử. Trong đó có những vị lừng lẫy như: Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tản Đà, Hoàng Tích Chu, Xuân Thuỷ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Xuân Khoát, Phùng Bảo Thạch, Nguyễn Khắc Viện, Ngô Linh Ngọc, Hồ Tùng Mậu, Trần Huy Liệu, Trần Huyền Trân, Hồ Zếnh, Lê Hồng Phong, Tôn Quang Phiệt… Họ là những nhà nho, nhà trí thức, nhà văn hoá. Họ yêu mến ca trù và sáng tác ra những bài hát cho đào nương. Mấy thập kỷ qua, đã có một số nhạc sỹ vớt được một chút hương hoa ca trù và kết nạp họ vào làng ca trù. Họ là: Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Văn Thành Nho, Huy Thục, Đoàn Bổng, Nguyễn Ngọc Ninh… Người xưa đã cho họ ăn “lộc”.
 
Ca trù là dòng nhạc truyền thống, dân gian được nâng lên mức bác học của Hà Nội. Nó cũng như dân ca quan họ của Kinh Bắc, ví dặm của Nghệ Tĩnh, ca Huế của Huế, ca tài tử của Nam Bộ… Còn ca trù là của Hà Nội.
 
 
Khánh Thi tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)