Tìm hiểu ngạn ngữ vùng Hồ Tây
Văn học dân gian là những sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật đầu tiên, sớm nhất đến với Hồ Tây, đã trở thành những vật báu trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Ở đây hội tụ đủ mọi chủ đề tiêu biểu nhất của thần thoại, truyền thuyết, lại có cả một kho ca dao, tục ngữ sáng giá. Tìm hiểu văn học vùng Hồ Tây chính là tìm hiểu một bộ phận của đời sống tinh thần Thăng Long - Hà Nội, tìm hiểu mỹ cảm của những con người của dải đất có nền văn hiến ngàn năm.
Về ngạn ngữ, có những câu ghi lại về cảnh, về sản vật như sinh hoạt của con người ở đây:
Vắng như chùa Bà Đanh
Chùa Bà Đanh tương truyền được vua Lê Thánh Tông cho dựng ở phường Thụy Chương bên bờ Nam Hồ Tây (chỗ này nay là trường trung học Chu Văn An) để làm nơi cúng bái cho một bộ phận người Chăm khi đó được định cư ở vùng này. Sau khối cư dân ấy được chuyển đi nơi khác nên chùa ít người lui tới, hóa ra vắng vẻ đến điêu tàn.
Bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái
Làng Nghi Tàm trông ra Hồ Tây, xưa có trồng một loại trúc thân vàng gọi là trúc ngà. Chúa Trịnh Giang có đặt một bến tắm tại đó. Còn rừng bàng Yên Thái thì đó là khu rừng trồng toàn bàng trên gò đất thuộc làng Yên Thái, ở chỗ giáp giới ba làng: Yên Thái, Trích Sài, Võng Thị. Nhưng cũng có người cho rằng rừng bàng này ở ranh giới hai làng Bái Ân và Tiên Thượng. Nay chỉ còn tên gọi chứ không còn một cây bàng nào.
Lĩnh Sài, nhiễu Giấy
Thời trước làng Trích Sài bên bờ Hồ Tây có nghề dệt lĩnh nổi tiếng. Lĩnh là một loại lụa đen, rất mỏng có thể là do một cộng đồng người Chăm trước kia cư trú tại đó truyền nghề. Lĩnh dùng để may quần và váy phụ nữ. Nhiễu là một loại lụa mặt nổi cát, nhuộm nhiều màu song thường là màu tím sẫm hoặc màu đen để làm khăn chít đầu và may quần áo. Ngày trước, làng Giấy - tức An Hòa, nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy - thạo về nghề dệt nhiễu.
Trầu vàng, rễ tía, gái Nghi Tàm
Làng Nghi Tàm ở bờ đông Hồ Tây, con gái thường là xinh đẹp lại có nghề buôn trầu không và vỏ. Câu này cùng một ý với câu ca dao: Muốn ăn rễ tía trầu vàng/ Đông con nên gả cho làng Chạ Nghi.
Giò Chèm, nem Vẽ, chuối Xù
Làng Chèm và làng Vẽ nay thuộc huyện Từ Liêm, làng Xù tên chữ là Phú Xá, nay thuộc quận Tây Hồ trồng được nhiều loại chuối ngon.
The La, lĩnh Bưởi, cấp Mỗ, chồi Phùng
Làng La Khê, La Cả (Hoài Đức, Hà Nội) dệt the – một mặt hàng tơ thưa. Làng Đại Mỗ huyện Từ Liêm dệt cấp là một mặt hàng tơ mỏng. Làng Phú Xã thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội dệt chồi - còn gọi là sồi - là một mặt hàng dệt bằng tơ mặt xù xì.
Người xấu như ma tắm nước ao Quà cũng đẹp như tiên
Ao Quà là tên một thửa ao ở thôn Đông Xã nay thuộc phường Bưởi vốn nước trong được coi là làm đẹp cho mọi người xuống tắm.
Phật đá Cầu Đông, tượng đồng Trấn Vũ
Câu này nói về hai công trình nghệ thuật nổi tiếng thời Lê Trung hưng. Tương truyền trên chiếc bệ ở đầu Cầu Đông bắc qua sông Tô chỗ giữa phố Hàng Đường có đặt một pho tượng phật bằng đá cao to hơn người thường, có thể sánh với tượng thánh Trấn Vũ trong đền Quan Thánh bên bờ hồ Trúc Bạch.
Thực ra kho tàng văn học truyền miệng vùng Hồ Tây sưu tầm chưa được là bao nhưng các câu chuyện cũng như địa danh trong ngạn ngữ ở các làng vùng Hồ Tây cũng khả dĩ tạm coi là tiêu biểu, phản ánh cảnh vật, nghề nghiệp, sinh hoạt, tâm tình của người dân vùng hồ tức là góp phần dựng lại đôi nét diện mạo của dải đất kinh đô Thăng Long xưa.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội