Những làn điệu vang vọng làng Chèo
Tính đến năm 1970, vốn liếng của chèo có chừng 150 làn điệu. Nhưng đến năm 2000 đã có chừng 200 làn điệu. Những làn điệu bổ sung được sáng tác bằng cách dựa vào các yếu tố cũ mà cách tân, có gài vào những nét mới học được từ các làn điệu của những nền ca nhạc bạn bè mà chế biến ra.
Các nghệ nhân xưa, mỗi người thường giữ lấy cho mình một vài làn điệu quý hiếm, không chịu nhả ra. Họ chỉ lộ ra khi nào rất cần thiết rồi lại giữ kín. Đó là những của “độc”. Ví dụ như cụ trùm Thịnh giữ được vài bài “Vãn” mà chỉ mình cụ hát được hay. Đó là những làn điệu “chết người”. Bà Dịu Hương giữ được “song ngọc” là hai viên ngọc của chèo. Có được chúng bà sẽ không thua chị kém em. Bà Hoa Tâm giữ được ba làn điệu thật hay cho mình.
Trong chèo có “Tứ quý”. Đó là những làn điệu “Đào liễu”, “Lối lơ”, “Ru kệ”, “Làn thảm”, những làn điệu này chứa trong mình đủ những yếu tố quan trọng của thanh nhạc: trữ tình, kịch tính và màu sắc. Hát được tứ quý là được làng chèo kính trọng. Thêm vào tứ quý một làn điệu “Đò đưa” nữa là được “Ngũ phúc”… Nếu ai hát thêm được những làn điệu độc đáo như “Con gà rừng”, “Nón thúng quai thao”, “Vãn”, “Sổng”… thì tâm hồn người đó sẽ rất phong phú. Vì những làn điệu trên tràn ngập những tình cảm cao quý của con người. Chúng lãng đãng, phất phơ, chòng chành, sương khói…
Nói đến chèo phải nói đến khúc “Vỡ nước”. Khúc này nói lên niềm hân hoan dâng lên như nước vỡ bờ. Khi nó được dạo lên, quần chúng sẽ im phăng phắc. Lúc này, tất cả các nhạc cụ đều tham gia, hoà lại với nhau, tách ra rồi lại hợp lại. Những âm thanh cần thiết được nổi hẳn lên để đạt hiệu quả cao.
Đi đầu tiên là trống. Có trống cái, trống con, trống cơm, trống sai rồi đến thanh la, não bạt… Những nhạc cụ gõ này bỗng lắng xuống, để những tiếng cả nhị, hồ trung, hồ đại… nổi lên réo rắt, tha thiết, mênh mang buồn buồn. Tất cả các nhạc công đều vừa biểu diễn, vừa hát lên những lời chúc tụng sự thịnh vượng sinh sôi với mọi tư thế thoải mái, ngẫu hứng, say sưa như bị ốp đồng. Một lát sau một nhạc công có uy tín đứng dậy ngâm:
Minh quân, lương tể tao phùng dị
Tài tử giai nhân tế ngộ nan…
Nghĩa là gặp gỡ vua hiền, quan lớn là chuyện dễ. Còn như chúng ta đây là những tài tử giai nhân (diễn viên và khán giả có được dịp gặp mặt nhau thế này mới là điều khó). Như vậy, thật đáng trân trọng. Hai bên kính trọng nhau. Các diễn viên phải cố gắng sao không phụ lòng khán giả và ngược lại.
Xưa kia, các buổi diễn chèo 8 vùng Bưởi mà không có kép Thuyên, kép Tước, đào Thanh, đào Vị là không xong, khán giả sẽ đến rất thưa thớt. Những năm 1936 – 1939, các rạp ở Hà Nội, nếu không có đào Não, đao Bella Nhung, đào Bích Hợp, đào Hợi hoặc diễn Quan Công mà không có Sĩ Tiến… thì người bán vé chỉ có ngồi mà ngáp… có thế thôi.
Khúc vỡ nước nổi lên bồng bềnh sông nước lúc lên, lúc xuống theo những đợt sóng bi hùng mà bất tận. Điều quan trọng và trang nghiêm hơn là nó mô tả được cái hoạt động hoành tráng của cuộc di dân nguyên thuỷ xưa. Đó là lúc mà những con người không sống được với rừng xanh núi đỏ, phải rời bà mẹ Thượng Ngàn mà trôi theo dòng nước để về đồng bằng. Chuyến đi này, người chết nhiều hơn người sống nhiều lần. Khi một số trụ lại được ở đồng bằng, tìm được cái sống, mới oà lên khóc. Họ nhớ mẹ và những người thân yêu đã bị cuốn theo dòng nước. Và rồi họ hét lên, hát lên, nhảy múa và rồi họ sáng tạo ra “chèo” 8 dạng sơ khai. Thế đấy, chèo mà không có tiếng sóng nước, không có tiếng gọi bi hùng không có nước mắt là không đúng với gia phả của nó. Chèo cũng không thể thiếu tiếng vỗ của trống cơm bập bùng, khắc khoải, tiếng nỉ non thao thức của nhị và hồ, tiếng quyết liệt sống còn của trống và thanh la.
Sau khúc vỗ nước một cô đào xinh trong gánh chèo xuất hiện, mở lời giá đầu giới thiệu ngắn gọn mà xúc tích về vở diễn rất khéo. Chẳng hạn như với vở “Quan Âm Thị Kính”, cô vỉa:
Oan khuất thay phận gái…
Khi làm dâu, chồng ngờ thất tiết
Lúc giả trai có kẻ đổ oan tình…
Hoặc với vở “Cô Son”, cô vỉa:
Mười ba năm mới biết mặt chồng
Tên Son đỏ mà cuộc đời đen tối
Khúc “Vỡ nước” khá độc đáo. Riêng nó cũng đủ làm nên một màn diễn hoành tráng độc lập. Nó cần phải được ghi vào lịch sử sân khấu thế giới về giá trị mang theo nhiều vẻ đẹp huyền bí và kỳ diệu.
Nói về làn điệu “Sổng!”. Nó nặng về ngâm ngợi tả tình hoặc tình và cảnh. Nó có đã từ lâu lắm. Nhưng đến hồi 1958 – 1959 mới được nghệ sĩ đa tài Bùi Trọng Đang hoàn thiện và nâng cao. Và nó được phổ biến rộng rãi khắp nơi. Rồi người ta dùng nó đến mức lạm dụng. Cánh ngâm thơ cũng đưa “Sổng” vào thơ. Và giọng ngâm “Sổng” của Bùi Trọng Đang cũng là giọng “Sổng” số một. Ông không có đối thủ. Nhớ lại trong vai diễn Lưu Bình vở Lưu Bình – Dương Lễ, Lưu Bình sững sờ ngao ngán khi thi đỗ về không thấy người đẹp. Người bỏ đi đâu? Đã hẹn cùng ta chung sống mà…
Lưu ngâm Sổng:
Nàng bỏ đi đâu? Lạnh ngắt phòng loan
Trông lên bức gấm, nhớ tới tay ngà
Cây khoai xới, cho thắm dò hoa…
Lưu Bình ngẩn ngơ bối rối đã làm cho khán giả lịm đi, bàng hoàng, thổn thức với giọng ngâm trầm trầm, u uất, tan nát. Giọng ngâm cất lên ta thấy một cảnh tượng hoa lá rụng tơi bời, đá phai, ngọc nát. Từ đó, ai cũng bàn tán và khen ngợi giọng “Sổng” của Bùi Trọng Đang. Quả vậy, chưa có ai ngâm “Sổng” mà làm cho quần chúng phải say sưa và thao thức cao độ như Bùi Trọng Đang. Nhưng, chúng ta cũng nên biết rằng trước khi ngâm được giọng “Sổng” này, Bùi Trọng Đang đã có một hành trang nghệ thuật về chèo thật đồ sộ. Ông đã đánh đàn nguyệt và hát chầu văn từ năm 12 tuổi. Ông giỏi đàn đáy, đàn bầu, trống, nhị, mõ… Môn nào ông cũng được xếp vào hạng cao nhất. Ông còn thông thuộc và hát hay được nhiều làn điệu chèo. Ông có bốn vị sư phụ mà ông coi như cha mẹ. Họ là những người truyền nghề cho ông. Ông rất tự hào là mình đã có con mắt tinh đời mà tìm ra các vị sư phụ để được nhận là đồ đệ. Ông sống trong cảnh thanh bần. Trước khi ông mất, ông bảo: “Đời tôi rất cô đơn. Nhưng càng cô đơn thì tôi càng say mê ca và nhạc chèo”.
Chèo là nghệ thuật tổng hợp, muốn thấy được cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc của Chèo phải trực tiếp đến với các chiếu Chèo, các vở diễn. Đặc biệt, nếu thuộc được một số làn điệu thì mới thấy được sức cuốn hút lạ kỳ của Chèo đối với người nghe. Phải hát được Chèo mới học được Chèo, từ đó mới có cơ sở sáng tạo, nâng cao và bổ sung những đặc sắc mới cho nghệ thuật Chèo. Hát Chèo là lối hát sân khấu, có thể một người, có thể nhiều người hát đồng ca. Giai điệu của các làn điệu hát Chèo rất phù hợp với giọng tự nhiên và ngôn ngữ của người Việt. Hiện nay, một số điệu hát chèo đã được các nghệ sĩ mạnh dạn cải biên, phối khí theo phong cách và nhạc cụ hiện đại nhưng vẫn giữ giai điệu gốc vốn có.
Quang Sáng tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội